01/08/2021 19:25  
Cấu trúc giống bọt biển được phát hiện ở tây bắc Canada có thể đẩy lùi lịch sử tiến hóa của động vật sống về sớm hơn 350 triệu năm.

Động vật thân lỗ hay bọt biển một ngành động vật đa bào nguyên thủy đã có mặt trên Trái Đất từ rất lâu trước khi những loài thực vật đầu tiên xuất hiện. Sự đơn giản trong cấu trúc - không có hệ thần kinh, tiêu hóa và tuần hoàn - khiến nhà khoa học tin rằng chúng là nhóm động vật cổ xưa nhất trên hành tinh của chúng ta, nhưng thời gian tiến hóa chính xác của chúng vẫn là một bí ẩn.

Giờ đây, trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature, nhà địa chất thực địa Elizabeth Turner từ Đại học Laurentian của Canada tuyên bố đã tìm thấy hóa thạch có độ tuổi lên tới 890 triệu năm của một cấu trúc giống bọt biển trong hệ thống san hô cổ đại ở khu vực Little Dal ở phía tây bắc nước này. Nếu được xác nhận là động vật thân lỗ, khám phá này sẽ trở thành tàn tích sớm nhất từng được biến đến của động vật sống, sớm hơn 350 triệu năm so với hóa thạch bọt biển lâu đời nhất trước đó.

Kiểm tra dưới kính hiển vi cho thấy mẫu đá ở Little Dal chứa một cấu trúc hình ống phân nhánh ba chiều rất giống với khung xương của bọt biển sừng (Demospongiae). Hóa thạch được bao phủ bởi tinh thể canxit khoáng chất, thứ có thể hình thành sau khi cơ thể của Demospongiae phân hủy.

Bọt biển cổ đại sống trong các ngóc ngách tối tăm dưới đại dương, nơi có vi khuẩn quang hợp chuyển đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học. Điều này củng cố giả thuyết rằng chúng có thể tồn tại trước những sự kiện được cho là cần thiết để hỗ trợ sự xuất hiện và đa dạng hóa đời sống động vật.

Khoảng 800 triệu năm trước, nồng độ oxy dưới đại dương và trên bầu khí quyển đều tăng lên đáng kể trong một sự kiện được gọi là "oxy hóa đại nguyên sinh". Bằng cách dựa vào nguồn thức ăn từ vi khuẩn quang hợp, bọt biển có thể chịu được điều kiện oxy thấp cách đó 90 triệu năm, Turner giải thích.

Tuy nhiên, giống như hầu hết các tuyên bố về sự sống sơ khai, phát hiện của Turner cũng vấp phải một số ý kiến tranh cãi. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sinh vật biển cổ đại có thể trông rất khác những gì chúng ta thấy dưới đáy đại dương ngày nay và bọt biển sừng cũng không phải ngoại lệ.

"Cô ấy (Turner) có thể đúng, nhưng tôi nghĩ cần xem xét tất cả các khả năng khác trước khi kết luận rằng đây thực sự là một hóa thạch bọt biển. Chỉ có phân tích sâu hơn mới giải quyết được cuộc tranh luận", nhà địa chất học carbonat Rachel Wood tại Đại học Edinburgh của Scotland chia sẻ.

Đoàn Dương (Theo CNN/National Geographic)

Nguồn tin: vnexpress.net


bí ẩn   Động vật  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...