08/12/2021 18:10  
Sự "nổi loạn" của chân sút nhập tịch De Paula ngay ở AFF Cup 2020 chỉ là một trong những hậu quả mà bóng đá Malaysia đang nếm trải từ việc nhập tịch ồ ạt.

"Tình trạng nhập tịch không thể quyết định thành công của đội tuyển Malaysia" - dòng tít ấy xuất hiện trên tờ Hmetro (Malaysia) trong buổi sáng này. Không phải ngẫu nhiên mà báo giới Malaysia đề cập tới vấn đề nhập tịch ngay ở thời điểm AFF Cup 2020 đang diễn ra.

Việc chân sút gốc Brazil, De Paula đã nổi nóng sau khi bị thay ra sân, đá văng chai nước ngay trước mặt HLV Tan Cheng Hoe thực sự là "cú tát đau đớn" với đội bóng. Mặc dù sau đó, HLV Tan Cheng Hoe đã ra sức bảo vệ học trò nhưng những điều trông thấy thực sự đau đớn lòng với những người hâm mộ Malaysia.

Tất nhiên, trường hợp của De Paula không phải là cá biệt. Cách đây 1 năm, chân sút nhập tịch Sumareh từng nổi loạn bằng việc không trở lại tập trung ở CLB Pahang, để gây sức ép đòi ra đi. Ngay trước thềm giải đấu, Sumareh cũng "mất tích" một cách bí ẩn. Sau đó, anh không có tên trong danh sách tham dự AFF Cup vì… chấn thương. Nhiều quan điểm cho rằng, lý do trên chỉ nhằm "hợp thức hóa" sự nổi loạn của cầu thủ gốc Gambia.

Thực tế, những đóng góp của các cầu thủ nhập tịch cho bóng đá Malaysia trong những năm qua rất hạn chế. Bởi lẽ đó, HLV Tan Cheng Hoe không ngần ngại gạch tên hàng loạt cầu thủ nhập tịch như Matthew Davies, La'Vere Corbin-Ong, Brendan Gan, Liridon Krasniqi. Thậm chí, ông chỉ sử dụng 24 cầu thủ ở AFF Cup (trong khi quy định được đăng ký 30 người).

Không biết vô tình hay cố ý, ngôi sao hiện tại trong đội hình của Malaysia, Akhyar Rashid đã bất ngờ thốt lên: "Thật tuyệt vời khi giành chiến thắng ở trận đấu có nhiều cầu thủ nội hơn trong đội hình xuất phát".

Dù thế nào thì câu nói ấy cũng là minh chứng của việc nội bộ Malaysia đang chia rẽ.

Nhưng dù sao, không phải tới tận bây giờ, những người Malaysia mới nói lên điều đó. Hồi tháng 6 năm nay, cựu danh thủ Safee Ali từng gọi dự án nhập tịch của Liên đoàn bóng đá Malaysia là "một cú lừa".

Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Datuk M Karathu nhấn mạnh rằng những cầu thủ nhập tịch của Malaysia chỉ như "hàng chợ". Ông cho biết: "Những cầu thủ nước ngoài thi đấu ở giải VĐQG Malaysia vốn chỉ là những người trôi dạt, không trụ lại nổi châu Âu và Nam Mỹ. Hãy nhìn tinh thần chiến đấu của đội tuyển Việt Nam. Còn cầu thủ Malaysia chỉ biết đi bộ trên sân, nhận thẻ vàng và không thể hiện được gì".

Malaysia không phải là đội bóng tiên phong ở trào lưu nhập tịch cầu thủ. Singapore từng rất thành công với chính sách này với những chức vô địch AFF Cup liên tiếp. Thế nhưng, nó chỉ ở giai đoạn nhất định và không có tính kế thừa.

Ở thời điểm này, bóng đá Singapore đang phải làm lại, với sự phát triển từ gốc rễ trong công tác đào tạo trẻ ở bản địa. Trường hợp của Indonesia là minh chứng điển hình nhất. Họ chấp nhận bỏ qua các cầu thủ nhập tịch để "đập đi xây lại" cùng với HLV Shin Tae Yong. Còn lại, bóng đá Philippines vẫn lay lắt trong nhiều năm qua, mà không thể vươn tới thành công dù sử dụng khá nhiều cầu thủ nhập tịch (hoặc gốc Philippines).

Lợi thế của chính sách nhập tịch là các đội bóng có sẵn nguồn lực để chinh chiến. Thế nhưng, mặt trái ở chỗ, những cầu thủ này không mang tinh thần dân tộc đủ lớn. Bên cạnh đó, ở khía cạnh nào khác, việc xuất hiện quá nhiều cầu thủ nhập tịch khiến cho những cầu thủ nội không còn nhiều cơ hội phát triển.

Thực trạng này bóng đá Trung Quốc đang phải trải qua, khi chất lượng cầu thủ bản địa rất thấp. Họ đã phải đánh đổi vì tấm vé dự World Cup nhưng giờ đây lại ngày càng xa với mục tiêu ấy.

Sự nổi loạn của De Paula ở đội tuyển Malaysia chỉ là một ví dụ điển hình. Sẽ thật khó để vươn tới thành công nếu như toàn đội không nhìn về một hướng.

H.Long

Nguồn tin: dantri.com.vn


AFF Cup   HLV   Trung Quốc   Việt Nam   World Cup   bí ẩn   chuyên gia   chính sách  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...