18/12/2021 11:25  
Nhiều hành khách lo lắng khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể diễn tập sự cố không báo trước, trong khi đại biểu Quốc hội cho rằng Hà Nội nên công khai các phương án liên quan.

Những ngày gần đây, chị Nguyễn Thị Nguyệt, 27 tuổi, nhà ở huyện Chương Mỹ, mỗi sáng đều đi chuyến xe buýt từ nhà ra ga Hà Đông rồi lên đường sắt trên cao để đến văn phòng ở Ngã Tư Sở. "Đi làm bằng tàu Cát Linh tôi thấy nhanh và thuận tiện hơn các phương tiện khác", chị Nguyệt nói.

Tuy nhiên, theo dõi thông tin về việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể diễn tập sự cố mà không thông báo trước với hành khách, chị Nguyệt nói đang cân nhắc giữa tiếp tục đi tàu và sử dụng loại hình khác, vì việc diễn tập bất ngờ dù ít khi xảy ra song vẫn có thể ảnh hưởng đến giờ đi làm của chị. "Không may đúng chuyến tôi đi tàu lại diễn tập thì tôi sẽ bị muộn giờ", chị Nguyệt nói.

Đi tàu vào sáng 18/12, anh Trần Trọng Việt ở đường Láng (Đống Đa) chia sẻ "tâm lý khi nghe tin tàu Cát Linh - Hà Đông có thể diễn tập không báo trước là có chút e ngại". Theo anh Việt, hành khách mua vé để đi tàu và không muốn gặp phiền phức. "Trước khi chạy chính thức, tàu Cát Linh đã có nhiều năm xây dựng và vận hành thử nghiệm, sao đến bây giờ vẫn phải diễn tập", anh Việt nêu thắc mắc.

Chị Nguyễn Thùy Trang (Cầu Giấy) nói Metro Hà Nội cần thông báo trước cho hành khách với bất cứ tình huống nào, "nếu không được báo trước, liệu người đi tàu có quyền kiện vì ảnh hưởng tới lịch trình di chuyển và công việc của họ không?".

Theo giải thích của đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc diễn tập các tình huống sự cố "được thực hiện theo khuyến cáo của tư vấn ACT - Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đường sắt - trong giai đoạn đầu khai thác". Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hòa (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng "vấn đề quan trọng là các tình huống diễn tập sự cố không báo trước đó có nội dung, mức độ như thế nào".

Theo ông Hòa, mục đích của diễn tập là phòng ngừa sự cố có thể xảy ra, chuẩn bị phương án ứng phó. Vì vậy, trong thực tế có thể chấp nhận một số phương án diễn tập không báo trước, "qua đó sẽ rút kinh nghiệm được tốt hơn". Tuy nhiên, ông cho rằng các cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ nội dung diễn tập và "phải có các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối". Đồng thời, các tình huống diễn tập cần tính đến ảnh hưởng lịch trình di chuyển, công việc của hành khách để có giải pháp phù hợp.

Ông Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, khuyến nghị "việc diễn tập không báo trước cần phải cân nhắc thận trọng và nên nghiên cứu thêm".

"Diễn tập là cần thiết để cơ quan chức năng chủ động ứng phó với các sự cố có thể xảy trong quá trình vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, nếu diễn tập gây tâm lý bất an cho hành khách thì không nên", ông Hưng nêu quan điểm.

Đại biểu này nói thêm, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần công khai 63 quy trình ứng phó khẩn nguy tàu Cát Linh - Hà Đông và các kịch bản, phương án liên quan. "Việc công khai phương án diễn tập là rất cần thiết bởi phải kết hợp giữa tuyên truyền và diễn tập nội bộ. Những người điều vận và đảm bảo an ninh trật tự phải được tập luyện trước. Hành khách thực hiện theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng. Người dân nắm được thông tin sẽ chủ động phối hợp thực hiện tốt hơn", ông Hưng nói.

Ngoài ra, ông Hưng đề nghị rà soát kỹ các quy định pháp luật về việc diễn tập không báo trước, để tránh ảnh hưởng đến quyền của người dân.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật, phân tích hiện nay pháp luật có quy định về việc diễn tập để ứng phó với nguy cơ sự cố, tai nạn xảy ra trong một số lĩnh vực. Ví dụ như việc diễn tập cấp cứu trong hoạt động y tế, hay phòng cháy, chữa cháy, đều phải dựa trên các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền; cách thức triển khai theo phương án được phê duyệt và phải được thông báo trước.

Tuy nhiên, Luật Đường sắt năm 2017 cũng như các Nghị định, Thông tư dưới luật không đề cập đến việc diễn tập mà "diễn viên là những hành khách" khi họ chưa được hỏi trước ý kiến, thậm chí không đồng ý tham gia. Trong hoạt động giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không cũng chưa có điều luật nào quy định về việc diễn tập không báo trước.

"Theo nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự thì các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Và chỉ có luật của Quốc hội mới được phép đặt ra những quy định cấm đoán hay hạn chế quyền của người dân khi họ đang tham gia giao thông công cộng", luật sư Bình nêu quan điểm cá nhân.

Trước đó tối 7/12, tàu điện Cát Linh - Hà Đông lần đầu tiên diễn tập phản ứng với sự cố kể từ khi tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác thương mại. Tình huống diễn tập là lỗi tín hiệu xảy ra ở máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh. Lúc này trên tàu có khoảng 40 hành khách. Ga Cát Linh phải đóng cửa hơn 30 phút để khắc phục sự cố, trong khi nhiều hành khách được "phen hú vía".

Tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại từ sáng 6/11, sau đúng 10 năm được khởi công. Trong 15 ngày đầu chạy miễn phí, đã có trên 380.000 lượt khách đi tàu (trung bình mỗi ngày từ 18.000 - 24.000 lượt khách). Lượng khách đi tàu bắt đầu giảm khi tiến hành thu phí, tuần đầu thu phí lượng khách giảm còn trung bình 16.000 lượt khách mỗi ngày.

Viết Tuân - Gia Chính - Phạm Chiểu

Nguồn tin: vnexpress.net


Hà Nội   Nghị định   Đường sắt  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...