27/11/2021 16:10  
Nấm mốc là chất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê trong danh sách những chất gây ung thư hàng đầu, độc gấp 68 lần so với asen (thạch tín).

Việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ là rất tốt để bảo vệ sức khỏe. Thế nhưng, cũng cần chú ý tới các chất độc có thể phát tán trong không khí sau quá trình dọn dẹp, đặc biệt là nấm mốc.

Một người đàn ông 50 tuổi ở Trung Quốc mới đây gặp triệu chứng bất thường, khi sốt cao li bì trong vài ngày, dù đã tiêm và uống thuốc nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. 

Khi tới bệnh viện, ông ngay lập tức được các bác sĩ chụp CT phổi, và phát hiện thấy nhiều tổn thương lan rộng ở 2 lá phổi, nghi bị nhiễm trùng nặng và phải điều trị đặc biệt. Sau quá trình chẩn đoán, bác sĩ kết luận người đàn ông này bị nhiễm aspergillosis phổi.  

Hóa ra, một tuần trước khi phát bệnh, người đàn ông này cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa, nhưng lại không đeo khẩu trang. Chính vì sự bất cẩn này, ông đã bị hít phải, và nhiễm độc từ nấm mốc. 

Nấm mốc từ đâu mà có, tác hại ra sao?

Nấm mốc thường phát triển trong điều kiện ẩm ướt, ấm áp, chủ yếu là xung quanh vòi hoa sen, máy rửa bát, máy giặt, trong phòng bếp... hoặc tại những khu vực có điều kiện sống ẩm thấp. Nấm mốc sinh sản bằng cách tự phân đôi, tạo ra các bào tử và phát tán vào không khí. Đây cũng là thành phần chủ yếu của bụi trong nhà, nơi làm việc. 

Khi hít phải nấm mốc, cơ thể có phản ứng tương tự như hít phải bụi, phấn hoa,... Các bào tử nấm mốc hình thành với số lượng lớn sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe như dị ứng, bệnh hô hấp với các triệu chứng như hắt hơi, nhức ngứa mắt, đau đầu, mệt mỏi, đau khớp, nổi mề đay, ho, hen suyễn, buồn nôn... 

Một số loại nấm mốc còn sản sinh ra độc tố mycotoxin - gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người và động vật. Tiếp xúc với độc tố mycotoxin với nồng độ cao có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh, thậm chí gây tử vong.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), nấm mốc được coi là một loại độc tố có nồng độ thấp nhưng độc tính cao, có khả năng chịu nhiệt độ cao và tồn tại ở dạng ký sinh hoặc hoại sinh.  

Nấm mốc thậm chí độc hơn 68 lần so với asen (thạch tín) và được xếp vào vào loại chất gây ung thư hàng đầu. Nó có thể đi qua hệ thống tiêu hóa của cơ thể, tiếp xúc với da, hít phải qua hô hấp và thậm chí là đi vào cơ thể thông qua đường thức ăn uống.

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy khi con người liên tục tiếp xúc với môi trường nấm mốc trong một thời gian dài, sẽ rất có hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ ung thư, thậm chí gây tử vong.

Nhóm người có nguy cơ lớn gặp vấn đề về sức khỏe do ẩm mốc là trẻ em, người cao tuổi và người có sức đề kháng kém. Người mắc một số bệnh như xơ nang, viêm phổi mạn tính có thể bị nhiễm trùng hệ miễn dịch nếu hít phải một số loại nấm mốc nhất định.

Nấm mốc "ẩn khuất" ở đâu trong căn nhà?

Nấm mốc sống được trong cả môi trường nhiệt độ cao và ẩm ướt. Do đó, phòng tắm là nơi dễ dàng trở thành nơi trú ngụ của nấm mốc. Nó có thể xuất hiện ở các góc tường, khớp gạch, rèm phòng tắm...

Bên cạnh phòng tắm, thì khu bếp cũng là nơi thường xuyên có sự xuất hiện của nấm mốc, điển hình như trong bồn rửa, khay chứa rác, hay bên trong các tủ bếp, chạn bếp…

Ngoài ra, cửa tủ lạnh cũng là một vị trí ưa thích của nấm mốc. Khảo sát của Đại học Arizona cho thấy xác suất phát hiện nấm mốc trong vòng đệm của cửa tủ lạnh là 83%. Mỗi lần cửa tủ lạnh được mở, phạm vi phát triển của nấm mốc lại được lan rộng.

Nhiều người cho rằng nấm mốc không thể phát triển ở nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, bào tử nấm mốc thực ra có thể chống lại nhiệt độ thấp tới âm 50 độ, rồi chờ tới khi nhiệt độ tăng lên để khôi phục lại quá trình sinh sản.

Một vị trí khác cũng thường bị bỏ quên, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, đó là máy giặt. Năm 2018, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thượng Hải (CDC Shanghai) lấy mẫu 128 máy giặt đã được sử dụng trong hơn nửa năm. Kết quả cho thấy tỷ lệ phát hiện nấm mốc trong lồng giặt của máy giặt lên tới 60.2%.

Minh Khôi

Nguồn tin: dantri.com.vn


Trung Quốc   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...