12/07/2022 6:15  
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) kiến nghị xây dựng riêng một bộ luật gọi là Luật Kinh tế tuần hoàn (KTTH) để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

* Mô hình KTTH là một hướng đi trong quá trình phát triển, nhưng đây là một mô hình mới, theo ông cần có giải pháp gì để thực hiện?

- Phát triển KTTH sẽ góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và bao trùm, tăng trưởng kinh tế xanh. Tuy nhiên, để phát triển KTTH cần có sự chuyển đổi từ tư duy đến chính sách, thực thi trên mọi lĩnh vực, từ cơ quan quản lý nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), các tổ chức xã hội và người tiêu dùng.

Theo tôi, giải pháp mang tính quyết định là thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó cần xây dựng một bộ luật riêng để điều chỉnh KTTH, khuyến khích các thành phần kinh tế, tham gia chuyển đổi sang mô hình KTTH.

* Cơ chế, chính sách để thúc đẩy KTTH như ông nói, cụ thể như thế nào?

- Cần có cơ chế, chính sách thích hợp khuyến khích cộng đồng DN đầu tư cho KTTH từ khâu thiết kế, lập quy hoạch, đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích toàn xã hội thay đổi thói quen thải bỏ sản phẩm đã qua sử dụng để chấp nhận sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế, hay các sản phẩm đã được làm mới đảm bảo chất lượng sau khi đã qua một chu trình sử dụng.

* Ông khuyến nghị gì về nội dung Luật KTTH trong trường hợp Quốc hội chấp thuận xây dựng bộ luật này?

- Xây dựng Luật KTTH cần đặt yếu tố con người là trung tâm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH. Cần nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm tốt trên thế giới để vận dụng phù hợp vào thực tiễn Việt Nam. Lắng nghe, tiếp nhận ý kiến góp ý từ phía DN.

* Theo ông, những kinh nghiệm phát triển KTTH nào của thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo?

- Một số quốc gia như Thụy Điển đã thành lập nhóm chuyên gia về KTTH giúp chính phủ điều phối và hỗ trợ DN, người dân, đồng thời nghiên cứu đổi mới quản lý trong lĩnh vực tài nguyên và chất thải, xây dựng hành lang pháp lý song song giữa phát triển KTTH với bảo vệ môi trường; đánh thuế cao các loại chất thải, ưu đãi sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học.

Hay tại Trung Quốc, họ đã xây dựng ba khâu để phát triển KTTH, gồm vòng tuần hoàn nhỏ (ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp); vòng tuần hoàn vừa (mở rộng quy mô hơn) và vòng tuần hoàn lớn (thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế). Đó là những cách thức chúng ta có thể học hỏi khi xây dựng Luật KTTH.

* DN chuyển đổi sang KTTH sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo ông hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Để phát triển KTTH cần tạo môi trường, cơ chế, chính sách ưu đãi cho DN từng bước đầu tư, chuyển đổi phù hợp. Chính phủ nên lựa chọn một số ngành nghề, lĩnh vực để áp dụng mô hình KTTH, đề ra lộ trình thích hợp với các chỉ tiêu cụ thể để khuyến khích cộng đồng DN thực hiện.

* Ông kỳ vọng điều gì nếu Luật KTTH được xây dựng?

- Nếu có Luật KTTH thì những quy định, chỉ tiêu, yêu cầu về phát triển KTTH sẽ được luật hóa. Chẳng hạn như định mức tiêu thụ năng lượng, quy trình kiểm kê, thu gom và xử lý chất thải, khí nhà kính và xây dựng thị trường carbon... tạo ra một nền tảng pháp lý cho quá trình chuyển đổi và thực hiện mô hình tuần hoàn tại DN. 

Hành lang pháp lý đầy đủ là điều kiện để DN tiếp cận được chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường... trong quá trình phát triển sản phẩm tuần hoàn nói riêng, phát triển mô hình KTTH nói chung. 

* Cảm ơn ông!

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Kinh tế   Trung Quốc   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   kiến nghị   quy hoạch   sản xuất   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...