10/12/2021 16:15  
Với tốc độ tăng trưởng hai con số, thương mại điện tử (TMĐT) giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) xuất khẩu xuyên biên giới bất chấp dịch bệnh. 

TMĐT: "sân chơi" cho SME

Kết thúc năm 2020, với tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT hai con số. Năm 2021, TMĐT vẫn là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhờ chính sách của Chính phủ kết hợp các giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến từ doanh nghiệp (DN) logistics cũng như sự thúc đẩy mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0. Bên cạnh sự tăng trưởng của TMĐT nội địa, theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, TMĐT xuyên biên giới năm nay tăng 25,7% so với năm ngoái. 

Báo cáo của Amazon Global Selling vừa công bố cũng cho thấy, trong một năm (từ ngày 1/9/2020-31/8/2021), hàng nghìn SME tại Việt Nam đã bán sản phẩm cho khách hàng trên khắp thế giới thông qua sàn TMĐT lớn nhất thế giới là Amazon, tổng cộng gần 7,2 triệu sản phẩm, bình quân mỗi phút có 14 sản phẩm. 

Nhiều sản phẩm hàng gia dụng, dụng cụ nhà bếp, tiện ích gia đình, dệt may, chăm sóc sức khỏe… của SME Việt Nam vào nhóm sản phẩm bán chaỵ trên Amazon. Trong đó, các DN Việt thành công là Gốm sứ Minh Long, Nón bảo hiểm Royal Helmet, Rong nho Trường Thọ, Hạt điều Lafooco…

So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng sản phẩm của các SME Việt Nam bán trên Amazon tăng 34%; số DN vượt doanh số 100.000 USD tăng gần 18%; số DN vượt doanh số 500.000 USD tăng hơn 53% và số DN vượt doanh thu 1 triệu USD tăng hơn 40%.

Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số (IDEA, thuộc Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng cho rằng, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh hiệu quả cho DN mở rộng thị trường, và xuất khẩu trực tuyến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đưa TMĐT trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số để tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Sự phát triển của TMĐT cũng được Facebook và Công ty Tư vấn Bain & Company (Mỹ) khẳng định tại báo cáo thường niên "SYNC Southeast Asia" công bố cuối tháng 11/2021, dự đoán Việt Nam sẽ là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT (GMV) đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.

"Bệ đỡ" từ "sàn" và DN vận chuyển 

Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong cho biết không ngừng "tiếp sức" cho các DN Việt bằng cách cung cấp công cụ và cơ hội để DN kinh doanh sản phẩm trực tuyến, mở rộng quy mô kinh doanh, xây dựng thương hiệu… Năm ngoái, Amazon đã đầu tư hơn 18 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác bán hàng trên toàn cầu. Những khoản đầu tư này bao gồm hậu cần, đội ngũ, dịch vụ, chương trình và công cụ cho phép đối tác bán hàng kết nối thương hiệu với hàng triệu khách hàng trên toàn cầu. 

Năm qua, Amazon Global Selling đã tổ chức 50 khóa học Seller University bằng tiếng Việt và hơn 70 sự kiện, hội thảo, chương trình đào tạo phát sóng trực tiếp, cung cấp cho các SME thông tin và kiến thức về chính sách, sản phẩm, hàng tồn kho, giá cả, thương hiệu… Đơn vị này cũng đã hợp tác với IDEA hỗ trợ DN bán hàng, góp phần thay đổi ngành xuất khẩu và định vị thương hiệu"Made in Vietnam"trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh sàn TMĐT, các SME muốn xuất khẩu ra nước ngoài cũng cần các DN vận chuyển làm "bệ đỡ". Việc các DN vận chuyển đẩy mạnh đầu tư, mở rộng hoạt động đã hỗ trợ các SME phục hồi và tăng trưởng. Đơn cử, BEST Inc. - tập đoàn cung cấp các dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng thông minh, mới đây đã đưa vào vận hành trung tâm phân loại lớn nhất tại Bắc Ninh, công suất hơn 1 triệu kiện hàng/ngày.

Theo đại diện Tập đoàn, BEST Inc. sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào công nghệ tự động hóa logistics và xây dựng hệ thống kho bãi thông minh cùng giải pháp chuỗi cung ứng kỹ thuật số, để tối ưu hóa kết nối các trung tâm trung chuyển với dịch vụ vận chuyển. 

Trong khi đó, J&T Express tăng cường hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu cho SME thông qua TMĐT bằng tuyến giao nhận đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ như một giải pháp. Theo Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam Phan Bình, công ty không ngừng nâng cao quy trình, công nghệ, nguồn nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực giao nhận và chuyển phát nhanh để có thể hỗ trợ các DN tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Việc mở rộng các tuyến quốc tế của J&T Express là giải pháp chiến lược, được đầu tư dài hạn để mở rộng mạng lưới hỗ trợSMEcủa Việt Nam tiếp cận khách hàng trên thế giới.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Công nghệ   Hiệp hội   Kinh tế   Tập đoàn   Việt Nam   chiến lược   chuyển phát nhanh   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   logistics  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...