05/11/2021 16:20  
Thị trường chứng khoán đang trở thành sân chơi hấp dẫn của nhà đầu tư khi liên tục có những phiên tăng điểm mạnh.

Kết phiên giao dịch 5/11, VN-Index tăng 8,17 điểm (0,56%) lên 1.456,51 điểm, HNX-Index tăng 5,22 điểm (1,24%) lên 427,64 điểm, UPCoM-Index tăng 0,82 điểm (0,76%) lên 108,2 điểm.

Sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 17 mã tăng điểm, 11 mã giảm và 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu GAS dẫn đầu chiều tăng với 4,53%, theo sau là PNJ (3,85%), POW (2,77%), PLX (2,28%), FPT (1,67%), MWG (1,62%)...

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu bất động sản quay lại "cuộc đua". Cổ phiếu thủy sản bứt tốc khi IDI, ANV, AAM, CMX, FMC...đều tím biếc. Cổ phiếu phân đạm DPM, DCM cũng cùng nhau tăng trần. DBC hôm nay tăng mạnh cùng nhóm cổ phiếu thực phẩm.

Ở chiều ngược lại, biên độ giảm của các mã ngân hàng, bất động sản được thu hẹp về cuối phiên khi chỉ có HDB và VRE lao dốc lần lượt 1,29% và 1,11%. Các mã còn lại dều duy trì mức giảm dưới 1% lần lượt là VCB, BID, VHM, MBB, TPB, TCB...

Cổ phiếu HVN hôm nay cũng tăng mạnh. Chốt phiên HVN tăng 2,07% lên mốc 24,650 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn khá dè dặt với mã này khi toàn phiên có chưa đến 1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Tuy nhiên lượng dư mua vẫn đang cao hơn lượng dư bán cho thấy nhà đầu tư vẫn đang còn kỳ vọng vào mã này.

Dù 2 phiên cuối tuần tăng mạnh nhưng tính chung tuần qua HVN vẫn gđang giảm 0,6% giá trị. Tuy nhiên nếu tính theo quý thì mã này đang tăng gần 13,9%.

Liên quan tới mã này, hôm nay có tin vui đến với Vietnam Airlines. Cụ thể, HVN vừa bất ngờ được phép giao dịch toàn thời gian trở lại trong ngày hôm nay (05/11), sau khi chỉ mới bị đưa vào diện kiểm soát và giao dịch phiên chiều trong 2 phiên vừa qua. Tuy nhiên HVN vẫn phải giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.

Chính tin vui này khiến cổ phiếu HVN xanh mướt toàn phiên.

Trước đó không lâu, Vietnam Airlines nhận được thông báo bị đưa vào diện kiểm soát và chỉ giao dịch vào phiên chiều từ ngày 03/11. Trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 8,458 tỷ đồng, đồng thời lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6 là 17,808 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp. Do đó, hãng hàng không quốc gia bị chuyển vào diện kiểm soát.

Trước đó, đơn vị kiểm toán Công ty TNHH Deloite Việt Nam đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines trong báo cáo soát xét bán niên. Ngoài tình trạng âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày 30/6 đã vượt quá tài sản ngắn hạn tới 34,664 tỷ đồng, các khoản phải trả quá hạn lên tới 14,805 tỷ và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 724 tỷ.

Theo Deloitte, khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Airlines   Chính phủ   Covid   Covid-19   MC   Việt Nam   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...