25/05/2021 21:11  
Việc Belarus triển khai máy bay chiến đấu để chặn máy bay chở khách được xem là vụ việc nghiêm trọng không chỉ trong lĩnh vực hàng không mà còn về mặt ngoại giao.

Ngày 23/5, Belarus đã xuất kích máy bay chiến đấu Mig-29 theo lệnh của tổng thống để chuyển hướng một máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair, khi máy bay này đang trong hành trình từ Hy Lạp đến Lithuania.

Vụ việc xảy ra khi máy bay chở hơn 170 người đang hoạt động trên không phận Belarus và chỉ còn vài phút nữa sẽ hoàn tất hành trình đến Lithuania. Lý do được phía Belarus đưa ra là có bom ở trên máy bay.

Sự can thiệp của máy bay chiến đấu buộc máy bay chở khách phải hạ cánh xuống thủ đô Minsk của Belarus. Điểm "dừng chân" này hoàn toàn không nằm trong lịch trình ban đầu của các phi công.

Rốt cuộc, không quả bom nào được tìm thấy, nhưng cảnh sát đã bắt giữ Roman Protasevich - một nhà báo đối lập - ngay trên máy bay.

Theo Guardian, Protasevich, 26 tuổi, là cựu biên tập viên của kênh Nexta trên Telegram. Nhân vật đối lập này đã rời Belarus năm 2019, sống lưu vong ở Lithuania và đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống ở Belarus năm 2020. Protasevich bị Belarus truy nã với cáo buộc khủng bố, tổ chức bạo loạn và kích động thù ghét xã hội. 

Những người làm việc trong ngành hàng không gọi đây là một "sự cố ngoại giao nghiêm trọng". BBC cho rằng dường như chưa từng có vụ việc tương tự xảy ra trên thế giới.

Khi một máy bay hoạt động trên vùng trời quốc tế, máy bay mang quốc tịch của quốc gia nơi nó được đăng ký. Trong trường hợp này, máy bay của Ryanair mang quốc tịch Ba Lan.

"Việc can thiệp vào máy bay đang hoạt động trên không là sự cố ngoại giao liên quan đến nơi máy bay đăng ký (quốc tịch)", một nguồn tin cấp cao trong ngành công nghiệp hàng không nhận định.

Một phi công cho rằng "đây là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với rất nhiều thỏa thuận quốc tế".

"Thương quyền vận tải hàng không" là bộ quy tắc cho phép máy bay được tự do hoạt động trên vùng trời của các quốc gia khác nhưng không hạ cánh. Những quyền tự do hàng không này là điều kiện cần thiết để cho phép các hoạt động vận tải từ quốc gia này sang quốc gia khác trên thế giới.

Theo BBC, việc Belarus quyết định chặn một máy bay chở khách trên không và buộc nó hạ cánh xuống một quốc gia thứ ba đã vi phạm quy tắc trên. Do vậy, giám đốc điều hành của Ryanair, Michael O'Leary, đã cáo buộc vụ việc này giống "một vụ không tặc do nhà nước bảo trợ".

Khi nào máy bay chiến đấu có thể can thiệp?

Theo các chuyên gia hàng không, máy bay chiến đấu thường chỉ hộ tống hoặc chặn máy bay dân sự vì lý do an toàn. Nếu nhận thấy các hành khách trên máy bay, hoặc những người sống ở dưới mặt đất, gặp rủi ro, các quốc gia sẽ có biện pháp bảo vệ phù hợp.

Nếu Cơ quan kiểm soát không lưu (ATC) tạm thời mất liên lạc với máy bay, các nhà điều hành sẽ ngay lập tức tìm cách để kết nối lại. Tuy nhiên trong trường hợp không thể kết nối được và phi hành đoàn không hồi đáp, máy bay quân sự có thể được triển khai.

"Máy bay chiến đấu sẽ xuất hiện để thu hút sự chú ý và đề nghị phi công (máy bay dân sự) kết nối liên lạc và để đảm bảo máy bay không bị cướp hoặc sắp đâm xuống một thành phố. Sau vụ khủng bố ngày 11/9 (tại Mỹ), cơ quan kiểm soát không lưu từng rất lo lắng khi máy bay mất liên lạc", một phi công giải thích.

Ngoài ra, trong trường hợp cơ trưởng của máy bay dân sự thông báo rằng máy bay đang gặp nạn, máy bay chiến đấu cũng có thể được triển khai.

Chuyện gì xảy ra trong quá trình can thiệp?

Nếu máy bay quân sự được xuất kích để hộ tống máy bay dân sự, các máy bay quân sự sẽ bay phía trước máy bay dân sự.

"Cơ trưởng ngồi ở phía bên trái của máy bay. Máy bay quân sự sẽ xuất hiện ở phía bên trái để có tầm nhìn rõ ràng cho cơ trưởng", một nguồn tin cấp cao trong ngành hàng không cho biết.

Nguồn tin nói thêm rằng, nếu máy bay quân sự thứ hai được xuất kích, máy bay này có thể sẽ xuất hiện ở vị trí bên phải hoặc phía sau máy bay dân sự.

Các máy bay chiến đấu sẽ cố gắng liên lạc với máy bay dân sự trên một tần số khẩn cấp quốc tế. Trong trường hợp không thể kết nối được do hệ thống liên lạc bị hỏng, máy bay chiến đấu sẽ sử dụng những tín hiệu khẩn cấp theo quy định.

"Máy bay quân sự sẽ nháy đèn vào ban đêm. Còn vào ban ngày, máy bay quân sự sẽ đung đưa cánh với ngụ ý là "Đi theo tôi". Khi đó, máy bay dân sự sẽ phải đi theo", phi công giải thích.

"Nếu một máy bay quân sự chặn máy bay dân sự và đưa ra mệnh lệnh, máy bay dân sự sẽ phải tuân theo. Máy bay dân sự không thể từ chối mệnh lệnh. Họ không có lựa chọn nào khác, giống như ở dưới mặt đất, khi cảnh sát yêu cầu bạn làm điều gì đó", phi công nói thêm.

Sự mất kiểm soát của phi công 

Mỗi chuyến bay ở châu Âu đều phải gửi kế hoạch bay cho Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (Eurocontrol). Kế hoạch này bao gồm mọi thông tin của máy bay từ khi cất cánh cho tới khi hạ cánh. Tuy nhiên, khi một vụ "chặn đầu" máy bay xảy ra, kế hoạch này gần như vô nghĩa.

"Phi công khi đó sẽ vô cùng lo lắng. Họ không biết chuyện gì đang xảy ra và tại sao lại như vậy. Chúng ta sẽ đi đâu? Sân bay ra sao? Thời tiết như thế nào?", phi công của một hãng hàng không lớn ở Anh cho biết.

Một vấn đề xảy ra trong tình huống này là các phi công không được chuẩn bị kỹ lưỡng cho đường bay mới mà họ buộc phải tuân thủ, do vậy nguy cơ rủi ro rất lớn.

"Phi công bị đẩy vào một tình huống đang xảy ra, họ không còn kiểm soát được kế hoạch bay cũng như sự giám sát an toàn đầy đủ. Khi không biết kế hoạch bay, khả năng phi công nhận thức tình huống cũng như lập kế hoạch bay để hạ cánh an toàn bị suy giảm", một nguồn tin cấp cao trong ngành hàng không giải thích thêm.

Vụ việc trên đã vấp phải làn sóng phản ứng gay gắt của Mỹ và nhiều nước châu Âu. Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm các hãng hàng không Belarus sử dụng không phận và sân bay của các nước thành viên trong khối, đồng thời đề nghị các hãng hàng không EU không bay qua không phận Belarus.

Thành Đạt

Theo BBC, Guardian

Nguồn tin: dantri.com.vn


Lãnh đạo   Máy bay   Máy bay chiến đấu   chuyên gia   hành vi   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...