11/11/2021 16:15  
Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn vào Việt Nam, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất để “đón sóng” phục hồi thị trường. 

Liên tục rót thêm vốn

Ngày 6/11/2021, Tập đoàn BEST Inc. đưa trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại Bắc Ninh vào hoạt động, công suất xử lý hơn 1 triệu kiện hằng/ngày. Đây là trung tâm có quy mô lớn nhất của tập đoàn cung cấp dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á và là trung tâm thứ hai tại Việt Nam.

Với tổng vốn đầu tư 5,5 triệu USD, trung tâm phân loại này có diện tích 45.000m2 (nhà xưởng 22.000m2) tại KCN Việt Nam - Singapore, tỉnh Bắc Ninh, tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động tại địa phương, sẽ rút ngắn thời gian xử lý và giao nhận hàng hóa của dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express tại miền Bắc và cả nước.

Theo lãnh đạo của BEST Inc., trung tâm phân loại hàng hóa tại Bắc Ninh là một phần trong kế hoạch chọn Việt Nam làm thị trường đầu tư trọng điểm tại khu vực Đông Nam Á. Dự định thời gian tới, BEST Inc. sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ tự động hóa logistics, xây dựng hệ thống kho bãi thông minh cùng giải pháp chuỗi cung ứng kỹ thuật số, nhằm tối ưu hóa việc kết nối các trung tâm trung chuyển với dịch vụ vận chuyển.

Hồi cuối tháng 9/2021, Công ty Tetra Pak Việt Nam công bố đầu tư thêm 5 triệu euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu euro tại Bình Dương. Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hằng năm của nhà máy từ 11,5 tỷ vỏ hộp lên 16,5 tỷ vỏ hộp, đáp ứng nhu cầu về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực, đồng thời có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu.

Ông Eliseo Barcas - Tổng giám đốc Công ty Tetra Pak Việt Nam cho biết, công ty có niềm tin vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và thực hiện cam kết hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống. Khoản đầu tư thêm này sẽ giúp Tetra Pak phục vụ khách hàng tốt hơn khi công suất tăng lên, cung cấp các loại hộp giấy đa dạng hơn, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cũng trong tháng 9/2021, Samsung Display dự định cuối năm nay sẽ mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh để nâng sản lượng Z Fold và Z Flip lên 25 triệu chiếc mỗi năm. Còn LG Display cũng vừa được duyệt khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng.

Miền đất lành cho sản xuất kinh doanh

Việc rót thêm vốn và đầu tư mới của các doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục diễn ra bất chấp dịch Covid-19. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng năm 2021, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 23,74 tỷ USD. Trong số đó, vốn đăng ký mới là 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm là 7,09 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói là có đến ba dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh, gồm dự án Điện LNG Long An 3,1 tỷ USD, LD Display Hải Phòng tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD và Nhiệt điện Ô Môn II là 1,31 tỷ USD. 

Sở dĩ vốn đầu tư FDI vẫn tăng vì các nhà đầu tư tin tưởng khả năng phục hồi sau đại dịch. Theo kết quả khảo sát "Niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam" do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) công bố ngày 9/11/2021, cộng đồng doanh nghiệp Đức tự tin vào khả năng phục hồi tại Việt Nam trong 12 tháng tới. 

Cụ thể, 55% số doanh nghiệp Đức kỳ vọng vào sự phát triển tích cực trong năm 2022. Có 83% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà xưởng hoặc mở rộng sản xuất trong 12 tháng tới và 33% doanh nghiệp dự định tuyển thêm lao động phục vụ việc sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Bà Mary Tarnowka - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) trong buổi chào xã giao với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng ngày 8/11/2021 từng nói rằng Việt Nam là miền đất lành để sản xuất kinh doanh. AmCham sẽ tích cực quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Hiệp hội   Tập đoàn   Việt Nam   chuyển phát nhanh   doanh nghiệp   dịch vụ   logistics   sản xuất   thực phẩm   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...