25/12/2021 8:40  
Phải rất khó khăn mới có thể đánh giá chính xác được công tác phòng chống dịch năm 2021 của Việt Nam. Đó là một bức tranh nhiều gam màu, gồm cả đau thương, sự tin tưởng và hy vọng cùng với rất nhiều bài học đắt giá.
Biến thể Delta - biến chủng của virus SARS-CoV-2, được thế giới phát hiện lần đầu ở Ấn Độ tháng 12/2020 đã đảo lộn rất nhiều tình hình ở Việt Nam năm Tân Sửu, người Việt lâu nay luôn coi là năm vất vả.
Lạc quan

Ngày 27/4/2021, Covid-19 chính thức tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội…), các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An,…) và lan ra các tỉnh trên toàn quốc. Việt Nam xem đây là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư và khẳng định đã có nhiều kinh nghiệm sau khi trải qua 3 làn sóng dịch trước đây. Việt Nam tạm ngừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ ngày 22/3/2020 để dồn lực dập dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân. Trước làn sóng dịch thứ tư, WHO ghi nhận Việt Nam chỉ có 2.852 người lây nhiễm (trong đó 1.570 trong nước) và tử vong 35 người, những con số được thế giới đánh giá cao, nhất là khi tăng trưởng GDP cả năm 2020 vẫn đạt 2,91%.
Các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam bao gồm công tác dự phòng, cách ly, truy vết, xét nghiệm, điều trị, vaccine, an sinh xã hội về cơ bản phù hợp với tình hình nhân lực đội ngũ y tế và cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam. Ngay như tại Thủ đô mà số giường bệnh cũng chỉ đạt 27,5/10.000 dân thì không còn cách nào khác phải làm tốt công tác y tế dự phòng, cách ly, truy vết, xét nghiệm khi F0 xuất hiện tại cộng đồng trước khi vaccine xuất hiện.

Quy định 5K được đánh giá là một giải pháp sát với tình hình các địa phương bùng phát dịch, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam. Không ít quan chức và người dân tỏ ra lạc quan thậm chí chủ quan khi tin rằng chúng ta sẽ nhanh chóng “chiến thắng” bằng tư duy cũ, cách làm cũ, dù biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều, cao hơn 55% so với biến thể Alpha, chỉ cần vài giây đồng hồ thôi, người đứng gần đã bị nhiễm.

Cột mốc vaccine

Sẽ có nhiều ý kiến và cách đánh giá khác nhau về việc phải đến ngày 8/3/2021 Việt Nam mới bắt đầu chương trình tiêm vaccine, trong bối cảnh thế giới đã tiêm mũi đầu tiên vào tháng 12/2020. Quan điểm của Bộ Y tế lúc đó là bên cạnh việc mua vaccine từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vaccine trong nước. Ngay từ năm 2020, nhiều quốc gia đã coi cuộc cạnh tranh nghiên cứu và phát triển vaccine là cuộc cạnh tranh chiến lược quốc tế, bởi việc nghiên cứu và phát triển ra vaccine trước không những có thể nắm quyền chủ động trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, khôi phục kinh tế của đất nước, mà còn tiết kiệm nhiều tỷ ngoại tệ.

Một thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, việc làm thế nào để có vaccine sớm nhất, tiêm đủ cho người dân đã là một thành công lớn của ngành y tế. Thực tế cho thấy các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội dài ngày có vẻ không còn nhiều hiệu quả như năm 2020. Bắt đầu từ ngày 31/5, TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, rồi Chỉ thị 16 từ 9/7, kéo dài thời gian giãn cách đến ngày 1 - 15/8 với biện pháp mạnh hơn (Chỉ thị 16+). Tiếp theo sau đó, để đảm bảo tính lạnh cho người dân hai trong số cácTP lớn nhất (TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) và khoảng một phần ba dân số cả nước đã phải giãn cách xã hội diện rộng. Nhưng độ lây nhiễm vẫn tăng mỗi ngày lên mức kỷ lục do mưu sinh nên khó có thể ngăn cản 100% người dân ra đường. Dịch Covid-19 hoành hành tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ đã khiến nền kinh tế Việt Nam tổn thương nặng nề từ mùa hè 2021, GDP quý 3 năm nay tăng trưởng âm 6,17%, trong năm 2021 có hơn 30 ngàn đồng bào đã tử vong do Covid-19.

Thay đổi chiến lược

Cột mốc tiếp theo là ngày 24/8, Bộ Chính trị đã thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ T.Ư xuống địa phương.

Không lâu sau, sáng 23/9, trong vai trò Trưởng ban chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, qua gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã hiểu rõ hơn về virus và dịch bệnh, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Chúng ta chống dịch trong điều kiện bị động; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vaccine và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; nền kinh tế còn khó khăn; các biện pháp công nghệ cũng chưa bảo đảm; việc phân cấp, phân quyền còn không ít bất cập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo phải thay đổi; cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên cơ sở 6 nguyên tắc chính. Việt Nam từ bỏ chiến lược “Zero Covid” và nhấn mạnh thông điệp “thích ứng an toàn” với phương châm mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định: “Đây là một sự điều chỉnh chiến lược hết sức quan trọng. Thiếu một sự điều chỉnh như vậy, nhiều khả năng là chúng ta sẽ đi sai đường trong cuộc chiến phòng chống dịch”. Hà Nội là một trong những địa phương có những phản ứng kịp thời với sự điều chỉnh chiến lược của Thủ tướng, Hà Nội đã thực hiện một chương trình tiêm chủng vaccine hiệu quả, sẽ là cơ sở để vừa chống dịch, vừa phục hồi hoạt động kinh tế, và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong vòng một tuần (từ 8 đến 15/9/2021) với sự hỗ trợ của 12 tỉnh, thành Hà Nội đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn với khoảng 3,5 triệu liều. Tại TP Hồ Chí Minh tổng cộng trong chiến dịch cao điểm (từ 9 - 15/9/2021) tiêm vaccine phòng Covid-19 đã thực hiện hơn 1,8 triệu mũi tiêm cho người dân. Thành công của 2 đô thị đã làm cho các tỉnh, thành khác có sơ sở triển khai tiêm chủng mở rộng và từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới.

World Bank, ngày 13/10, dự đoán GDP của Việt Nam năm nay ước tính tăng trưởng 2 - 2,5%. Nhờ thay đổi chiển lược chống dịch, Việt Nam tuyên bố mở cửa lại đường bay quốc tế từ 1/1/2022, chính thức mở cửa nền kinh tế, đồng thời công bố kịch bản, tiêu chí sống chung với Covid-19. Chính phủ Việt Nam khẳng định "cần có biện pháp, bước đi phù hợp để "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh" trong đó Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục phải khẳng định vai trò đầu tàu của nền kinh tế.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Thành công   chiến lược   sản xuất   Đồng Nai   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...