09/12/2021 15:25  
F0 Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tăng nhanh, Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 tăng lên 300 giường, dự kiến điều trị cả ba tầng và tiếp nhận gần 70 y bác sĩ hỗ trợ.

Ngày 9/12, PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc) cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca nhiễm tăng nhanh, các cơ sở thu dung hoạt động hết công suất, Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 (trực thuộc Đại học Y Hà Nội) đề xuất mở rộng phạm vi điều trị cả ba tầng (tức tầng 1 - thu dung F0 không triệu chứng; tầng 2 - bệnh nhân nhẹ; tầng 3 - ca nặng, trong mô hình điều trị 3 tầng). Việc chuyển đổi mô hình này nhằm giảm áp lực cho bệnh viện thành phố, song vẫn ưu tiên điều trị bệnh nhân nặng.

Như vậy, đây sẽ là bệnh viện Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội hoạt động theo mô hình đa tầng điều trị. Mô hình này TP HCM áp dụng từ tháng 8 đến nay, giúp bác sĩ các tầng hỗ trợ lẫn nhau trong theo dõi, điều trị F0, kịp thời phát hiện ca chuyển nặng để điều phối điều trị phù hợp, giảm nguy cơ tử vong.

Bệnh viện đang chăm sóc hơn 200 F0, bao gồm bệnh nhân ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Trong đó 70-80% là bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng. Trước đó, bệnh viện thành lập với mục tiêu là điều trị F0 nặng (tầng 3), quy mô 500 giường bệnh, cao điểm có thể nâng lên 700 giường. Hiện bệnh nhân chủ yếu tiêm đủ mũi vaccine, diễn biến nhẹ, bệnh viện đã tiếp nhận cả F0 nhẹ.

Theo ông Hải, bệnh viện đang mở rộng khu điều trị, có giường dự trữ và nhân lực y tế từ cơ sở một để chủ động trong mọi tình huống, nhất là khi "F0 nhẹ chưa được cách ly hết tại nhà". Viện có nhiều khu, đầy đủ giường hồi sức tích cực (ICU), giường cho bệnh nhân nặng và phòng áp lực âm cho trường hợp đặc biệt. Hai bồn oxy dung tích 18 m3 và 15 m3 đảm bảo phục vụ người bệnh trong 48 giờ liên tục; hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bệnh viện hiện có 100 nhân viên y tế gồm bác sĩ và điều dưỡng, vừa đủ để hoạt động. Mỗi ca trực khoảng 4-5 tiếng, mọi người thay phiên nhau. Ba người ở trong phòng trực tiếp theo dõi người bệnh, còn lại theo dõi qua phòng điều khiển. Những khi có tình huống khẩn cấp, bác sĩ theo dõi ở phòng điều khiển buộc phải vào buồng hỗ trợ đồng nghiệp cấp cứu. Số ca nhập viện tăng, đồng nghĩa số F0 nặng cũng tăng, trong đó nhiều người có bệnh nền, chưa tiêm vaccine...

Trong hai ngày nay, bệnh viện đã tiếp nhận 39 y bác sĩ từ Bệnh viện Xanh Pôn và 30 cán bộ y tế của Hà Giang hợp tác đào tạo và điều trị bệnh nhân. "Việc mở rộng khu điều trị và chi viện nhân lực y tế sẽ giúp nâng cao khả năng đáp ứng y tế với Covid-19, chia sẻ tình hình dịch bệnh với thành phố", bác sĩ Hải cho hay.

Ngoài Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 cả miền Bắc đã chuyển tất cả giường bệnh thành 500 giường hồi sức tích cực (ICU) Covid-19 nặng, trong bối cảnh ca nhiễm gia tăng.

Số ca Covid-19 Hà Nội liên tục tăng cao những ngày gần đây. Từ đầu tháng 12 đến nay, mỗi ngày số ca đều vượt 400. Riêng ngày 6/12, thành phố ghi nhận 774 ca, cao nhất trong đợt dịch thứ 4. Từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 15.255 ca, trong đó số cộng đồng 5.847 ca, số mắc sau khi đã được cách ly 9.408 ca.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, diễn biến số ca bệnh tăng cao là điều thành phố đã lường trước trong bối cảnh mở cửa, "thích ứng an toàn, linh hoạt". Chính quyền thủ đô phân 3 tầng điều trị F0, với tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.

Trong tình huống dịch diễn biến phức tạp, thành phố sẽ huy động hệ thống y tế tư nhân, bác sĩ nghỉ hưu, học sinh sinh viên ngành y và cả nhân lực các bệnh viện Trung ương tham gia chống dịch.

Thùy An

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   hợp tác   hợp tác đào tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...