24/11/2021 21:25  
Hà NộiĐại diện VEC cho rằng 380 điểm hư hỏng của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mang tính chất "cục bộ", thực tế đã thu phí hơn 1.400 tỷ đồng, giúp phát triển kinh tế miền Trung.

Chiều 24/11, ngày làm việc thứ hai của phiên xét xử 36 người liên quan vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tại TAND Hà Nội, với tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) nói "tôn trọng kết luận tra của các cơ quan tố tụng liên quan chất lượng công trình", chấp nhận thực tế có các vị trí không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại lớn.

"Song các hư hỏng này chỉ mang tính chất cục bộ, xuất hiện trên một số điểm chứ không phải toàn tuyến", đại diện VEC nêu quan điểm.

Trước cáo buộc chỉ sau 2 năm 1 tháng 5 ngày đưa vào sử dụng, đoạn đường 65 km đã xảy ra 380 điểm hỏng, tức cứ 170 m có một điểm, đại diện VEC cho rằng dù hư hỏng, trong quá trình khai thác tạm, công trình đã "hoàn thành sứ mệnh" giảm ách tắc đáng kể cho tuyến quốc lộ 1A cũ, "thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của toàn miền Trung".

"Từ đầu năm 2020, cao tốc cũng đã thu phí và đem về lợi nhuận hơn 1.400 tỷ đồng", vị đại diện cho hay và đề nghị xem xét lại phương thức tính toán thiệt hại.

Nói giá trị thiệt hại lớn hơn nhiều và "con số 811 tỷ đồng" của cáo trạng nêu là chưa phù hợp", song ông không đưa ra yêu cầu cụ thể, buộc đơn vị nào bồi thường bao nhiêu.

Ý kiến của đại diện VEC bị chủ toạ nhắc nhở nghiêm khắc với lý do thiệt hại được xác định dựa trên các các tài liệu do VEC cung cấp và vẫn đang được lưu giữ tại VEC.

"Nếu cho rằng con số này chưa chính xác thì phải giải trình và làm rõ, yêu cầu ai bồi thường bao nhiêu cũng phải đề cập. Chứ vừa yêu cầu bồi thường vừa không biết đó là bao nhiêu là vô trách nhiệm. Đây là tài sản nhà nước chứ không của cá nhân nào cả, nên VEC phải có nghĩa vụ. Không nên phát biểu thiếu logic như vạy", chủ toạ Vũ Quang Huy nhắc nhở.

Đại diện VEC xin thêm thời gian để hoàn thành các tài liệu yêu cầu bồi thường, giải thích xác định thiệt hại này "vô cùng khó" vì cơ quan giám định thiệt hại bao gồm nhiều thành phần, đơn vị và phần việc.

Về nghĩa vụ bồi thường, VEC xin giảm án và không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại bởi họ không phải những chủ thể ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, chỉ đơn thuần làm công ăn lương, không có mục đích tư lợi, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng.

Trong phần xét hỏi trước đó, các bị cáo thuộc chủ đầu tư VEC, các đơn vị nhà thầu và ban quản lý dự án nhiều lần đổ lỗi qua lại, cho rằng chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp. Việc bị quy kết trách nhiệm liên đới hàng trăm tỷ đồng là "quá nặng".

Các bị cáo thuộc nhà thầu tư vấn giám sát nói chỉ là những nhân viên làm việc dưới sự quản lý cao nhất của giám định viên nước ngoài. Với cáo buộc chấp thuận vật liệu nguồn đá dăm không đạt chất lượng tại 5 mỏ đá đã bị Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo, các bị cáo khai "đã nhận ra vấn đề ngay từ đầu, nhưng khi báo cáo, giám định viên nước ngoài không có phản hồi gì mà vẫn chấp nhận vật liệu này.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), khởi công ngày 19/5/2013. Giai đoạn I dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), gồm có 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 7 gói thầu thi công đường và một gói thầu chủ yếu thi công cầu.

Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA (đối với đoạn 1), vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB (đối với đoạn 2) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng hơn 34.000 tỷ đồng.

Kết luận giám định cho thấy, cả 7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I không đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế...

Thiệt hại được xác định là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu, nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán hơn 811 tỷ đồng cho các nhà thầu.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thu phí từ 1/1/2020 với mức 20.000-790.000 đồng.

Mức phí thấp nhất áp dụng với xe nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn) là 20.000 đồng đối với chặng Túy Loan - Phong Thử, cao nhất với toàn tuyến là 200.000 đồng.

Với nhóm xe tải trọng lớn nhất (xe 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet), mức thấp nhất là 50.000 đồng, cao nhất là 790.000 đồng.

Thanh Lam

Nguồn tin: vnexpress.net


Cao tốc   Chính phủ   Hà Nội   Ngân hàng   Nhật Bản   Việt Nam   hợp tác   Đà Nẵng   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...