25/12/2021 17:15  
Những đợt dịch Covid-19 bùng phát liên tiếp và kéo dài khiến hầu hết hoạt động văn hóa nghệ thuật bị tạm dừng, hủy bỏ hoặc chưa thể bình thường trở lại. Vượt qua sự mất mát và khó khăn chồng chất, văn hóa nghệ thuật năm 2021 vẫn có nhiều điểm tích cực, lan tỏa “vaccine tinh thần” đến công chúng.   

Chia tay nhiều nghệ sĩ tài hoa 

Năm 2021, NSND Trung Kiên - một đại thụ của âm nhạc Việt Nam, NSND Trần Hạnh - người thường gắn với các vai diễn đôn hậu, NSND Ngô Mạnh Lân - cây đại thụ của phim hoạt hình Việt Nam, rời cõi tạm bởi tuổi cao sức yếu; NSND Hoàng Dũng, nghệ sĩ Văn Thành, Lê Hồng Giang (nghệ danh Giang Còi) - ba gương mặt quen thuộc trên sân khấu và màn ảnh nhỏ, đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc, Trần Cảnh Đôn, nhạc sĩ Phú Quang, ca sĩ Việt Quang cùng đi xa do bệnh hiểm nghèo; danh ca Lệ Thu, rocker Trung Thành Sago, NSƯT Quốc Trụ, soạn giả - nghệ sĩ tuồng cổ Bạch Mai, nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu, ca sĩ Phi Nhung, Jang Y Tun, Ngô Y Linh và một số văn nghệ sĩ khác ở TP.HCM đã qua đời vì Covid-19... để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi trong lòng người hâm mộ và đồng nghiệp.

“Hội nghị diên hồng về văn hóa” 

Do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, được nhiều chuyên gia văn hóa đặt tên “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”. Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Hội nghị đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045; đặt ra mục tiêu đưa văn hóa vào trong chính trị và kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa, tăng mức hưởng thụ văn hóa của người dân, bảo vệ di sản... chương trình nghệ thuật Niềm tin và khát vọng và nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức chào mừng hội nghị.

Biểu diễn và triển lãm... trực tuyến

Do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã khuyến khích các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tự do đổi mới bằng hình thức biểu diễn trực tuyến (online), phát triển mô hình “nhà hát online”, áp dụng công nghệ để “triển lãm online” trên các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội. Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày trực tuyến Người đi tìm hình của nước, Những tấm gương bình dị mà cao quý;Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tham quan thực tế ảo 3D; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia...20 vở diễn tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2021 được đưa lên kênh YouTube của Cục Nghệ thuật biểu diễn, theo chủ trương triển khai hình thức sân khấu online của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Khó khăn của điện ảnh Việt  

Năm 2021, rạp chiếu bị đóng cửa kéo dài, phim Việt phải dừng hoặc hoãn phát hành, doanh nghiệp sản xuất và rạp chiếu lỗ nặng do nhiều dự án chậm tiến độ, không có doanh thu... phải kêu cứu Chính phủ. Năm 2021 có 14 phim Việt ra rạp, nhưng chỉ có Bố giàlập kỷ lục phim Việt “ăn khách” nhất với hơn 420 tỷ đồng; Thiên thần hộ mệnh thu 40 tỷ đồng; Gái già lắm chiêu V hơn 55 tỷ đồng; Lật mặt: 48hthu hơn 70 tỷ đồng. Gái giàThiên thần hộ mệnh còn bán cho Netflix nhưng phát hành phim song song tại rạp và trực tuyến chưa phổ biến tại Việt Nam.

Hạ tuần tháng 11, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XXII tại Huế tổ chức thành công. Phim Bố già được gửi dự vòng loại Phim nước ngoài Oscar 2022, Miền ký ức được đề cử giải thưởng New Currents tại LHP Busan 2021; Maika - Cô bé đến từ hành tinh khácđược chọn chính thức tham gia LHP Sundance 2022.

Những điểm sáng của xuất bản và sách

Giãn cách dài ngày khiến hội sách, cửa hàng sách, đường sách phải đóng cửa nhưng các hoạt động hội thảo, giao lưu với tác giả và bạn đọc vẫn tiếp tục được các nhà xuất bản, nhà sách... thực hiện với hình thức trực tuyến, theo chiều sâu, đa dạng đề tài trong mảng sách dịch thể loại văn học, khoa học, chính trị, lịch sử, địa chính trị... với nhiều đầu sách bán chạy hay được chú ý trên toàn cầu.

Điều mừng là năm 2021, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 4 được tổ chức, thu hút 47 đơn vị xuất bản. Tuần lễ Doanh nhân và Sách cùng cuộc bình chọn "Top 10 quyển sách đáng đọc trong năm 2021” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM tổ chức thành công . Cùng chuỗi hoạt động của Tuần lễ Doanh nhân và Sách là việc thành lập Tủ sách Doanh nhân tại Tạp chí Doanh Nhân Sài Gònvà các trường đại học..

Sắc đẹp Việt thăng hoa 

Năm 2021, dù dịch bệnh căng thẳng Việt Nam vẫn cử đại diện tham dự các cuộc thi sắc đẹp lớn: Hoa hậu Đỗ Thi Hà thi Miss World; Nguyễn Huỳnh Kim Duyên thi Miss Universe; Trần Hoàng Ái Nhi thi Miss Intercontinental... Thật tuyệt vời khi Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã được trao vương miện Miss Grand International 2021 tổ chức tại Thái Lan. Tiếp đó, người mẫu Nguyễn Quỳnh Anh cũng nhận được danh hiệu Siêu mẫu châu Á 2021 tổ chức ở Singapore. Thành công của Nguyễn Quỳnh Anh và Nguyễn Thúc Thùy Tiên cho thấy sắc đẹp Việt đang dần gây dấu ấn trên đấu trường quốc tế.

Ban hành quy tắc ứng xử của nghệ sĩ 

Trong năm 2021 cũng nảy sinh rất nhiều bất cập trong hoạt động nghệ thuật, ứng xử lệch chuẩn trên mạng xã hội, lùm xùm chuyện riêng tư, lạm dụng thiện nguyện để trục lợi, quảng cáo sản phẩm chức năng kém chất lượng...của một số nghệ sĩ tác động tiêu cực đến công chúng, gây bức xúc trong dư luận. Sau một thời gian lấy ý kiến đóng góp, ngày 13/12/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm ứng xử về hoạt động nghề nghiệp, ứng xử đối với đồng nghiệp và công chúng, ứng xử trên phương tiện truyền thông, báo chí và không gian mạng; trong đó nhấn mạnh không trục lợi cá nhân, phải công khai, minh bạch khi tham gia các hoạt động xã hội. Ban hành bộ quy tắc ứng xử là cần thiết khi nghệ sĩ hoạt động trong môi trường nghệ thuật chân chính hướng thiện sẽ góp phần truyền cho xã hội những giá trị chân - thiện - mỹ.

Thích ứng với “bình thường mới”  

Khi cả nước chuyển sang “bình thường mới”, đã có nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật được tổ chức trực tiếp, như tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021) bao gồm hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển”, Gala “Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam”, tái dựng và biểu diễn vở kịch nói đầu tiên Chén thuốc độc cùng nhiều vở kịch nổi tiếng khác; Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2021; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông với sự tham gia của nhiều tỉnh; Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2021; Triển lãm Màu nước quốc tế mùa thu 2021; Tuần lễ Doanh nhân và Sách; Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 1)... Cuối tháng 11, UNESCO đã vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Giữa tháng 12, nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Doanh Nhân   HCM   Hoa hậu   Nghệ thuật   Thành công   Thể thao   Top 10   Việt Nam   chuyên gia   căng thẳng   doanh nghiệp   sản xuất   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...