26/12/2021 10:10  
Câu hỏi ăn gì, kiêng gì luôn là thắc mắc thường trực của bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, không ít người không nghe lời khuyên của bác sĩ, mà thực hiện ăn kiêng hà khắc nhằm "bỏ đói" tế bào ung thư.

Nhiều người bệnh ung thư không dám ăn thịt, cá, sữa vì sợ ăn nhiều đồ bổ dưỡng sẽ "nuôi" tế bào ung thư phát triển; hay bỏ điều trị, lựa chọn ăn thực dưỡng để điều trị ung thư.

GS.TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho biết, rất nhiều bệnh nhân khi mắc ung thư thì bỏ ngoài tai lời khuyên về dinh dưỡng, điều trị của bác sĩ, nhưng lại dễ dàng tin tưởng những thông tin lan truyền trên mạng, truyền tai nhau... thậm chí đến mức mù quáng.

Thậm chí có cả những trào lưu tin theo những lời khuyên vô căn cứ về việc "thực dưỡng chữa khỏi ung thư". Tin theo những điều này, không ít người đã rơi vào cảnh tiền mất, tật mang, có những người bệnh đã bỏ lỡ giai đoạn vàng trong quá trình điều trị bệnh, thậm chí là tử vong.   

GS Hương cảnh báo, việc tin vào thực dưỡng khiến nhiều bệnh nhân ung thư mất cơ hội điều trị, thậm chí tử vong.

"Trong cơ thể của bệnh nhân ung thư đương nhiên là cùng tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, chúng đều tồn tại và phát triển bằng các nguồn thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể. Hiểu một cách đơn giản bất kì loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nuôi sống chúng ta thì cũng nuôi sống tế bào ung thư. Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein ..... chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường mà nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học", GS Hương nói.

Thay vì nhịn đói, dinh dưỡng đủ và đúng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư.

Ung thư là một bệnh mãn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh.

Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư với ý nghĩa hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.

Cùng với đó các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh.

Cùng quan điểm này, TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, có một số quan niệm sai lầm cho rằng, bệnh nhân ung bướu ăn nhiều đồ bổ dưỡng sẽ nuôi các tế bào ung thư. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân ung bướu không chịu ăn uống thì các tế bào ung thư sẽ lấy chất dinh dưỡng của các tế bào lành để sinh sôi phát triển. Như vậy nếu không ăn uống, bệnh nhân ung thư sẽ đối mặt với nguy hiểm trước khi chiến thắng được bệnh ung bướu. Do vậy, bệnh nhân ung thư  cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường thức ăn dễ tiêu, tăng cường vitamin để có sức khỏe và chiến đấu với bệnh tật.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, trên thế giới, 2/3 số bệnh nhân khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn suy kiệt. Tình trạng lo lắng, bệnh tật gây đau đớn, khiến người bệnh kém ăn, kém ngủ, thêm tinh thần khủng hoảng càng khiến tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng.

"Ở Việt Nam tôi cho rằng tỉ lệ này còn cao hơn, vì ngoài ảnh hưởng các yếu tố tâm lý, bệnh tật thì nhiều người sợ không dám ăn vì sợ tế bào ung thư phát triển", GS Đức nói.

Trong khi đó, người bệnh ung thư đã yếu, ảnh hưởng tinh thần lại nhịn ăn càng khiến cơ thể càng suy kiệt sẽ không đảm bảo sức khỏe cho quá trình chữa trị. Với ý tưởng ăn ít, nhịn ăn để cho tế bào ung thư chết đói, thì tế bào ung thư chưa kịp chết người bệnh đã chết vì suy kiệt.

"Vì thế, phải loại bỏ hoàn toàn suy nghĩ này, phải bồi dưỡng, ăn uống đủ chất, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Mổ xẻ, tia xạ, hóa chất đều là những phương pháp điều trị rất nặng nề, cơ thể suy kiệt, đói thì không thể có sức khỏe theo đuổi điều trị", GS Đức khuyến cáo.

Với một người bệnh ung thư, một người chỉ cần sụt 5% trọng lượng cơ thể cũng làm cho tiên lượng sống xấu đi đáng kể do thể trạng yếu sẽ khó thích ứng với điều trị.

Do vậy, bệnh nhân ung thư cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, đủ về mặt năng lượng, đủ protein, đủ vitamin và khoáng chất. Vì vậy, có thể nói chế độ ăn của người mắc bệnh ung thư về cơ bản không khác chế độ ăn của người bình thường, vẫn cần đảm bảo có đủ thịt, cá, trứng, sữa, rau để cơ thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Trong trường hợp lựa chọn ăn chay, nên bổ sung sữa, tăng nguồn đạm thực vật từ các loại đậu đỗ...

Tú Anh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Hà Nội   Mục tiêu   Việt Nam   bổ dưỡng   khủng hoảng   thực phẩm   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...