09/11/2021 13:15  
Hoàng thái hậu Từ Dụ (Từ Dũ) là vợ của vua Thiệu Trị, mẹ của vua Tự Đức (1829-1883). Sinh thời, Đức Từ Dụ không chỉ thuộc sử sách mà còn am hiểu sự đời. Mỗi khi bà nói điều gì hay thì vua Tự Đức biên ngay vào một quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục.

Từ huấn lụclà một cuốn sách có thể là duy nhất trong kho sách Hán - Nôm của Việt Nam, có một nội dung đặc biệt: ghi lại lời mẹ dạy của một vị Hoàng đế Việt Nam. Sách ghi theo trật tự biên niên, một số đoạn được ghi rõ năm tháng, sớm nhất là vào năm Tự Đức thứ 12 (1859) nhân gặp lễ mừng thọ ngũ tuần của Hoàng thái hậu Từ Dụ. Việc ghi chép này kết thúc vào khoảng năm Tự Đức thứ 31 (1878), trước khi vua băng hà 5 năm.

Quyển sách bao gồm 225 bài giáo huấn của Hoàng thái hậu Từ Dụ răn dạy các hoàng thân, phi tần, công chúa, quan lại cùng dân chúng phải trau dồi đạo đức, chăm chỉ học hành, cần kiệm, liêm chính.

Tập sách xét ở phương diện đạo lý, gồm có 225 lời dạy của hoàng thái hậu Từ Dụ được vua Tự Đức chép cẩn thận làm sách gối đầu giường để vâng theo lời mẹ. Trong đó rất nhiều bài học về đạo lý lễ nghĩa, cách đối đãi nội - ngoại triều, việc ứng xử giữa vua với họ hàng thân thích... 

Ở đây cũng lưu ý rằng tập sách chép nhiều ý kiến của bà Từ Dụ về họ ngoại, tức những việc liên quan đến dòng họ mình, nhưng tất cả đều là lời lẽ nghiêm khắc, lấy lẽ phải mà răn dạy, bày tỏ chính kiến theo phép nước và đạo lý, tuyệt đối không hề có chút thiên vị cho họ ngoại vua - tức dòng họ của mình. 

Không chỉ thế, nội dung tập sách chính là các trao đổi giữa vua Tự Đức với mẹ ở cự ly gần. Tại đó, bà Từ Dụ còn tâm tình nhiều chuyện không chỉ nằm trong khuôn khổ riêng tư của hoàng triều mà còn mang tầm vóc quốc gia, do lẽ đây chính là một dạng sử liệu bản gốc độc đáo. 

Như chuyện bà Từ Dụ kể lại hành trạng của Thừa Thiên Cao hoàng hậu, tức vợ chúa Nguyễn Ánh thời còn bôn ba chưa lên ngôi, phản ánh cách sống của bà vợ vua đã trở thành bài học: "Thừa Thiên Cao hoàng hậu ta lúc nhỏ được Cao hoàng đế ta hỏi lấy làm vợ, từng theo bôn ba, từng gặp những khi khó khăn nguy hiểm mà vẫn đối xử với kẻ dưới tốt đẹp. Hễ có tìm được thức ăn thì tự chế biến, trước tiên dâng lên cho nhà vua, sau đó chia ra ban phát hết cho quần thần đi theo. Từ tướng lãnh cho đến binh sĩ, y phục có bẩn hay rách đều tự thân giặt giũ, may vá cho. Rằng: Họ không có thân thích vợ con, một lòng theo ta, ta có thể không thương xót sao? Cái đức hiền từ kia lớn như vậy. Bởi vậy quần thần đều xem như mẹ, chẳng thể không yêu kính".

Vào thời phong kiến, cách sống như trên của Thừa Thiên Cao hoàng hậu được bà Từ Dụ răn dạy con "điều đó đúng đấy" và vua Tự Đức kính cẩn chép lại, thì đây hẳn là một chi tiết quan trọng để hậu thế thấy rằng quan điểm Hoàng thái hậu Từ Dụ và vua Tự Đức vào thời bấy giờ thật là cấp tiến. 

Trong những lần trò chuyện riêng với mẹ, cũng có khi vua Tự Đức đề cập chuyện chính sự nước nhà, đặc biệt là những đoạn đề cập đến tình hình 6 tỉnh Nam Kỳ đang nằm trong tay người Pháp, Đức Từ thường trông mong việc được giao trả lại phần đất ấy, gọi "đây là mong ước lớn của ta". 

Ngoài ra, những doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục chắc chắn cũng sẽ hứng thú với nội dung trong quyển sách này vì đây là một tác phẩm phóng chiếu tương lai, chạm đến những vấn đề khai sáng, mở ra những con đường mới của việc giáo dục nhân cách con người. 

Quyển sách Từ huấn lục còn có những chi tiết nhỏ nhặt nhưng lại hết sức cảm động, như câu chuyện vua Tự Đức chép rằng ông có dâng mẹ đôi mắt kính bằng thủy tinh, lâu ngày cái bao đựng kính bị cũ nên xin đổi thì mẹ bảo rằng: "Nó chỉ bị mỏng chút ít mà thôi, cũng không can gì. Nay nếu đổi lấy cái mới, dùng lâu cũng sẽ cũ, không bằng để cũ như thế cớ gì mà đổi". Vua chỉ còn biết ghi: "Sự tiết kiệm của mẹ là như thế".

Mời quý bạn đọc tham gia Bình chọn "Top 10 quyển sách đáng đọc năm 2021">>>

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Bình chọn   Top 10   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...