21/12/2021 7:25  
Chiến dịch siết kiểm soát của giới chức Trung Quốc năm nau khả thi nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng điều này giờ không còn nữa.

Một năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết năm 2021 sẽ kiềm chế các doanh nghiệp tư nhân đang nắm quyền lực quá lớn và đem lại quá nhiều rủi ro. Chiến dịch siết kiểm soát sau đó đã khiến nhiều doanh nhân, doanh nghiệp nổi tiếng lao đao. Tuy nhiên, nền kinh tế giờ bất ổn hơn năm ngoái, và ông Tập có vẻ cũng không sẵn sàng khuấy động mọi thứ thêm nữa trong năm mới.

Việc kiềm chế lĩnh vực công nghệ, tài chính, giáo dục và giải trí đã khiến cổ phiếu bị bán tháo. Vốn hóa các công ty Trung Quốc trên thị trường toàn cầu từng bốc hơi hàng nghìn tỷ USD. Nó cũng châm ngòi cho làn sóng sa thải tại rất nhiều doanh nghiệp, gây sức ép lên lĩnh vực việc làm khi Trung Quốc đang hồi phục trong đại dịch.

Việc siết kiểm soát với các hãng bất động sản bắt đầu năm ngoái càng khiến các hãng lao đao, nhất là những công ty đã đi vay quá nhiều. Bất động sản hiện đóng góp gần một phần ba GDP Trung Quốc, nhưng đang tụt dốc không phanh. Nhiều tên tuổi thậm chí đang đứng trên bờ vực phá sản.

Cộng với các vấn đề khác, chính phủ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nghiêm trọng trong năm 2022. Dù năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng, GDP năm nay của họ lại tăng chậm hơn dự kiến. Trung Quốc cũng chịu sức ép từ các đợt bùng phát Covid-19 liên tiếp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu năng lượng và khủng hoảng địa ốc.

Tất cả những điều trên đang buộc Trung Quốc cân nhắc lại chính sách. Trong một cuộc họp chủ chốt về kinh tế đầu tháng này, các lãnh đạo hàng đầu cho biết "ổn định" là ưu tiên hàng đầu của họ cho năm 2022. Đây là sự chuyển hướng lớn so với năm ngoái.

"Việc nhấn mạnh vào ổn định cho thấy các lãnh đạo hàng đầu đang ngày càng quan tâm đến rủi ro về bất ổn", Larry Hu – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Macquarie Group nhận định, "Một năm siết kiểm soát đã làm tổn hại niềm tin doanh nghiệp. Giờ là lúc họ nên lùi lại một chút".

Trung Quốc vẫn đang kỳ vọng đạt tăng trưởng ấn tượng năm nay, bất chấp các thách thức khác. Nhiều nhà kinh tế học dự báo con số này vào khoảng 7,8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 6% giới chức đặt ra đầu năm nay.

Tuy nhiên, 2022 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nhiều ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 4,9% - 5,5%. Đây sẽ là tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990.

"Mục tiêu siết kiểm soát và chống độc quyền của giới chức Trung Quốc khả thi nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao", Craig Singleton tại hãng tư vấn Foundation for Defense of Democracies nhận định, "Nhưng giờ điều này không còn nữa".

Các doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc bị siết kiểm soát cuối năm 2020, sau khi đồng sáng lập Alibaba Jack Ma công khai chê hệ thống tài chính của nước này trong một sự kiện. Không lâu sau đó, Ant Group bị giới chức hoãn IPO. Và cũng kể từ đó, không chỉ Ant mà nhiều doanh nghiệp khác cũng cảm nhận sức ép từ giới chức.

Alibaba, Tencent và nhiều công ty khác bị phạt hoặc điều tra vì cáo buộc phản cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp thì bị phạt vì không quản lý được dữ liệu và gây đe dọa an ninh quốc gia, như hãng gọi xe Didi. Công ty này đã phải thông báo rút niêm yết tại Mỹ để chuyển sang sàn Hong Kong.

Dĩ nhiên, động thái của Bắc Kinh là có lý do. Họ muốn giải quyết lo ngại về quyền lợi của người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu, vay nợ quá mức và giảm bất bình đẳng kinh tế.

Tuy nhiên, khi đối mặt với viễn cảnh nền kinh tế hạ cánh cứng, Bắc Kinh dường như đang lùi lại một bước. Trong cuộc họp gần đây, lãnh đạo Trung Quốc đã khen ngợi vai trò tích cực của dòng vốn tư nhân trong nền kinh tế. Thông điệp này có nghĩa "thời kỳ đỉnh điểm siết kiểm soát đã qua", Hu cho biết.

Khi giới chức Trung Quốc nỗ lực bình ổn nền kinh tế năm 2022, có lẽ họ sẽ lưu ý một số vấn đề, trong đó có giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Triển vọng việc làm tại Trung Quốc đang giảm sút. Các công ty công nghệ giáo dục đã sa thải hàng nghìn nhân viên khi Trung Quốc cấm dạy thêm hồi tháng 7. Các hãng công nghệ khác cũng được cho là lên kế hoạch giảm nhân lực do công ty bị siết kiểm soát.

Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản cũng là điều cần lưu tâm. Các hãng bất động sản thiếu tiền mặt, như Evergrande, đã phải cắt giảm nhân lực và bán bớt tài sản để tồn tại.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc khá ổn định và đã đứng yên suốt năm nay, chỉ dao động trong 4,9 – 5,5%. Tuy nhiên, việc giới chức liên tục kêu gọi củng cố việc làm cho thấy tình hình thực tế có lẽ tệ hơn những gì số liệu chỉ ra.

"Tôi cho rằng số liệu việc làm còn nhạy cảm hơn GDP", George Magnus – cựu chuyên gia kinh tế tại UBS cho biết.

Trong bối cảnh hàng loạt thách thức đang kéo tụt việc làm, trong đó có các đợt bùng phát Covid mới và khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, Magnus cho biết việc siết kiểm soát là yếu tố đáng chú ý. Lĩnh vực tư nhân hiện đóng góp 80% việc làm cho Trung Quốc.

Singleton cho rằng giới chức Trung Quốc lo ngại các đợt sa thải hàng loạt có thể đe dọa quyền lực của họ. Bên cạnh đó, họ muốn "gửi thông điệp nhằm xoa dịu mối lo của Wall Street và các trung tâm tài chính khác", nhằm thu hút đầu tư, công nghệ và thương mại, Alex Capri tại Hinrich Foundation cho biết.

Ông Tập sẽ phải tìm cách cân bằng, và đây là điều ông cần cân nhắc kỹ trong năm tới. "Cũng như nhiều nước khác, Trung Quốc muốn xây dựng tương lai dựa trên trình độ đột phá và năng suất cao", Magnus nói.

Hà Thu (theo CNN)

Nguồn tin: vnexpress.net


Bất động sản   Covid   Covid-19   Mục tiêu   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   chính sách   doanh nghiệp   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...