30/10/2021 16:20  
Với những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, đáng yêu và cách tiếp cận gận gũi với trẻ nhỏ thông qua chuỗi phim hoạt hình, chương trình “Tôi yêu Việt Nam” phiên bản Vui giao thông giúp trẻ có những bài học đầu đời, hình thành nhận thức về an toàn giao thông.

Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” phiên bản Vui giao thông mùa hai hướng đến đối tượng trẻ em ở lứa tuổi mầm non, từ 3 – 5 tuổi. Đây là độ tuổi trẻ đang hình thành nhận thức, yêu thích khám phá thế giới xung quanh, bắt đầu cùng cha mẹ tham gia giao thông.

Nhận xét về chương trình này, anh Đinh Vương Linh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, con gái anh rất thích xem và làm theo những nhân vật trong phim hoạt hình như đội mũ bảo hiểm, nhận biết đèn xanh, đèn đỏ. “Trong lúc xem hoạt hình, con gái đã làm theo các nhân vật hoạt hình, nhờ bố mẹ lấy mũ bảo hiểm và lấy xe ra để tập đi. Khi xem chương trình, bản thân tôi cũng thấy mình được củng cố thêm kiến thức về an toàn giao thông”, anh Linh nói. “Trong giai đoạn ảnh hưởng bởi Covid-19, các con thường xuyên phải ở nhà nên những chương trình này rất ý nghĩa và cần thiết”.

Chương trình trong mùa này là chuỗi phim hoạt hình với tên gọi “Vui giao thông”, có sự dẫn dắt của ba nhân vật ngộ nghĩnh Bi (khỉ), Bo (mèo) và Ben (tắc tè) với ba cá tính khác nhau, cùng với “Giáo sư” một thủ lĩnh có những nghiệm vụ thú vị tại “Sở chỉ huy giao thông”.

Mỗi tập phim là một chuyến phiêu lưu, mang nhiều trải nghiệm mới được truyền tải đến các bạn nhỏ thông qua lăng kính hồn nhiên, sinh động của các nhân vật hoạt hình. Bi, Bo, Ben giống như những người bạn đồng hành đáng yêu, đem đến những bài học an toàn giao thông bổ ích, dễ hiểu đối với trẻ nhỏ. Chương trình này có 26 tập, thời lượng 5 phút mỗi tập, phát sóng trên VTV3 từ tháng 9/2021 vào 18g50p thứ bảy hàng tuần, phát lại 16h thứ hai tuần kế tiếp. Song song đó, loạt phim này được phát sóng trên kênh Youtube của chương trình “Tôi yêu Việt Nam” và kênh POPSKids.

Bà Trịnh Thu Hà, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, trẻ mầm non từ 3 – 5 tuổi đang bắt đầu hình thành nhận thức, đây là độ tuổi lý tưởng để gia đình và nhà trường giáo dục, định hướng hành vi có hiệu quả. “Ở tuổi này, các con tiếp thu nhanh, ghi nhớ lâu mặc dù chưa biết đọc viết và học rất nhanh qua phim ảnh. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng chương trình an toàn giao thông phù hợp với lứa tuổi”, bà Thu Hà nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, cục Cảnh sát Giao thông cho rằng, Cục đã phối hợp xây dựng chương trình Tôi yêu Việt Nam cho bậc mầm non, với những kiến thức cơ bản và gần gũi nhất với trẻ nhỏ. Nhờ yếu tố trên, các kiến thức khô cứng về an toàn giao thông đã được chuyển thể mềm mại, dễ tiếp cận hơn với trẻ mầm non.

Song song với chương trình này, Honda Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm chương trình đào tạo trực tiếp tại 15 trường mầm non thuộc 5 tỉnh thành trong năm học 2020 – 2021. Sau năm đầu triển khai thí điểm, chương trình này đã nhận đánh giá cao của các bậc phụ huynh, thầy cô và xã hội, với 76% trẻ có nhận thức về an toàn giao thông (theo khảo sát hồi tháng 3/2021). Dự kiến năm nay, chương trình sẽ mở rộng triển khai ở các trường mầm non tại 23 tỉnh thành.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, nội dung thí điểm triển khai đã mang lại phản hồi tốt. “Để nhân rộng kết quả đó, thời gian tới cần hơn những nguồn lực hỗ trợ cơ sở mầm non địa phương, huy động sự tham gia của cộng đồng, các bậc phụ huynh chăm sóc các cháu, về cả thể chất và an toàn giao thông, được xem như văn hoá đời sống của người Việt Nam”, ông Bá Minh nói.

Ngoài việc phát sóng chương trình “Tôi yêu Việt Nam” tới khán giả cả nước, Honda Việt Nam cũng tích cực triển khai các hoạt động về an toàn giao thông cho đa dạng các đối tượng, nhằm chung tay phổ cập kiến thức về an toàn giao thông và từ đó, xây dựng xã hội giao thông văn minh và an toàn.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Covid   Covid-19   Giáo dục   Honda   Hà Nội   Việt Nam   hành vi   khán giả  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...