17/06/2021 1:05  
Sở Du lịch TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. Từ cuối tháng 4.2021, dịch bùng phát trở lại làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch đặc biệt trong thời gian chuẩn bị cho đợt cao điểm hè 2021.

Du lịch thảm thương

Theo thống kê của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP, chỉ còn khoảng 50% doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động. 
Từ ngày 1.1.2020 đến ngày 31.5.2021 có 171 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (trong đó có 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa).
Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động. Bên cạnh đó các doanh nghiệp đều cắt giảm từ 50 – 80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.
Đối với hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn TP, chỉ còn lực lượng hướng dẫn viên chính thức của các công ty lữ hành còn hoạt động (hướng dẫn viên quốc tế còn khoảng 10%, hướng dẫn viên nội địa còn khoảng 40 - 50%), riêng đối với các hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã phải chuyển nghề bán hàng trực tuyến, mở quán kinh doanh ăn uống, môi giới bảo hiểm hoặc về quê…

Hàng loạt điểm tham quan ngưng hoạt động

Theo Sở Du lịch, diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã gây tâm lý e ngại đi du lịch của người dân, hạn chế đến các điểm tham quan đông người, làm giảm đáng kể lượng khách tham quan của các điểm đến từ 50% - 70% so với cùng kỳ (Dinh Độc lập, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Chiến khu Rừng Sác, Tòa tháp Bitexco,...).
Một số điểm tham quan tạm ngưng hoạt động vào giai đoạn cao điểm Tết năm 2021 như hệ thống các bảo tàng của TP, Khu Du lịch Vàm Sát (Cần Giờ), Khu du lịch Một thoáng Việt Nam, công viên Văn hóa Đầm Sen…
Ngoài ra, do gánh nặng về chi phí duy trì hoạt động, một số điểm tham quan đã tạm ngưng hoạt động từ tháng 8.2020. Nhân sự của các điểm tham quan đã giảm từ 30% - 50% nhằm duy trì chi phí hoạt động của điểm đến trong năm 2020. Hiện các điểm tham quan du lịch đã tạm dừng hoạt động vào cuối tháng 5.2021 chờ chỉ đạo mới của TP.
Tại các cơ sở lưu trú du lịch, lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, hoặc tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.
Qua rà soát, thống kê, trên địa bàn thành phố có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao hoặc tương đương hoạt động cầm chừng; doanh thu lưu trú giảm 70% so với năm 2019, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80% so với năm 2019, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với năm 2019, lượng lao động giảm 35% so với năm 2019.
Trong đó, doanh thu từ hoạt động lưu trú của khách sạn 5 sao giảm hơn 80%, dịch vụ ăn uống giảm hơn 60%, số lượng lao động giảm hơn 40%; Doanh thu lưu trú khách sạn 4 sao giảm hơn 70%, doanh thu dịch vụ ăn uống, hội nghị giảm hơn 75%, số lượng lao động giảm hơn 50%; Doanh thu lưu trú khách sạn 3 sao giảm hơn 80%, nhiều đơn vị tạm ngưng đóng cửa, nhận khách nhằm giảm chi phí tối đa.
Do đó, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND TP trình CP chỉ đạo các bộ ngành xem du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch bệnh Covid-19 để bổ sung một số chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch sớm phục hồi, phát triển theo đúng định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   HCM   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   dịch vụ lữ hành   kinh tế mũi nhọn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...