07/12/2021 14:25  
Sau việc "Tiến quân ca" ở AFF Cup bị cắt tiếng khi phát YouTube, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi cản trở phổ biến tác phẩm.

Tối 6/12, khi phát sóng trận đấu bóng Việt Nam gặp Lào trong khuôn khổ AFF Cup trên YouTube, đơn vị giữ bản quyền là Next Media chủ động tắt tiếng Quốc ca, đính kèm ghi chú: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm". Sự việc khiến nhiều người bức xúc, đặt ra câu hỏi về việc sở hữu, sử dụng Quốc ca.

Sáng 7/12, sau khi nhận phản ánh sự việc, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với các cơ quan liên quan về sự cố, đưa ra thông báo Bộ là có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Theo đó, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng). Bộ yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm điều này.

Tiến quân ca ra đời tháng 10/1944, khi tác giả Văn Cao mới 21 tuổi. Ngày 22/12/1944, bài hát được sử dụng làm bài ca chính thức của 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ca khúc được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946. 75 năm qua, nhạc phẩm đã đồng hành dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc, được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn ở các sự kiện long trọng.

Tại cuộc họp ở Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam hồi tháng 11, ông Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao - cho biết gia đình đã hiến tặng tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhân dân, Nhà nước Việt Nam từ năm 2016. Ông bức xúc khi một số đơn vị ghi âm cho rằng họ có quyền sở hữu bản thu do mình tự sản xuất.

Trước đó, tối 16/11, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này Việt Nam - Saudi Arabia của VTV) đã mất doanh thu vì ban tổ chức phát bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa Marco Polo của Mỹ sản xuất. Sản phẩm do hãng này bỏ tiền thu âm, đăng ký bản quyền trên YouTube, ai muốn sử dụng bản ghi phải xin phép.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM - cho rằng các đơn vị đánh bản quyền bản thu Tiến quân ca trên YouTube là đúng về luật. Theo điều 43 của Luật Sở hữu trí tuệ, lời và chữ bài Tiến quân ca là của nhạc sĩ Văn Cao, song mọi tổ chức, cá nhân sở hữu bản ghi âm, ghi hình nhạc phẩm này đều được phép kinh doanh (quyền liên quan) - miễn là tôn trọng quyền nhân thân và quyền tác giả (chẳng hạn phải giữ nguyên ca từ). Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này đều phải xin phép chủ sở hữu.

Luật sư Hậu cho biết về mặt pháp lý, cần xem xét lại biên bản bàn giao của gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao khi tặng Quốc ca - Tiến quân ca cho nhà nước năm 2016. Cơ quan chức năng nên xây dựng một quy chế để các tổ chức, cá nhân khi sử dụng những ca khúc là tài sản của nhà nước cần xin phép, đồng thời đóng một khoản lệ phí để dễ kiểm soát hơn. Ông nói: "Tôi cho rằng đây là khoảng hở giữa thực tế và quy định về quyền sở hữu, quyền tác giả và quyền liên quan. Ở khoản 2, điều 42, Luật sở hữu trí tuệ, Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể về tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước - như trường hợp của Tiến quân ca. Tuy nhiên, theo tôi nghiên cứu, quy định này còn khá mù mờ, chẳng hạn phải trả một khoản phí bao nhiêu khi xin phép". Luật sư Hậu cũng cho rằng cơ quan quản lý nên có một bản thu Quốc ca thống nhất để sử dụng miễn phí trên các nền tảng, tránh gây khó xử cho các đơn vị liên quan.

Vấn đề bản quyền Tiến quân ca từng gây tranh cãi hồi tháng 11, khi công ty BH Media cho rằng họ sở hữu bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio thu âm, ủy quyền cho đơn vị này khai thác.

Đại diện BH Media lý giải: "Quốc ca của Mỹ hiện có nhiều bản ghi do nhiều hãng đĩa khác nhau sản xuất. Các hãng đĩa bỏ tiền ra sản xuất các bản ghi quốc ca Mỹ, là chủ sở hữu hợp pháp của các bản ghi này. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong xã hội muốn sử dụng các bản ghi này, thì đều phải xin phép các hãng đĩa. Tương tự, ở Việt Nam, các cá nhân, tổ chức có thể tự bỏ tiền sản xuất một bản ghi Tiến quân ca riêng. Khi đó các tổ chức, cá nhân đó là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi. Bất kỳ ai hay tổ chức nào, kể cả Đài Truyền hình Quốc gia muốn sử dụng những bản ghi này đều phải xin phép chủ sở hữu".

Hà Thu

Nguồn tin: vnexpress.net


AFF Cup   HCM   Thể thao   Việt Nam   hành vi   khán giả   sản xuất   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...