28/11/2021 11:25  
Các loại thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu để điều trị Covid-19 bao gồm kháng virus điều trị HIV, thuốc trị sốt rét, trị giun sán, kháng viêm corticoid...

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Việt Nam nghiên cứu dùng nhiều loại thuốc để điều trị Covid-19 trong đợt dịch thứ 4, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết điều trị Covid-19 ngày 26/11.

Đợt bùng phát Covid-19 thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4, lan rộng ra các địa phương với số mắc và tử vong lớn chưa từng có. Để đối phó với đợt bùng phát và sự biến đổi của nCoV, ngành y tế Việt Nam nỗ lực thay đổi hướng dẫn điều trị.

"Qua đợt dịch thứ 4, chúng ta về cơ bản đưa ra được nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19. Cụ thể là xây dựng gói thuốc điều trị thông thường cho bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ như thuốc bổ nâng đỡ sức khỏe, gói thuốc kháng viêm - kháng đông, sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến", Thứ trưởng nói.

Việt Nam áp dụng thí điểm thuốc kháng nCoV molnupiravir tại một số địa phương, với hơn 250.000 liều. Đánh giá ban đầu cho thấy sau 5 ngày điều trị với molnupiravir, tỷ lệ bệnh nhân âm tính tăng từ 72% lên 93%, tỷ lệ tử vong giảm đến 50% so với nhóm không sử dụng.

Sau khi có kết quả thử nghiệm bước đầu, Bộ Y tế chuẩn bị cấp phép lưu hành thuốc, cho phép các công ty nhập khẩu và sản xuất thuốc này. Đây là thuốc viên dùng đường uống.

Một triệu liều thuốc kháng virus avigan chuyên điều trị Covid-19 được chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 25/11. Lô thuốc này được phân bổ cho các địa phương để điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ.

Ngoài ra, Việt Nam còn sử dụng thuốc favipiravir cho bệnh nhân nhẹ, với cơ chế hoạt động tương tự remdesivir, có thể ngăn quá trình nhân lên của nCoV và loại bỏ virus khỏi đường thở. Bộ Y tế cho biết thuốc có thể ngăn bệnh tiến triển nghiêm trọng, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn và giảm gánh nặng điều trị bằng cách rút ngắn thời gian nằm viện. Thuốc giúp sớm loại bỏ virus để hạn chế lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Các thuốc điều trị khác như remdesivir, dexamethasone (một loại thuốc kháng viêm corticoids) cũng hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Tại TP HCM và một số địa phương, remdesivir giúp giảm nồng độ virus và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế đã lên kế hoạch phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ sớm sử dụng chúng để điều trị cho bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong.

TP HCM ngày 25/11 tiếp nhận 10.000 ống thuốc Cytoflavin do Nga tặng, hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19. Cytoflavin được Bộ Y tế Nga đưa vào phác đồ điều trị các biến chứng về tim mạch và não của bệnh nhân Covid-19 từ khi đại dịch bắt đầu, được đánh giá "có kết quả rất tốt". Bộ Y tế Việt Nam cấp phép và chỉ định Cytoflavin cho bệnh nhân đột quỵ cấp.

Từ ngày 16/11, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh nhiệt đới TP HCM tham gia chương trình RECOVERY (Anh) nghiên cứu về tác động của các liệu pháp điều trị Covid-19 đến tỷ lệ tử vong. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nghiên cứu về tác động của thuốc kháng viêm corticoid dexamethasone trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM đã xác nhận tham gia nghiên cứu nhưng chưa công bố chi tiết.

Dexamethasone là một loại thuốc kháng viêm thường dùng điều trị bệnh dị ứng, bệnh miễn dịch, suyễn, da liễu, ung thư, hồi sức các bệnh nặng. Thuốc này được tổng hợp vào năm 1957, đến năm 1961 được dùng rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dexamethasone được đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Việt Nam, giúp làm chậm và hạn chế cơn bão cytokine.

Nhóm nhiên cứu cũng sẽ tìm hiểu, phân tích về nguyên nhân và thời gian tử vong của bệnh nhân; đánh giá tác dụng của các phương pháp điều trị nghiên cứu đối với thời gian nằm viện ở bệnh nhân ở 4 nhóm: không cần thở máy, thở máy xâm lấn, ECMO (hệ thống tim phổi ngoài cơ thể), tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 25/11 cho biết viện sẽ tuyển chọn 250 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tham gia nghiên cứu. Họ đủ 18 tuổi, mắc Covid-19 có triệu chứng, phải nhập viện, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy máu) dưới 92% hoặc có tình trạng hạ oxy máu, không có tiền sử bệnh nền.

Họ được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm với số lượng tương đương nhau, gồm: Không dùng thêm thuốc, dùng liều tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Dùng thêm liều cao dexamethasone (thuốc kháng viêm). Nhóm nghiên cứu sẽ so sánh theo cặp bệnh nhân ở hai nhóm. Hai giai đoạn đánh giá là 28 ngày và 6 tháng.

Nghiên cứu RECOVERY được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia (NIHR), Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới của Anh, Quỹ Wellcome. Nghiên cứu này triển khai ở Anh từ tháng 3/2020 nhằm tìm kiếm phương pháp điều trị sẵn có hiệu quả với Covid-19, đã giúp thay đổi cách thức chăm sóc lâm sàng, bao gồm phát hiện rằng dexamethasone và thuốc chống viêm tocilizumab làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho bệnh nhân Covid-19 nặng nhập viện.

Sau đó, thử nghiệm mở rộng ra nhiều quốc gia khác, đang thực hiện tại 188 bệnh viện ở Anh, Nepal, Indonesia, Ghana... Tại Indonesia và Nepal, ban đầu thử nghiệm tập trung vào phương pháp điều trị với aspirin (thuốc giảm đau) và colchicine (thuốc trị gout), do thuốc sẵn có với giá cả phải chăng.

Theo bác sĩ Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từng triển khai các nghiên cứu về thuốc điều trị Covid-19, ví dụ đánh giá chloroquine (thuốc trị sốt rét). Kết quả, thuốc này không có tác dụng điều trị Covid-19, tương tự với nhiều nghiên cứu khác trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Sơn, có hai việc cần làm trong bối cảnh hiện nay là tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở nhanh nhất và sử dụng các loại thuốc đúng chỉ định sớm nhất. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 giảm xuống. Triển khai thử nghiệm và nghiên cứu các loại thuốc điều trị giúp bác sĩ có đủ "vũ khí" để cứu chữa bệnh nhân.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận gần 1,2 triệu ca mắc Covid-19, hơn 24.000 ca tử vong. Hơn 78.000 bệnh nhân đang điều trị, trong số này hơn 5.000 ca nặng phải thở oxy, thở máy. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%, trong đó, tử vong chủ yếu tại TP HCM (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%).

Lê Nga - Chi Lê

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Covid   Covid-19   HCM   Nhật Bản   Việt Nam   dịch vụ   dịch vụ y tế   sản xuất   thuốc giảm đau   ung thư   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...