11/12/2021 7:10  
Do nhu cầu học tập, giải trí và làm việc từ xa của người dùng ngày càng cao, thị trường laptop, máy tính lắp ráp tại Việt Nam cũng trở nên sôi động hơn trước.

2021 được đánh giá là năm có khá nhiều biến động trên thị trường máy tính. Dịch Covid-19 bùng phát khiến cho nhu cầu học tập và làm việc từ xa tăng mạnh. Điều này kéo theo doanh số của các thiết bị như laptop, PC lắp ráp và một số phụ kiện bao gồm chuột, webcam, bàn phím… liên tục gia tăng.

Thị trường PC lắp ráp và linh kiện máy tính cũng trở nên sôi động hơn những năm trước, do sự nở rộ của hoạt động khai thác tiền điện tử. Sự phát triển đột biến của thị trường khiến cho nhiều ông lớn trong ngành không thể nằm ngoài "cuộc đua". Mới đây, FPT Shop cũng đã "lấn sân" sang hoạt động kinh doanh PC lắp ráp và linh kiện, phụ kiện máy tính.

"Nhìn lại thị trường laptop trong năm 2021 vừa qua, chúng tôi đã đạt được những thành tích ấn tượng khi tăng trưởng hơn gấp đôi so với năm trước, cung cấp đến người tiêu dùng gần 400.000 máy tính. Đây cũng là động lực để chúng tôi lấn sân sang mảng kinh doanh mới, hoàn thiện hệ sinh thái laptop của mình. Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái máy tính để phục vụ không chỉ nhu cầu cơ bản mà cả nhu cầu nâng cao như máy tính chuyên dụng, máy tính gaming, những nhu cầu mà laptop chưa hoàn toàn đáp ứng được. Với những chiếc PC lắp ráp mang thương hiệu E-POWER, khách hàng có thể tự chọn cấu hình theo nhu cầu của bản thân", ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop chia sẻ.

Trao đổi với Dân trí, đại diện nhiều hệ thống bán lẻ cho biết doanh số của mảng kinh doanh PC lắp ráp và các linh kiện, phụ kiện máy tính vẫn đang tăng trưởng mạnh, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm.

"So với giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu của thị trường đã giảm nhẹ khoảng 5-10%. Tuy nhiên, xét về tổng thể, sức mua của khách hàng vẫn đang tăng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong giai đoạn cuối năm", ông Đào Đức Tiến, đại diện truyền thông hệ thống An Phát PC nhận định.

Ông Tiến cho biết thêm, nhu cầu hiện tại của thị trường vẫn tương đối lớn, trong khi nguồn cung lại không ổn định, gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Điều đó khiến cho giá bán của nhiều sản phẩm đang bị đẩy lên cao.

"Không chỉ riêng card đồ họa, nhiều loại linh kiện hay phụ kiện như chuột, bàn phím, webcam đều đang khan hàng. Mức giá trung bình của các sản phẩm này đều đang bị đẩy lên cao hơn khoảng 20-30% so với trước. Phải đến cuối năm 2022, khi nguồn cung trở nên ổn định và tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, thị trường mới có thể bình ổn trở lại", ông Tiến nói thêm.

Bên cạnh nhu cầu gia tăng đột biến từ khách hàng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khan hiếm laptop hay các loại phụ kiện máy tính đang trở nên nghiêm trọng nằm ở năng lực sản xuất của các hãng và nhà máy tại Trung Quốc.

"Năng lực sản xuất của các nhà máy đang đi chậm hơn so với nhu cầu từ thị trường. Khủng hoảng kép từ việc thiếu chip và thiếu nguồn năng lượng khiến cho các nhà máy tại Trung Quốc không thể sản xuất đủ lượng hàng cần thiết. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm của người dùng lại tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm, khiến cho cầu vượt quá cung", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS chia sẻ.

Ông Huy cho biết thêm, các đại lý thậm chí đang phải "tranh nhau" lấy hàng, do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm đại lý đã đặt trước từ nhà phân phối cũng mất ít nhất 6 tuần mới có hàng.

Thế Anh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Trung Quốc   Việt Nam   laptop   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...