15/12/2021 6:25  
Hà TĩnhGiá đất các xã phường tại Khu kinh tế Vũng Áng tăng gấp đôi so với nhiều tháng trước, ôtô của người dân nườm nượp đổ về đây để thăm dò mua.

Sáng 13/12, dọc hai bên quốc lộ 1 đoạn qua phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, nhiều đoạn ôtô biển Nghệ An, Hà Nội... đậu nối đuôi nhau dài hàng chục mét. Cạnh đó, một số đàn ông và phụ nữ đứng xúm lại từng nhóm 3-4 người thảo luận về giá của miếng đất bên cạnh. Sau 10 phút, họ lên ôtô nổ máy lái đến những khu vực có khoảnh đất trống khác rồi dừng xe, tiếp tục bàn tán.

Thực trạng trên diễn ra 4 tháng nay. Ngoài Kỳ Long, người dân nhiều địa bàn xung quanh Khu kinh tế Vũng Áng như phường Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, xã Kỳ Lợi... cũng luôn bận rộn tiếp đón nhiều khách lạ từ tỉnh khác đến hỏi mua đất. Biển rao bán đất kèm số điện thoại được gắn vào cột điện hoặc sơn chi chít lên bờ tường, hàng trăm điểm giao dịch bất động sản mọc lên nhan nhản.

Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, ông Nguyễn Thế Anh cho biết, nguyên nhân sốt đất, giá tăng cao so với thực tế do gần đây địa bàn có nhiều dự án đầu tư lớn được phê duyệt. Gần nhất là chiều 12/12, khi nhà máy sản xuất pin 4.000 tỷ của Tập đoàn Vingroup làm lễ khởi công xây dựng tại xã Kỳ Lợi.

Ông Nguyễn Hữu Tùng, 66 tuổi, trú phường Kỳ Long, cho biết từng sở hữu miếng đất rộng 1.400 m2 bên quốc lộ 1 với 200 m2 đất ở, trong đó mặt tiền rộng 35 m. Hồi tháng 4, một nhóm người ở Nghệ An đến đặt vấn đề mua với giá 200 triệu đồng một mét ngang (tính theo mét mặt đường, không kể chiều sâu), tổng giá trị là 7 tỷ đồng. Sau vài ngày suy nghĩ, ông Tùng đồng ý bán, đối tác lập tức đặt cọc 1 tỷ đồng, 3 tháng sau giao hoàn tất thủ tục và bàn giao hết tiền.

"Đầu tháng 12, chủ mới đã rao bán miếng đất trên với giá 14 tỷ đồng. Những ngày qua nhiều người khi lái ôtô hoặc xe máy qua đây luôn dừng xe lại quan sát vài phút rồi đi", ông Tùng nói và cho hay, 3 năm trước, miếng đất trên trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng, một mét mặt đường khoảng 100 triệu đồng.

Người đàn ông 66 tuổi nói "không tiếc là dối lòng", song phải chấp nhận khi giá đất tăng phi mã. Có số tiền lớn, ông Tùng cũng kịp mua thêm một miếng đất trị giá hơn một tỷ đồng ở gần ngã ba cảng Vũng Áng để đầu tư sinh lời.

Theo anh Nguyễn Ngọc Quế, trú phường Kỳ Thịnh, nhiều người dân bắt đầu bán đất từ tháng 4/2021 khi có khách hỏi mua, họ sau đó dùng số tiền trên đầu tư vào một số việc khác. Thời điểm đó, người thân của anh bán miếng đất rộng 1.000 m2, trong đó có 200 m2 đất ở với giá 1,3 tỷ đồng. Đến nay, miếng đất này đã mua đi bán lại cho 5 người khác, giá đội lên hơn 5 tỷ đồng.

Tại nhiều quán nước vỉa hè hoặc quán cà phê ở thị xã Kỳ Anh, nhiều thanh niên và đàn ông trung niên tuổi 35-45 thường tập trung lại ngồi theo nhóm 5-7 người, tự nhận mình "chuyên môi giới đất động sản", rất sành về giá cả và các khu đất đang rao bán quanh Khu kinh tế Vũng Áng. Nếu nghe ai đề cập đến việc đang có lô đất bán, họ lập tức lại hỏi giá và đề nghị dẫn đi xem cho bằng được, nếu giá hợp lý sẽ đặt cọc. Ngoài bỏ tiền ra mua, họ còn đi giới thiệu cho người khác, hoặc tìm đối tác để bán với giá cao hơn nhằm hưởng chênh lệch.

"Nếu giới thiệu thành công một miếng đất, tôi được hưởng tiền hoa hồng từ 10-30 triệu đồng", một thanh niên tự nhận là dân môi giới cho hay.

Một số khu vực còn xuất hiện tình trạng người dân tỉnh khác đến mua đất với số lượng lớn, sau đó tự xây hạ tầng, phân lô rao bán. Ông Phan Văn Tâm ở phường Hưng Trí có 2 miếng đất nằm trong khu tái định cư dự phòng ở tổ dân phố Tân Long, phường Kỳ Long, mỗi miếng rộng hơn 200 m2, mặt tiền 8 m. Tại khu vực này, một chủ đầu tư đã bỏ tiền mua khoảnh đất rộng hàng nghìn m2 bao quanh hai miếng đất của ông Tâm. Người này sau đó tự xây hành lang, phân ra hàng chục lô đất, mỗi miếng mặt tiền rộng 4 m rao bán cho công nhân làm nhà ở.

"Hai miếng đất của tôi nằm bên cạnh cũng bị người lạ chia ra thành bốn lô, mỗi miếng mặt tiền 4 m2 để làm đẹp mặt bằng mà không hề hỏi ý kiến. Sắp tới tôi sẽ phản ánh lên chính quyền, yêu cầu can thiệp trả lại nguyên trạng", ông Tâm nói.

Văn phòng đăng ký đất đai Kỳ Anh cho biết, đến nay đã xử lý khoảng 9.000 giao dịch liên quan đất ở Vũng Áng, trong đó hồ sơ chuyển nhượng làm bìa đỏ mới khoảng 5.000, còn lại là đăng ký biến động, cho tặng. "Con số này gấp 5-6 lần so với năm 2020. Các giao dịch bắt đầu sôi động và diễn ra dồn dập từ tháng 4 đến nay", cán bộ văn phòng đăng ký đất đai Kỳ Anh nói.

Ông Nguyễn Thế Anh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết thêm, bất động sản tăng giá mặc dù giúp cho những người có đất được hưởng lợi thì cũng khiến nhiều hộ gia đình có nhu cầu mua đất để xây nhà ở gặp khó khăn.

"Chính quyền nhiều lần khuyến cáo người dân không nên chạy theo đồn thổi, tránh gây thiệt hại cho bản thân trong đầu tư bất động sản. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản chấn chỉnh việc lợi dụng dự án nhằm gom đất đầu tư, sau đó xin làm hạ tầng giao thông để phân lô bán nền và thổi giá", ông Thế Anh nói.

Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh diện tích hơn 22.000 ha, thành lập năm 2006, hiện có 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Trong đó, một số dự án lớn hiện nay như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa với tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 10 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I 1,2 tỷ USD...

Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu trong những năm tới sẽ đưa Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm kinh tế đa chức năng với các trụ cột như công nghệ luyện kim, năng lượng, logistics, dịch vụ cảng biển...

Đức Hùng

Nguồn tin: vnexpress.net


Hà Nội   Tập đoàn   dịch vụ   logistics   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...