28/07/2021 6:15  
Dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng trên toàn thế giới, với hơn 190 triệu ca mắc và hơn 4 triệu ca tử vong. Việc tạm đóng cửa các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu trong thời gian dịch bệnh khiến nhiều người mất việc làm.

Theo số liệu của Vụ Khảo cứu Quốc hội (Congressional Research Service), cơ quan khảo sát chính sách công của Quốc hội Mỹ, chỉ tính riêng tại nước này, tỷ lệ thất nghiệp tháng 4/2020 là 14,8%. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận tính từ năm 1948. Sau một năm thích ứng với tình trạng mới, tỷ lệ thất nghiệp tháng 5/2021 (5,8%) vẫn cao hơn so với thời điểm dịch bệnh mới bùng phát vào tháng 2/2020 (3,5%).

Thế nhưng có lẽ “cơn ác mộng” đối với người lao động sẽ không dừng lại. Trước khi xảy ra đại dịch, tự động hóa vốn đã có khả năng đe dọa tới nguồn việc làm của nhiều lao động phổ thông. Trong hơn một năm qua, nhiều đợt giãn cách xã hội đã dẫn đến việc các công ty sử dụng robot thay thế các vị trí việc làm ngày càng nhiều hơn.

Điều này lẽ ra phải là một tín hiệu đáng mừng, vì cuộc sống của con người đang ngày càng tiện lợi hơn. Tuy nhiên, nhìn vào tương lai xa hơn, con người sẽ phải chấp nhận rằng không còn quá dư dả thời gian để “nâng cấp” bản thân cho phù hợp với sự đổi thay của cuộc sống.

Vậy, robot đã “len lỏi” đến những ngóc ngách nào của ?

Từ Y tế...

Tại Ấn Độ, đất nước có số ca bệnh Covid-19 đứng thứ hai trên thế giới, nhiều bệnh viện bắt đầu sử dụng robot trong việc kết nối bệnh nhân với người thân của họ, cũng như hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch. Công ty Invento Robotics có trụ sở tại Bangalore (hay còn gọi là Bengaluru, thung lũng Silicon của châu Á) đã đưa vào hoạt động 3 robot đảm đương các nhiệm vụ từ khử trùng bề mặt đến trả lời câu hỏi của bệnh nhân, thậm chí cho phép bệnh nhân kết nối qua video với bác sĩ.

Invento Robotics đã phát triển 8 mẫu robot, trong đó mẫu Mitra (có nghĩa là “Người bạn” trong tiếng Ấn) được sử dụng phổ biến nhất. Mitra có giá khoảng 10.000 USD. Với công nghệ nhận diện khuôn mặt, Mitra có thể ghi nhớ các bệnh nhân mà nó đã từng tương tác. Nó di chuyển tự do trong bệnh viện, giúp bệnh nhân kết nối với người nhà hoặc bác sĩ thông qua một màn hình gắn ở ngực. Chú robot này cũng có thể đọc các chỉ số và nhắc nhở người bệnh các vấn đề liên quan đến thuốc thang.

Bệnh viện Yatharth ở thành phố Noida, phía Bắc Ấn Độ, có sử dụng 2 robot Mitra. Ông Kapil Tyagi, Giám đốc bệnh viện, cho biết Mitra không chỉ kết nối bệnh nhân với thân nhân, giúp họ nhìn thấy tình hình điều trị bên trong bệnh viện, mà chính bệnh nhân cũng có tâm trạng vui vẻ và tích cực hơn khi có Mitra ở đó. Họ thường bấm chụp ảnh “selfie” với Mitra.

Theo ông Balaji Viswanathan, CEO của Invento Robotics, chỉ hai năm trước thôi, các bệnh viện không hề quan tâm đến các loại robot hỗ trợ này. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Ấn Độ đã có hơn 8 triệu ca nhiễm và hơn 120.000 người tử vong, lực lượng y tế phải vật lộn với tình trạng quá tải trong thời gian dài. Đây chính là lúc những chú robot phát huy được vai trò hỗ trợ.

Tại Ấn Độ, Invento Robotics chỉ là một trong số nhiều công ty sản xuất robot hỗ trợ cho ngành y tế trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Các loại robot hỗ trợ bệnh viện rất đa dạng, ví dụ công ty Milagrow Robotics cung cấp các robot lau dọn có hình dáng như con người, hay Asimov Robotics tạo ra các robot chuyên phân phát thuốc và dọn dẹp giúp bệnh nhân...

... đến bán lẻ...

Y tế không phải lĩnh vực duy nhất mà robot đang hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn mong đợi. So với thời gian trước khi dịch bệnh diễn ra, chỉ riêng tại Mỹ, dùng hệ thống tự động để sản xuất ra khối lượng hàng hóa, sản phẩm tương đương, các công ty đã giảm 8,2 triệu người lao động. Lao động phổ thông với các kỹ năng làm việc đơn giản là những người bị đe dọa trước nhất về việc làm trong tiến trình tự động hóa.

Checkers là mang đi tại Mỹ. Cửa hàng của Checkers có thiết kế hai làn xe cho khách dừng ngay bên cửa sổ để đặt và nhận đồ ăn mang đi. Khi đại dịch bùng lên, các cửa hàng ăn uống trực tiếp buộc phải đóng cửa, Checkers đã tăng vọt doanh thu so với thường lệ.

Gặp khó khăn trong việc tìm người làm đáp ứng được các yêu cầu, Shana Gonzales - chủ một một cửa hàng nhượng quyền của Checkers tại Atlanta - đã liên hệ với Valyant AI, một start-up có trụ sở tại Colorado để yêu cầu thiết kế một hệ thống nhận diện giọng nói cho nhà hàng. Đến tháng 12/2020, hệ thống của Valyant AI được vận hành, bắt đầu nhận đặt hàng tại một trong hai làn xe ở cửa hàng. Nhận thấy hiệu quả, Shana Gonzales chuẩn bị áp dụng hệ thống này cho ba cửa hàng Checkers khác, thay vì thuê  thêm người lao động. 

Khi các khách hàng của hãng bán lẻ Kroger ở thành phố Cincinnati (tiểu bang Ohio, Mỹ) mua sắm trực tuyến trong thời gian này, hàng hóa họ lựa chọn được robot bỏ vào giỏ tại nhà kho gần đó, hoàn toàn không cần đến bàn tay con người.

... và các ngành nghề khác

Pilgrim’s Pride, công ty chế biến gà đang thực hiện chiến lược dài hạn về tự động hóa, đã cắt giảm 1.200 công nhân trong năm 2020 và sẽ tiếp tục giảm 5.600 việc làm nữa trong năm 2021, nhờ công nghệ tự động hóa.

Ở các môi trường công việc phức tạp và nguy hiểm hơn, ví dụ như khai thác dầu khí, công ty Solaris Oilfield Infrastructure đã cho ra mắt hệ thống tự động chạy bằng điện có thể thay thế đến 80% số lượng công nhân trong việc thực hiện công nghệ nứt vỡ thủy lực (tức “fracking”, hay “hydraulic fracturing” - một công nghệ khai thác dầu khí đá phiến, giúp cho việc khai thác loại dầu khí này trở nên đơn giản với thời gian và chi phí thấp hơn nhiều lần so với thông thường).

Không chỉ trong các ngành nghề phổ thông hay các công việc khó khăn, nguy hiểm, robot và các hệ thống tự động đang trở thành một phần của sự phát triển trong tương lai, chẳng hạn xe hơi tự lái của Tesla đã đi được 600km gần như không cần đến người điều khiển.

Trong những lĩnh vực vẫn được cho là “đặc quyền” của loài người, như sáng tạo, nghệ thuật, robot cũng đang ngày một hoàn thiện hơn.

Tại Ý, người ta đã sử dụng robot vào việc điêu khắc đá cẩm thạch - một chất liệu khó và đầy thách thức ngay cả với những nghệ sĩ bậc thầy. Tất nhiên, theo đánh giá chung, sản phẩm tạo ra bởi robot chưa thể “có hồn” như tác phẩm của một nhà điêu khắc, nhưng lợi thế của robot là sự chính xác và khả năng làm việc không ngừng nghỉ, trong khi “có hồn” là một tiêu chí rất khó xem xét.

Vậy là, từ lau chùi dọn dẹp, hỗ trợ y tế, kết nối thông tin, đến chế biến, sản xuất, bán lẻ…và cả khai thác dầu khí tại những khu vực kém an toàn, cùng vô vàn lĩnh vực khác, robot và các hệ thống tự động đang dần thay thế con người với hiệu quả công việc cao hơn nhiều lần, trong khi chi phí đầu tư thì tương đương hoặc thấp hơn.

Cuộc khủng hoảng mất việc đang chờ trước mắt?

Sự gia tăng tự động hóa không chỉ xảy ra ở Mỹ và các nước phát triển, mà đã trở thành xu hướng chung. Ngay tại Việt Nam, robot và các hệ thống tự động cũng đang dần thay thế con người trong rất nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như Nestle Việt Nam sử dụng robot trong kho hàng, giúp tăng hiệu quả công việc và giảm được 50% nhân lực tại kho.

Nhà máy Mega của Vinamilk đang sử dụng robot trong các khâu chiết rót, tiệt trùng, đóng gói, đóng thùng… giúp giảm hàng ngàn nhân công so với trước đây.

Trong lĩnh vực ngân hàng, TPBank mở các ngân hàng tự động Livebank chỉ với một nhân viên, khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch trên máy như tại một văn phòng giao dịch của ngân hàng....

Một khảo sát trong năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) tiến hành với gần 300 công ty quy mô toàn cầu, 43% số doanh nghiệp cho biết họ mong muốn giảm nhân công thông qua việc áp dụng công nghệ.

Đứng trước thực tế này, các nhà kinh tế học có những nhận định trái chiều. Nhiều người khá lạc quan khi cho rằng, tuy tự động hóa có thể gây ảnh hưởng đến một nhóm đối tượng nhất định, nhưng nó lại giúp tăng năng suất, nhìn chung sẽ giúp tăng trưởng kinh tế, và xét trên tổng thể, như vậy sẽ tạo ra tác động tích cực đến lực lượng lao động.

Nhiều người khác lại cho rằng, tự động hóa sẽ gia tăng sự phụ thuộc của con người vào máy móc, chưa kể chi phí đầu tư ban đầu cao và chi phí bảo trì cũng cao. 

Dù đánh giá như thế nào, tự động hóa đã và đang xảy ra từng giờ, từng ngày. Đây là lúc để lực lượng lao động đánh giá lại và nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp của bản thân, hoặc tìm hướng chuyển đổi. Bởi rõ ràng, sau cơn khủng hoảng dịch bệnh, một cuộc khủng hoảng mới về việc làm đang chờ sẵn.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Bệnh viện   CEO   Covid   Covid-19   Kinh tế   Silicon   Solar   Việt Nam   chiến lược   chính sách   căng thẳng   doanh nghiệp   dịch vụ   khủng hoảng   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...