17/12/2021 21:10  
Rất nhiều câu chuyện xúc động về người chiến sĩ công an nhân dân đã được kể trong Lễ trao giải. Trong đó có chuyện các chiến sĩ Đà Nẵng giúp cháu bé ung thư được một ngày làm cảnh sát trước khi mất.

Hôm nay (17/12), được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Truyền thông Công an Nhân dân phối hợp với Cục Công tác đảng và công tác chính trị đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 4, giai đoạn 2018-2020. Cuộc thi do Nhà Xuất bản Công an Nhân dân và Chi hội Nhà văn Công an phối hợp tổ chức.

Trung tướng PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Bà Trần Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Phạm Tuấn Vũ - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản in và Phát hành; Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an; Trung tướng Mai Văn Hà - Cục trưởng Cục Truyền thông Công an Nhân dân; Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn - Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị Bộ Công an,...

Với đề tài viết về hình tượng người chiến sĩ công an và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuộc thi nhằm tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh đẹp về công việc và cuộc sống thường nhật của người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân; về những cống hiến của lực lượng công an nhân dân với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Có thể nói, với các mùa thi trước đây, Cây bút vàng đã trở thành sân chơi nâng đỡ sức sáng tạo không ngừng của những cây bút trong và ngoài lực lượng. Có thể kể đến các nhà văn, tác giả: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Lương Sỹ Cầm, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Như Phong,...

Thiếu tướng Mã Duy Quân - Phó Cục trưởng Cục truyền thông Công an Nhân dân, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an Nhân dân, Phó trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đã thông tin về quá trình tổ chức giải thưởng: "Trong thời gian gần đây, các cuộc thi sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" cũng như các cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài người chiến sĩ công an luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo".

Cuộc thi lần thứ 4 kéo dài hơn so với kế hoạch do những ảnh hưởng phức tạp từ dịch bệnh Covid-19. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 400 tác phẩm, trong đó có 270 truyện ngắn, gần 200 tác phẩm ký (gồm cả bút ký, hồi ký, truyện ký…); qua đó chọn được 48 tác phẩm vào chung khảo (31 truyện ngắn, 17 ký).

Thiếu tướng Mã Duy Quân thông tin: "Bên cạnh sự phong phú về số lượng tác phẩm tham dự cuộc thi, chất lượng các tác phẩm cũng có những nét tích cực: đa dạng về thể loại, phong phú về hình tượng. Có nhà văn đã quen thuộc với độc giả, có những cây bút đang lên, dần khẳng định được tên tuổi, có những người viết mới, lần đầu tham dự cuộc thi của Bộ Công an, có cả tác phẩm của những người đã mất; có tác giả đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, có những người đã nghỉ hưu, đặc biệt, có hồi ký của một đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Công an…

Công tác chấm và xếp giải được thực hiện công tâm với sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà văn có uy tín và tầm ảnh hưởng trong và ngoài lực lượng công an nhân dân: Nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Khuất Quang Thụy, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nhà văn Lê Minh Khuê, Đại tá, nhà văn Đinh Quang Tốn, nhà văn Nguyên An…"

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước thông tin về công tác chấm giải. Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cho biết, cuộc thi thu hút nhiều nhà văn cao tuổi tham gia, bút lực vẫn sung sức. Một thành công khác của cuộc thi là các cây bút trẻ, chiến sĩ trong lực lượng công an nhân dân có nhiều tác phẩm dự thi với sức cuốn hút, mang tính thời sự.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân thời đại hôm nay rất đẹp, đáng tự hào.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắc lại câu chuyện xúc động về cậu bé ung thư ở Đà Nẵng ôm giấc mơ làm cảnh sát giao thông. Bác sĩ Phạm Lê Na (cán bộ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) khi đó đã viết tâm thư tới Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng thỉnh cầu sự giúp đỡ để giúp Đỗ Tuấn Dũng thực hiện ước mơ.

Phòng CSGT TP.Đà Nẵng đã khiến nhiều người, trong đó có nhà thơ Trần Đăng Khoa rơi nước mắt khi xem những hình ảnh các chiến sĩ giúp đỡ Đỗ Tuấn Dũng có một ngày được trở thành cảnh sát giao thông thực sự với bộ cảnh phục vừa như in với cậu bé.

Và khi cậu bé về trời, phòng CSGT TP.Đà Nẵng cũng tới viếng người "đồng đội" đặc biệt này. Đơn vị cũng quyên góp mỗi người một ngày lương để giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn.

Chính những câu chuyện chạm đến trái tim như vậy có thể trở thành nguồn cảm hứng dung dị cho những sáng tác văn chương viết về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân.

Tác giả Tống Phước Bảo - người nhận giải B thể loại truyện ngắn tâm sự, bản thân đã được truyền cảm hứng cho những sáng tác của mình từ những câu chuyện xúc động như chuyện về những chiến sĩ cảnh sát đỡ đẻ cho sản phụ bên lề đường trong những ngày TPHCM căng mình chống dịch; hay câu chuyện về chiến sĩ đi khắp hang cùng ngõ hẻm phát rau cho những người dân lao động nghèo...

Phương Nhung

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   CSGT   Covid   Covid-19   Công an   HCM   Lãnh đạo   TPHCM   Việt Nam   sáng tạo   ung thư   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...