06/11/2021 7:40  
Không chỉ duy trì, khôi phục sản xuất, nhiều DN đang dự kiến tăng cường cường độ sản xuất; đón đầu xu hướng với nhịp sản xuất, tăng trưởng mới, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, DN đang phải đối mặt với lo lắng thiếu hụt nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khó thu hút lao động trở lại sau dịch
Tính đến cuối tháng 10/2021, 100% DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội đã quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phó trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp, Chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn nói: DN và người lao động phấn khích, hăng say bắt tay ngay vào công việc để bù đắp những đơn hàng. Hiện chúng tôi vẫn yêu cầu các DN không chủ quan, lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh để sản xuất một cách an toàn. “Tuy các DN đã trở lại quỹ đạo sản xuất, nhưng nguồn nhân lực vẫn còn thiếu, điều này có thể xảy ra trong ngắn hạn gây áp lực lớn cho DN” - ông Tuấn chia sẻ.

Công ty CP Yamaguchi Việt Nam có nhà máy ở Khu công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nặng. Nhiều công nhân ùn ùn đổ về quê sau khi được nới lỏng giãn cách, một số lao động có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở xa không đi làm được nên xin nghỉ khiến công ty thiếu lao động.
Công ty TNHH Maxcore thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội chuyên về may mặc, có 430 lao động. Do công ty may nên trước kia, phần lớn là lao động nữ, có con nhỏ nên không thể làm “3 tại chỗ”, chỉ có 80 lao động có thể đi làm được trong thời gian giãn cách. Nhưng nay ngay cả hết dãn cách, công ty vẫn còn nhiều khó khăn về công nhân. “Với DN quy mô nhỏ 30 - 40 lao động tìm kiếm lao động dễ hơn, còn với quy mô vài trăm hoặc trên 1.000 lao động thì khá khó khăn, đặc biệt là các DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất và các DN có vốn đầu tư nước ngoài” - chị Cao Thùy Dung, phụ trách nhân sự của công ty cho biết.

Với khoảng 2.000 lao động, hiện Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) vẫn thiếu lao động. Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, trong thời gian nghỉ chờ việc, công ty trả 70% lương, ngoài ra mỗi ngày được trợ cấp 140.000 đồng... “Tuy nhiên nhiều công nhân chưa muốn quay lại nhà máy do lo ngại dịch bệnh hoặc bỏ về quê tránh dịch. Để có đủ lao động khôi phục sản xuất như trước dịch là một khó khăn rất lớn mà công ty phải đối mặt” - ông Hồng nói.

Sau khi mắc kẹt ở phòng trọ hơn 1 tháng, Nguyễn Thị Thu, công nhân thời vụ tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã phải về quê vì không thể cầm cự cho đến khi có việc làm. Vì là công nhân thời vụ nên việc làm vốn đã bấp bênh, mùa dịch càng khó khăn hơn. Hết đợt giãn cách tại khu dân cư ở trọ, Thu chỉ còn cách tìm đường về quê Yên Bái. Nếu ở lại sẽ không đủ tiền cầm cự vì giá cả sinh hoạt đều tăng.

Theo LĐLĐ TP Hà Nội, đợt bùng phát dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4) có diễn biến rất phức tạp, tác động không nhỏ tới mọi mặt đời sống, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống việc làm, thu nhập của người lao động. Tại Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng nghìn lao động đã về quê đã khiến các nhà máy gặp khó khăn khi quay lại sản xuất sau dịch.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, lượng công nhân thiếu hụt là hơn 40%. Ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết hiện tổng số lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đó. Trong khi đó, nhiều người lao động ngoại tỉnh vẫn có nhu cầu được về quê.

Nhiều tỉnh thành khác cũng vậy, với trên 90% lao động trong các nhà máy là người nhập cư thì "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương, Đồng Nai... đang đối mặt với bài toán khó.

Các DN cần nhiều lao động đang rất lo lắng về nhân lực. Trong khi đa số các DN, nhà đầu tư đang mở rộng sản xuất, kịp hoàn thành đơn hàng cho những tháng cuối năm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, hiện nay, 30 - 35% lực lượng lao động đã dịch chuyển về các địa phương. Điều DN lo lắng nhất hiện nay là làm sao đảm bảo được tiến độ giao hàng theo những đơn hàng đã ký kết trước đó, bởi nếu không đúng hẹn thì DN sẽ phải chịu phạt hợp đồng hoặc chuyển sang hình thức vận chuyển bằng máy bay, khiến chi phí đội lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, trong thời gian gấp rút thực hiện đơn hàng, thì nhiều DN dệt may lại rơi vào tình trạng thiếu nhân lực sau dịch, nhất là những DN ở phía Nam.

Không chỉ các ngành sản xuất dệt may, da giày…, ngành kinh doanh thực phẩm cũng phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt lao động khi hoạt động trở lại. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce Nguyễn Thị Phương cho biết, Masan hiện có hơn 30 nhà máy, hệ thống bán lẻ gần 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+, cùng với đó là các trang trại chăn nuôi, trồng trọt trải dài cả nước. Với gần 40.000 lao động, chủ yếu tại các nhà máy sản xuất, hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu. Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, DN cũng gặp không ít khó khăn về nhân sự.

Tăng cường chính sách hỗ trợ

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, đại dịch Covid-19 đã tác động rất tiêu cực đến thị trường lao động. Theo đó, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm. Đó là các TP lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ thiếu hụt lao động, trong khi một số địa phương lại dư thừa nhân lực. Với lực lượng lao động nhập cư, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền cho người lao động quay trở lại làm việc, tham gia lao động sản xuất trong tình hình mới.

Về phía địa phương, giải pháp cho các DN trên địa bàn để thu hút người lao động ở lại tham gia phục hồi kinh tế là tăng lương, cung cấp chỗ ở cho lao động ổn định làm việc. Tại Hà Nội, từ nay đến cuối năm, với mục tiêu mở rộng kinh doanh, các DN vẫn cần thêm khoảng 30% lao động. “TP sẽ cùng với DN sẽ hỗ trợ tối đa cho lao động, tập trung cho lao động lành nghề, công nhân có tay nghề cao, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ robot vào sản xuất" - lãnh đạo TP Hà Nội cho hay.

Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã chi khoảng 2.000 tỷ đồng tổng cộng các chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn. Sắp tới, các chính sách chi hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ được triển khai nhanh và tỉnh cũng tiếp tục rà soát các nguồn quỹ, nếu có khả năng sẽ đề xuất tiếp tục hỗ trợ.

Phát huy được vai trò của an sinh tốt thì việc người lao động rời TP sẽ giảm. Các chuyên gia cũng cho rằng, để người lao động yên tâm trở lại làm việc, chính quyền và DN cần phối hợp tăng cường năng lực y tế nhằm điều trị kịp thời các ca F0 và bố trí nơi làm việc đảm bảo sản xuất an toàn. Các địa phương phải ban hành chính sách dành đất khu công nghiệp xây dựng thiết chế văn hóa xã hội, nhà mẫu giáo, quy hoạch trường học, kết nối giao thông với khu dân cư… để lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, nhiều DN cũng kiến nghị cơ quan chức năng sớm tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người lao động, hỗ trợ tìm kiếm công nhân, hỗ trợ xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, lập các bệnh viện mini (xét nghiệm nhanh, có tủ thuốc)… để nhà máy, nhà xưởng tăng tốc "guồng sản xuất" trở lại.

Theo ông Cao Hữu Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Vinatex, trong thời điểm này, để thu hút nguồn lao động, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh rất quyết liệt của bộ máy chính quyền, thì vaccine vẫn là “chìa khóa”. “Tình hình dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh phía Bắc đã dần được kiểm soát nhưng nhiều lao động về quê chưa được tiêm vaccine. Trong khi một trong những yêu cầu để có thể tái sản xuất là người lao động phải được tiêm vaccine, nên việc tiêm vaccine rất quan trọng để DN có thể tái sản xuất” - ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Covid-19   Hiệp hội   Hà Nội   Vincom   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   kiến nghị   quy hoạch   sản xuất   thực phẩm   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...