10/12/2021 6:10  
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý, phát triển văn học, diễn ra chiều 9/12 tại Hà Nội.

Đề án "Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) giao Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng từ năm 2020, nhằm phát huy vai trò quan trọng của văn học trong việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, mở đầu Hội nghị chiều 9/12, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cùng các đại biểu tham dự đã thống nhất và định hướng lại tên Hội nghị nên là "Giải pháp quản lý Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật" thì mới đủ tầm bao quát một lĩnh vực đặc biệt, quan trọng trong phát triển văn hóa.

Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, sự phối hợp của Bộ với các hội văn học, nghệ thuật vẫn còn đơn điệu, thiếu chiều sâu, còn theo tính chất từng sự kiện, ví dụ như ngày thơ, vần thơ, chính vì vậy chưa tạo ra một sức mạnh tổng hợp.

Bộ Trưởng Bộ VH,TT&DL cũng nhận định: "Khi nói về đề án phát triển văn học nghệ thuật, quan trọng nhất là yếu tố con người, đó là đội ngũ văn nghệ sĩ, là các loại hình để huy động cho văn nghệ sĩ sáng tạo, sáng tác, và hỗ trợ tinh thần cho những đứa con của họ".

Xuyên suốt Hội nghị, nhiều đại biểu đã có ý kiến, đề xuất và đưa ra giải pháp đóng góp cho đề án phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn tới.

NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ Trưởng Bộ VH,TT&DL đề cập đến vấn đề đặt bài và trại sáng tác văn học nêu trong đề án, ông cho rằng cần chọn lọc những tác giả có tên tuổi, có những yêu cầu cụ thể đối với bài đặt.

Vấn đề trại sáng tác cũng được nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Ủy viên BCH Hội Nhà văn, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam chỉ ra bất cập trong việc tổ chức, đó là phân chia thời gian không hợp lý.

"Tôi nghĩ đến 80% các anh chị tham gia chỉ giao lưu hoặc có ra các tác phẩm vừa còn sản phẩm lớn thì không. Trước đây, những nhà văn lớn từng đi những trại sáng tác, họ phải đi 3 tháng mới có được tác phẩm lớn, còn đi 7 ngày, nửa tháng không giải quyết được vấn đề gì. Nên thay đổi và có đầu tư lớn hơn thì mới hy vọng có những tác phẩm giá trị", nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nêu ý kiến tại Hội nghị.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trong đề án phát triển văn học nghệ thuật này, Bộ VH,TT&DL sẽ là nhạc trưởng, là cầu nối để các hội văn học, nghệ thuật hiện thực hóa các chiến lược, các hoạt động sáng tạo.

Từ những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng kết luận, trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam sẽ chủ trì để xây dựng một đề án mới, tiếp thu những góp ý từ Hội nghị này.

Năm 2022, Bộ VH,TT&DL sẽ triển khai phong trào sáng tác tập trung vào hai lĩnh vực văn học và âm nhạc, cho ra những tác phẩm bài bản, giá trị. Các lĩnh vực nghệ thuật khác sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Hà Hiền

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hà Nội   Nghệ thuật   Thể thao   Việt Nam   chiến lược   sáng tạo   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...