07/10/2021 14:15  
Từ một chàng sinh viên nghèo, sớm mồ côi cha, ông Trần Bá Dương đã tạo dựng nên một tập đoàn ô tô số 1 Việt Nam. Thế nhưng, ông còn tiếp tục đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, khẳng định thương hiệu THACO gắn liền với chất lượng, trách nhiệm xã hội và tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Kiên cường với đại dịch

Mới đây, khi gọi điện thoại cho Dương, ông kể: “Vừa tháp tùng Bí thư Thành ủy TP.HCM và các lãnh đạo TP đi thị sát cầu Thủ Thiêm 2. Mưa quá anh à, ai cũng ướt và rét run". Làm ông chủ lớn thường vậy, không mấy khi rảnh rang.

Từ năm 2013, bằng việc mua cổ phiếu, THACO đã trở thành cổ đông chính của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh. Đầu tháng 6/2015, Đại Quang Minh được chính quyền TP giao thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Thủ Thiêm 2 là cầu bắc qua sông Sài Gòn, nối Q. 1 và TP. Thủ Đức. Đây là công trình hạ tầng trọng điểm của TP, có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng.

Ông Dương cho biết thêm: "Ngày 10/10 sẽ hoàn tất công tác cáp dây văng nhịp chính, dịp lễ 30/4/2022 hoàn thành công trình, đưa vào khai thác. Công trình được thi công xuyên dịch, làm liên tục 3 ca/ngày, kể cả lễ tết. Tính từ thời điểm khởi công công trình từ tháng 4/2017 đến nay, khối lượng thi công ước đạt khoảng hơn 85%".

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thi công cầu Thủ Thiêm 2 cũng gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội, khiến chuỗi cung ứng và giao nhận vận chuyển bị đứt gãy, chưa kể thiếu hụt tài chánh. Doanh thu chính của tập đoàn THACO dựa vào ô tô, thế nhưng thời gian qua hầu như không bán được.

Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 8 vừa qua, toàn thị trường tiêu thụ được 8.884 ô tô các loại, giảm 45% so với tháng trước và giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái. THACO cũng không nằm ngoài tình hình chung này. 

Tuy nhiên, nhà đầu tư Thủ Thiêm 2 vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, thu xếp nguồn vốn, điều chỉnh nhiều phương án để vừa thi công vừa phòng chống dịch. Toàn bộ kỹ sư, công nhân công trình Thủ Thiêm 2 đều xét nghiệm định kỳ, thực hiện "3 tại chỗ", vượt qua mọi khó khăn để kiên trì bám trụ thi công cầu.

Người làm thay đổi Chu Lai

5 năm về trước, nhân chuyến về Quảng Nam, tôi được nghe nói nhiều về ông chủ THACO, người góp phần làm nên sự phồn thịnh của Khu kinh tế mở Chu Lai.

Tìm hiểu mới biết, ông Trần Bá Dương sinh năm 1960, vốn là kỹ sư ô tô tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1983. Chàng sinh viên quê Thừa Thiên - Huế sau khi ra trường lang thang đi kiếm việc cho đến khi có một chân trong xưởng sửa chữa ô tô ở Đồng Nai. Là kỹ sư, nhưng ông Dương cũng phải làm đủ thứ việc, lăn lê bò toài dưới gầm xe bê bết dầu mỡ, để rồi từ một anh công nhân trở thành quản đốc phân xưởng, việc gì cũng đến tay. 

Ông Dương từng tâm sự: “Khi mới được nhận vào làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò. Hồi đó, dầu mỡ còn đắt đỏ, những mảng mỡ còn sót lại trong thùng phải vét sạch để tận dụng, tôi là lính mới được giao việc ấy".

Từng được nghe nói nhiều về Trường Hải, rằng đây là DN hàng đầu ngành công nghiệp ô tô của cả nước, nhưng tôi cũng khó hình dung cho đến khi tận mắt chứng kiến Khu Công nghiệp THACO Chu Lai do ông Trần Bá Dương xây dựng năm 2002.

Khu Công nghiệp THACO Chu Lai diện tích hơn 1.200ha được xem là trung tâm sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ lớn nhất Việt Nam và thuộc top đầu trong khu vực Asean. KCN này đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô của các thương hiệu quốc tế nổi tiếng, với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam: 35-45% với xe tải, trên 60% với xe bus và trên 40% đối với nhiều mẫu xe du lịch, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu ô tô nội khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA. 

THACO Chu Lai có 35 đơn vị trực thuộc Tập đoàn THACO với 8.700 lao động đang làm việc, bao gồm các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, các nhà máy linh kiện phụ tùng và tổ hợp cơ khí; hệ thống cảng biển Chu Lai và các đơn vị giao nhận - vận chuyển đường bộ, đường biển; các công ty đầu tư - xây dựng, trường Cao đẳng THACO và các đơn vị hỗ trợ khác...Với sản lượng hơn 100.000 xe mỗi năm, chiếm 40% thị trường ô tô, thật không sai khi nói rằng, Trần Bá Dương là ông vua ô tô Việt.

Là con thứ tư trong gia đình người Huế nhưng rồi chiến tranh, loạn lạc, vì mưu sinh, cha mẹ ông Dương đã chuyển về Đà Lạt. Thời thơ ấu, gia đình ông vừa trồng rau, vừa là đầu mối thu mua, cung cấp rau cho Sài Gòn và các tỉnh phụ cận.

Năm 1976, đất nước thống nhất, gia đình ông chuyển nhà đến Trảng Bom, vùng đất bạc màu của tỉnh Đồng Nai. Đây cũng chính là thời kỳ khắc nghiệt nhất của đời sống người dân thời hậu chiến. Cũng năm đó, người cha lâm bệnh và qua đời, để lại đàn con thơ cho người vợ gầy guộc, tần tảo. Để mẹ an tâm kiếm tiền, ông Dương phải nghỉ học nhiều ngày phụ việc nhà. Ông sớm thấm thía nỗi nhọc nhằn và cay đắng của cái nghèo đã đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ và hun đúc ước mơ thoát nghèo. 

Trong đêm giao lưu với anh em báo chí ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ông Dương tâm sự hồi còn trẻ khát vọng lớn nhất của ông là làm được gì đó để giúp mẹ, để những người thân của ông đỡ khổ. Tình yêu thương vô bờ bến mà ông nhận được từ mẹ đã truyền cảm hứng và sức mạnh cho ông. 

Mẹ ông đã nuôi các con bằng nghị lực của phụ nữ Á Đông và truyền cho các con niềm tin, nghị lực ấy... Thời đó ngăn sông cấm chợ, nền kinh tế hàng hóa bị triệt tiêu, bà đưa các con vào thác Đá Hàn phá rừng làm nương. Ông Trần Bá Dương đã ở bên bà trong những ngày gian khổ này, ngoài giờ học và lên nương, ông còn ra chợ bán rau phụ mẹ.

5 năm trời con trai miệt mài trên giảng đường đại học cũng là thời gian người mẹ tảo tần lao động. Bà tằn tiện chi tiêu để dành từng đồng tiền lẻ tiếp tế cho con. Năm 1983, Trần Bá Dương ra trường, đó là thời gian Nhà nước còn theo đuổi những mục tiêu lớn của nền kinh tế công hữu, đời sống người dân hết sức khó khăn. 

Khi được hỏi tại sao ông lại xin vào xưởng đại tu ô tô? Ông Dương trả lời chỉ vì thấy những ông thợ trong các xưởng ấy đỡ khổ hơn những người khác. Từ chỗ làm thợ, ông không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề và nhận ra lợi thế của bản thân là được học hành bài bản. Kiến thức bài bản cộng với thực hành là cơ sở để mơ ước trở thành ông chủ của ông Dương thành hiện thực.

Tập đoàn công nghiệp đa ngành và trách nhiệm xã hội

Giờ đây, Tập đoàn THACO chia thành hai nhánh chính: THACO AUTO - phụ trách mảng sản xuất, kinh doanh ô tô của Thaco; THAGRICO - phụ trách mảng nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Tập đoàn THACO có 3 công ty trực thuộc là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (THADICO) - phụ trách lĩnh vực đầu tư xây dựng, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Quốc tế THISO - phụ trách lĩnh vực thương mại dịch vụ, Công ty TNHH Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) - phụ trách lĩnh vực logistics. 

THACO AUTO hiện đang thực hiện chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ô tô quốc tế sản xuất tại Chu Lai và liên kết với các nhà sản xuất, phân phối ô tô, nhận chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Theo VAMA, doanh số của THACO AUTO trong 6 tháng đầu năm lũy kế đạt 38,1 %, dẫn đầu thị trường trong nước.

THACO AUTO còn được biết đến là nhà sản xuất, xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí hàng đầu Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí của THACO AUTO đạt 17 triệu USD, tăng 25% so với năm 2019. Sản phẩm chính gồm: cản xe du lịch, dây điện, nhíp ô tô, áo ghế, két dàn nóng, linh kiện xe bus, linh kiện composite… xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Italia, Nga… 

Từ năm 2017, Tập đoàn THACO đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Với diện tích hơn 84.000 ha ở miền Tây, Tây Nguyên, Lào và Campuchia, THAGRICO thực hiện sứ mệnh “Nâng tầm nông nghiệp Việt” ở cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Cơ giới hóa có mặt ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến và phân phối.

Đầu tư vào nông nghiệp, THAGRICO đồng thời giúp nâng cấp tư duy làm nông của người Việt, giúp những người nông dân chân lấm tay bùn có cơ hội tiếp xúc với máy móc hiện đại, trở thành công nhân tại các nông trường, trang trại. Không ngoa khi nói rằng THAGRICO đã cung cấp công việc và nâng cao mức sống cho người dân tại nhiều tỉnh, thành. 

Cùng với việc sản xuất kinh doanh, tạo dựng giá trị thương hiệu phát triển bền vững, THACO luôn xem trách nhiệm xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của một doanh nghiệp lớn. Trong những năm qua, THACO đã thực hiện nhiều hoạt động và chương trình an sinh xã hội.

Từ khi bùng phát dịch đến nay, tập đoàn THACO đã hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch trong cả nước hơn 900 tỷ đồng, bao gồm 3,5 triệu bộ kit test nhanh Covid-19, 63 xe chuyên dụng vận chuyển vaccine, 63 xe tiêm phòng lưu động, 30 xe cứu thương, 1 xe chụp X- Quang và xét nghiệm lưu động và điều động hỗ trợ 51 xe tiêm phòng lưu động cùng nhiều vật tư, trang thiết bị y tế cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, Thaco còn tặng1000 smart ti vi cho học sinh Trà Vinh học trực tuyến.

Ông Trần Bá Dương cho rằng, trách nhiệm xã hội lớn nhất của DN là tạo ra những sản phẩm có giá trị, tạo việc làm cho người lao động và nộp ngân sách cho nhà nước. Hiện, Thaco đã thực hiện được sứ mệnh khi tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động trong và ngoài nước và trong 5 năm, từ 2015-2019, THACO đã nộp ngân sách hơn 85.000 tỷ đồng. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Cao đẳng   Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Nhật Bản   Tập đoàn   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   logistics   sản xuất   Đầu tư   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...