15/11/2021 16:25  
Chủ tịch COP26 Alok Sharma hôm 13/11 phải nghẹn ngào xin lỗi hội nghị vì những thay đổi phút chót trong cam kết chống biến đổi khí hậu.

Trước đó vài tiếng, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans xin đăng đàn phát biểu trong âu lo, khi hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) tại Glasgow, Scotland đã kéo dài thêm gần 24 tiếng so với kế hoạch.

Nhận thấy nỗ lực đàm phán đang rơi vào bế tắc, Timmermans muốn ngăn 197 phái đoàn bỏ cuộc vì kiệt sức "ở vài trăm mét cuối trước vạch đích".

"Hãy nghĩ đến một người bất kỳ trong cuộc đời các bạn, nếu người đó đến năm 2030 vẫn đứng trên mặt đất này. Họ sẽ sống ra sao nếu chúng ta ngày hôm nay, tại diễn đàn này, không duy trì được mục tiêu 1,5 độ C", ông không giấu được vẻ khẩn thiết trong lời kêu gọi.

Giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp là mục tiêu được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đây cũng là mục tiêu mà COP26 quyết tâm đạt được khi hội nghị khai mạc hôm 31/10 và dự kiến kéo dài tới 12/11, nhằm ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhưng vào chiều 13/11, dù đã quá thời gian, hội nghị vẫn chưa nhất trí được về Thỏa thuận Glasgow. Trung Quốc và Ấn Độ vài ngày trước đã yêu cầu hội nghị điều chỉnh câu chữ liên quan trong dự thảo thỏa thuận, cắt cụm từ "loại bỏ hoàn toàn than đá" và thay bằng "giảm dần sử dụng than đá".

Than đá, cùng một số bất đồng về lợi ích giữa các nước phát triển và đang phát triển, đã đẩy đàm phán COP26 rơi vào bế tắc phút chót. Than đá được coi là tác nhân gây biến đổi khí hậu lớn nhất trên Trái Đất, chiếm 46% khí thải CO2 toàn cầu và 72% khí thải nhà kính từ các nhà máy điện than.

Khi tình hình tưởng chừng không còn lối thoát và COP26 đứng trước một thất bại rõ ràng, lời khẩn cầu của Timmermans dường như đã phát huy tác dụng. Các bên bất ngờ chấp nhận thỏa hiệp, đưa ra những tuyên bố phần nào nhượng bộ hơn và cam kết ủng hộ nội dung trong thỏa thuận khí hậu Glasgow.

Đoàn chủ tịch COP26 chấp nhận yêu cầu của Ấn Độ về điều khoản "giảm dần sử dụng than đá", qua đó mở đường thông qua thỏa thuận bao trùm với nhiều vấn đề quan trọng khác.

Các nước nhất trí trong năm sau cải thiện mục tiêu cắt giảm khí thải tới năm 2030, tăng tốc nỗ lực giảm dần sử dụng than bẩn, từng bước chấm dứt trợ giá nhiên liệu hóa thạch hiệu suất thấp.

Nhóm nước giàu cam kết tăng hỗ trợ thích ứng biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển, lên mức 500 tỷ USD trong nửa thập kỷ tới. Cộng đồng quốc tế thống nhất thiết lập cơ chế báo cáo thiệt hại vì biến đổi khí hậu, mở đường cho đàm phán tương lai về bồi thường thiệt hại cho các nước đang phát triển.

"Tôi xin lỗi về cách quá trình này diễn ra, tôi vô cùng xin lỗi", Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu, dường như cố ngăn nước mắt. "Tôi cũng thấu hiểu nỗi thất vọng sâu sắc của các bạn, nhưng tôi cho rằng, như các bạn đã chỉ ra, điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ được thỏa thuận này".

Phát biểu nghẹn ngào của Chủ tịch COP26 khiến hội nghị kết lại với một nốt trầm. Quá trình đàm phán căng thẳng cũng như những thỏa hiệp về mục tiêu khí hậu làm tăng tranh luận trái chiều về thành công và thất bại của hội nghị kéo dài hai tuần qua.

Đoàn Thụy Sĩ chỉ trích gay gắt văn kiện chính thức của COP26, bày tỏ "thất vọng sâu sắc về quy trình làm việc không minh bạch". Đại diện Thụy Sĩ nhấn mạnh việc chấp nhận thỏa hiệp về than đá ở COP26 "sẽ không đưa chúng ta đến gần mục tiêu 1,5 độ C" và chỉ khiến chặng đường phía trước thêm khó khăn.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ tiếc nuối rằng "ý chí chính trị tập thể không đủ mạnh mẽ để hội nghị vượt qua một số bất đồng sâu sắc". Ông đồng ý Thỏa thuận Glasgow là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng nỗ lực quốc tế hiện chưa đủ ngăn chặn thảm họa toàn cầu.

"Đã đến lúc chúng ta chuyển sang chế độ khẩn cấp. Thế giới đang trong cuộc chiến vì sự tồn vong của chính mình", Guterres nhấn mạnh.

Theo giới quan sát, loạt cam kết đóng góp cắt giảm khí thải mỗi nước (DNC) tại COP26 chỉ có thể níu giữ hy vọng ngăn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất vượt mốc 1,5 độ C.

Mô hình dự báo của các chuyên gia tại hội nghị Glasgow cho thấy, nếu những nước cam kết đạt "phát thải ròng bằng 0" vào giữa thế kỷ 21 giữ lời hứa, Trái Đất có khả năng nóng lên từ 1,5 đến 2,6 độ C. Nếu không có các cam kết này, tỷ lệ nhiệt độ Trái Đất tăng 1,9-3 độ C là 68%.

Một số nhà hoạt động môi trường lo ngại cam kết "phát thải ròng bằng 0" được đưa ra tại COP26 khó được cụ thể hóa thành hành động do xu hướng phát triển của một số nền kinh tế, điển hình như Trung Quốc.

Trung Quốc cam kết xả khí thải đạt đỉnh trước năm 2030 và từng bước cắt giảm, hướng đến phát thải ròng bằng không vào năm 2060. Tuy nhiên, khoảng 60% tổng sản lượng điện Trung Quốc vẫn dựa vào than đá và nỗ lực chia tay nhiên liệu hóa thạch có thể chậm hơn kỳ vọng.

Dù áp dụng mô hình dự báo lạc quan nhất về khả năng thực thi cam kết giảm phát thải của các nước, tổng lượng khí thải nhà kính thế giới đến đầu thập niên 2030 vẫn đặt Trái Đất trước xác suất 50% tăng nhiệt độ trung bình vượt lằn ranh đỏ 1,5 độ C.

Thành công khiêm tốn của Thỏa thuận Glasgow là giữ lại một tia hy vọng cho thế giới, chủ yếu bằng lời hứa rằng các nước thành viên Hiệp định Paris trong năm sau sẽ đánh giá lại và nâng cam kết cắt giảm phát thải tính đến năm 2025.

Theo chuyên gia Niklas Hohne, thành viên chương trình Theo dõi Hành động Khí hậu (CAT) do các viện khoa học Đức tài trợ, nếu Thỏa thuận Glasgow gạch bỏ nội dung này, thế giới coi như đã "khai tử" mục tiêu 1,5 độ C.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tín hiệu tích cực cho nỗ lực giải cứu Trái Đất khỏi thảm họa khí hậu.

COP26 cho thấy 197 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng thuận về mục tiêu ngăn Trái Đất tăng 1,5 độ C so với kỷ nguyên trước cách mạng công nghiệp đã được khoa học chứng minh là giới hạn đỏ. Dù đoàn chủ tịch chấp nhận thỏa hiệp về vấn đề than đá trong văn kiện chính thức, Glasgow vẫn là lần đầu tiên các nước đồng ý trên "giấy trắng mực đen" cắt giảm từng bước than đá và trợ giá nhiên liệu hóa thạch.

Hàng loạt liên minh quan trọng đã hình thành bên lề hai tuần họp, gồm tuyên bố các lãnh đạo chống nạn phá rừng, từng bước chia tay điện than, cắt giảm khí methane gây hiệu ứng nhà kính, hay phát triển công nghệ xe điện giá rẻ. Lỗ hổng pháp lý trong Hiệp định Paris về thị trường mua bán phát thải được khắc phục.

Theo Kelley Kizzier, Phó chủ tịch mảng khí hậu toàn cầu thuộc Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) có trụ sở chính ở New York, thế giới thống nhất về quy định mua bán phát thải carbon trong Điều 6 của Hiệp định Paris "dù không hoàn hảo" vẫn đủ trao cho các quốc gia công cụ cần thiết bảo vệ môi trường.

Các nước sẽ tránh được tình trạng thống kê trùng số liệu, thị trường mua bán phát thải carbon đồng thời khơi được dòng vốn tư nhân chảy về những quốc gia đang phát triển. "Bộ quy tắc" mới cho phép các nước tập trung nguồn lực quyết liệt hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm khí thải.

Kizzier nhận định những nước đã phát triển chịu trách nhiệm nhiều nhất về ô nhiễm khí hậu, nên họ cần đưa ra đề nghị "cao giá" hơn trên bàn đàm phán, đảm bảo sự bình đẳng toàn cầu.

"Sự thống nhất ở COP26 bao quát hơn và thể hiện tiến triển tích cực. Chống biến đổi khí hậu từ lâu phần lớn là những lời kêu gọi hành động chung chung và đại khái. Tuy nhiên, những quyết định tại COP26 đã mở ra hướng đi mới đáng hoan nghênh hơn, tập trung vào hành động cụ thể và khẩn trương", bà nhấn mạnh.

Theo Kizzier, thành quả của COP26 không gói gọn trong hai tuần ở Glasgow. Vòng đàm phán đã thúc đẩy những tuyên bố quan trọng khi phái đoàn các nước còn chưa đặt chân đến thành phố. EDF cũng đánh giá cao Tuyên bố chung Mỹ - Trung tại Glasgow về củng cố hành động khí hậu trong thập niên 2020.

"Đây là tín hiệu đầy triển vọng. Hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới đã chấp nhận bắt tay ứng phó biến đổi khí hậu", chuyên gia từ EDF đánh giá.

Trung Nhân (Theo Economist/ Guardian/ Evening Standard)

Nguồn tin: vnexpress.net


Thành công   Trung Quốc   chuyên gia   căng thẳng   diễn đàn   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...