19/10/2021 17:25  
Nam Định, Phú Thọ phát hiện ổ dịch chưa rõ nguồn lây, trong khi đó Hà Nội và một số tỉnh miền Trung, miền Tây ghi nhận nhiều F0 từ người dân về quê.

Sáng 19/10, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nam Định cho biết trong hai ngày qua tỉnh ghi nhận 22 ca nhiễm, tập trung ở thôn Đằng Động, xã Yên Hồng (huyện Ý Yên).

Đến trưa nay (19/10), CDC Nam Định phát hiện thêm hai ca nhiễm ở thị trấn Lâm (huyện Ý Yên), đều liên quan đến ổ dịch thôn Đằng Động.

"Ổ dịch này xuất phát từ một phụ nữ ở thôn Đằng Động. Gần một tháng qua bà không ra khỏi xã, không đến vùng có dịch, không tiếp xúc với người từ vùng dịch về. Hàng ngày bà đi chợ làng vào sáng sớm, thi thoảng làm phụ hồ xây tường rào cho một gia đình cùng thôn", ông Đỗ Đức Lưu, Giám đốc CDC Nam Định nói, và cho biết với yếu tố dịch tễ như trên thì chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh.

Từ 10/10, người phụ nữ trên bị ho, sốt. Đến 17/10, bà đi khám ở TP Ninh Bình, xét nghiệm dương tính.

Tỉnh Nam Định đã phong toả thôn Đăng Động với 360 hộ, hơn 1.400 người và cụm dân cư ở tổ dân phố số 2, thị trấn Lâm với 70 hộ, 290 người.

Xã Yên Hồng và thị trấn Lâm tạm thời áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ 3. Chính quyền địa phương yêu cầu 11/31 xã, thị trấn tạm dừng dịch vụ, kinh doanh không thiết yếu, bao gồm cả bán đồ mang về, gồm: Yên Hồng, Yên Quang, Yên Tiến, Yên Thắng, Yên Bằng, Yên Ninh, Yên Dương, Yên Mỹ, Yên Khánh, Yên Phong và Thị trấn Lâm.

Theo CDC Nam Định, hiện ổ dịch ở ở xã Yên Hồng và thị trấn Lâm chưa có nguy cơ lây lan ra địa bàn khác. "Tuy nhiên, chúng tôi đang mở rộng xét nghiệm để phát hiện F0, nhanh chóng dập dịch", ông Đỗ Đức Lưu nói.

Tại Phú Thọ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cho biết hiện nay tỉnh ghi nhận 23 ổ dịch trong cộng đồng với tổng 128 ca nhiễm. Trong đó, TP Việt Trì có 12 ổ dịch với 98 ca; huyện Lâm Thao 7 ổ dịch với 22 ca; huyện Phù Ninh 4 ổ dịch, 8 ca.

Phú Thọ chưa xác định được nguồn lây ban đầu của các chùm ca nhiễm trên. Toàn tỉnh hiện có 1.200 F1, hơn 6.500 F2, tỉnh Phú Thọ; hai địa phương ở cấp độ 4 gồm xã Chú Hóa (TP Việt Trì) và thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao).

TP Việt Trì và xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao), xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) ở cấp 3.

Ngoài các ổ dịch chưa rõ nguồn lây nêu trên, nhiều tỉnh, thành tiếp tục ghi nhận ca nhiễm là người dân về quê. CDC Hà Nội thông tin, từ đầu tháng 10 đến 6h sáng 19/10, trên địa bàn có 1.872 người về từ các tỉnh, thành miền Nam; qua lấy mẫu xét nghiệm phát hiện 22 trường hợp dương tính. Trong đó 15 người đi bằng ôtô, 6 người đi máy bay và một người đi xe máy.

Thanh Hóa ghi nhận 42 ca mắc mới trong ngày 18/10, đều ở khu cách ly tập trung hoặc địa bàn phong tỏa, trong đó 24 trường hợp tại ổ dịch thị xã Bỉm Sơn và 18 ca là người dân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam.

Ổ dịch tại thị xã Bỉm Sơn được phát hiện hôm 14/10, sau khi ngành y tế ghi nhận hai vợ chồng trên địa bàn dương tính với nCoV. Người vợ làm nhân viên bán hàng cho một doanh nghiệp, còn chồng là tài xế. Đến nay ổ dịch tại Bỉm Sơn đã có tổng 86 ca dương tính. Chính quyền địa phương đang phong tỏa các khu phố, điểm dân cư, thôn xóm, doanh nghiệp... có người nhiễm bệnh; trường học trên địa bàn đóng cửa.

Ở miền Tây, nhiều tỉnh tiếp nhận hàng trăm nghìn người về quê, kéo theo tình trạng bùng phát mạnh F0. Cuối tháng 9 đến nay, Sóc Trăng tiếp nhận trên 43.000 người về từ Long An, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Trong số này, 45% người đã tiêm một mũi, hơn 12,% tiêm 2 mũi, 12% là F0 khỏi bệnh. Hiện tỉnh đang cách ly tập trung gần 16.000 người, hơn 27.000 người cách ly tại nhà.

Cũng từ 30/9 đến nay, số người mắc Covid 19 tại Sóc Trăng tăng mạnh, từ 1.269 lên 3.538 ca. Theo ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, dù các ca dương tính đa số nằm trong khu cách ly nhưng diễn biến khá phức tạp; dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao trong vài ngày tới.

"Hệ thống y tế của tỉnh có khả năng tiếp nhận điều trị hơn 2.000 F0. Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng 5 bệnh viện dã chiến để nâng công suất lên 3.000 F0", ông Khải nói.

Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ phức tạp trong khi năng lực y tế địa phương còn hạn chế, từ 10 ngày trước, Chủ tịch UBND Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã kiến nghị Chính phủ chi viện 10 bác sĩ, 100 điều dưỡng, 50 máy thở, 500.000 kit test nhanh kháng nguyên, 100.000 bộ xét nghiệm PCR, 100.000 trang phục bảo hộ, một triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Tại Cà Mau từ cuối tháng 9 đến nay tiếp nhận hơn 30.000 người về quê. Cũng từ thời điểm này, địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh.

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, tính từ đợt dịch lần thứ 4 đến cuối tháng 9, tỉnh ghi nhận 369 ca dương tính nCoV, là một trong những địa phương có số ca mắc COVID-19 thấp nhất ở miền Tây. Tuy nhiên, từ ngày 1/10 đến nay, số ca mắc của tỉnh tăng lên 1.173 (ngày 17/10).

Chính quyền địa phương đã kích hoạt 5 bệnh viện dã chiến, chuẩn bị chuyển đổi công năng 2 bệnh viện huyện Phú Tân và Ngọc Hiển. Qua đó, nâng tổng công suất điều trị Covid-19 của tỉnh từ 790 giường lên hơn 1.700 giường.

PGS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng - Bộ Y tế) nhận định, khi cả nước mở cửa, nới giãn cách và xác định sống chung với dịch, việc xuất hiện ca nhiễm mới là điều khó tránh khỏi, "cứ xét nghiệm sẽ phát hiện ca mới".

Theo ông, dịch bệnh vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng, hơn 80% ca nhiễm có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng càng khiến mầm bệnh dễ phát tán. "Điều cần quan tâm nhất hiện nay là số ca mắc có triệu chứng, số ca trở nặng và giảm số ca tử vong", Phó giáo sư phân tích.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, đại học Y Dược TP HCM) cho rằng, những nơi chưa bùng phát dịch và tỷ lệ tiêm chủng vaccine còn thấp vẫn có nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm tiếp theo, nhưng sẽ không quá lớn.

Thực tế, các tỉnh luôn có nguy cơ bùng dịch do chưa phủ được vaccine. Ví dụ như Phú Thọ trong hơn một triệu người chỉ mới tiêm hơn 350.000 người, Cà Mau hơn 850.000 người chỉ mới tiêm hơn 260.000 người. Vì vậy, các tỉnh vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ, cần đề cao cảnh giác.

Lý do khác khiến số ca địa phương tăng là do người từ vùng dịch trở về. Do đó, Phó giáo sư Nguyễn Việt Hùng (Phó chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội) cho biết, việc cần làm của ngành y tế các cấp là tăng cường giám sát dịch tễ, đặc biệt là giám sát những người từ vùng dịch về, người ho sốt, nguy cơ cao mắc... Khi có ca nhiễm, địa phương nhanh chóng phong tỏa, truy vết để dập dịch và không ảnh hưởng kinh tế, đời sống người dân.

Gia Chính - Lê Hoàng - Cửu Long

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid 19   Covid-19   HCM   Hà Nội   doanh nghiệp   dịch vụ   kiến nghị   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...