15/10/2021 12:25  
Năm ngày kể từ khi Chính phủ ban hành nghị quyết về "thích ứng an toàn", nhiều địa phương chưa công bố cấp độ dịch bệnh và vẫn xét nghiệm người vào địa bàn.

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó phân loại bốn cấp độ dịch bệnh.

Hai ngày sau, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; đồng thời đề nghị các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với người dân đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4, vùng phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Hôm nay (15/10) ghi nhận trên toàn quốc, nhiều địa phương bước đầu ban hành quy định để thực hiện nghị quyết 128, tuy nhiên hầu hết chưa công bố chính thức việc phân loại cấp độ dịch bệnh trên địa bàn; nhiều tỉnh, thành duy trì chốt cửa ngõ và vẫn kiểm soát giấy xét nghiệm Covid-19.

Tại Hà Nội, trước câu hỏi thành phố đang ở cấp độ dịch nào, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn sớm đánh giá tình hình dựa trên các tiêu chí hướng dẫn của Bộ Y tế và Chính phủ để có các biện pháp phù hợp.

Lãnh đạo Công an Hà Nội thông tin, đến sáng 15/10, thành phố chưa có quyết định thu hồi 22 chốt kiểm soát cửa ngõ.

Đà Nẵng đang yêu cầu người dân khi đến hoặc về thành phố phải đăng ký trên hệ thống trực tuyến app Danang Smart City, hoặc trang khaibaoyte.danang.gov.vn để được cấp mã QR khi qua chốt kiểm dịch ở cửa ngõ.

Thành phố vẫn áp dụng quy định người dân đến hoặc về từ địa phương khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Riêng tài xế xe luồng xanh test nhanh tại các chốt để đảm bảo kiểm soát chặt người vào địa bàn.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, Bộ Y tế yêu cầu không chỉ định xét nghiệm đi lại của người dân, tuy nhiên "đây là quy định mới ban hành nên Sở đang nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo thành phố ra văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình địa phương".

Với người dân đang sinh sống tại Quảng Nam và Đà Nẵng (hai địa phương giáp ranh), từ ngày 12/10, chính quyền Đà Nẵng đã bỏ yêu cầu có kết quả xét nghiệm nhằm tạo điều kiện đi lại giữa hai địa phương. Người dân phải tuân thủ việc khai báo y tế và cam kết trong vòng 14 ngày qua không đi ra khỏi hai tỉnh, thành này. Tuy nhiên do lượng người đi lại thăm nhau giữa hai địa phương quá đông những ngày qua, khoảng 1/3 không khai báo y tế từ trước dẫn đến việc thường xuyên ùn ứ ở tuyến quốc lộ 1A đoạn qua chốt Hoà Phước và chốt trên đường Trần Đại Nghĩa.

"Để nhanh chóng qua chốt, người dân nên khai báo từ trước, nếu không thạo công nghệ thì nhờ người thân khai giúp", trung tá Trương Ngọc Chiến, Trưởng Trạm CSGT Hoà Phước nói.

Hiện Đà Nẵng chưa công bố chính thức cấp độ dịch bệnh trên địa bàn.

Quảng Ninh, Hải Phòng đã ban hành văn bản tổ chức thực hiện nghị quyết 128 hôm qua (14/10), điều chỉnh một số biện pháp địa phương áp dụng trước đây, trong đó không yêu cầu xét nghiệm với tất cả người dân vào địa bàn (ngoại trừ người ở vùng đỏ).

Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, đối chiếu quy định của Bộ Y tế thì tỉnh này đang ở cấp 1 (vùng xanh), tuy nhiên hiện Quảng Ninh chưa công bố chính thức.

Sở Y tế Quảng Ninh sẽ phối hợp với đơn vị liên quan ban hành hướng dẫn cụ thể phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch tại ba cấp tỉnh, huyện, xã; dự kiến hoàn thành trong ngày 17/10.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết tỉnh đã giao Sở Y tế nghiên cứu các quy định của Chính phủ và hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế để áp dụng nghiêm túc trong thời gian tới.

"Từ đầu tháng 10/2021, tỉnh Hòa Bình đã quy định việc xét nghiệm theo hướng nới lỏng hơn", ông Toàn nói. Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh không cần phải xét nghiệm khi vào tỉnh Hòa Bình.

Giáo viên, học sinh, người lao động cư trú tại địa phương giáp ranh Hòa Bình, hằng ngày đi học và làm việc tại tỉnh, cũng không cần xét nghiệm khi qua chốt kiểm dịch. Những người này được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để lập danh sách và hạn chế di chuyển khỏi địa bàn cư trú cũng như nơi làm việc.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết quy định thích ứng an toàn Covid-19 của Chính phủ "rất rõ ràng, cụ thể, bao quát cao". Vì vậy, Vĩnh Phúc sẽ sớm triển khai "thực hiện quyết liệt và sáng tạo".

Hiện Vĩnh Phúc thuộc diện nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng (cấp 2). Tỉnh không chỉ định xét nghiệm việc đi lại của người dân; chỉ yêu cầu xét nghiệm với người đến từ khu vực cấp 4 (nguy cơ rất cao) hoặc vùng phong tỏa...

Hà Tĩnh từ ngày 14/10 đã quyết định dừng chỉ định xét nghiệm đối với những người dân đi lại. Tuy nhiên, tỉnh vẫn yêu cầu các cấp quản lý chặt chẽ người từ các vùng có nguy cơ cao, nguy cơ, vùng thực thiện Chỉ thị 16 chưa qua 14 ngày về địa bàn.

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết đơn vị đang hoàn tất văn bản tham mưu cho UBND tỉnh để thực hiện hướng dẫn tiêu chí phân loại cấp độ thích ứng Covid-19.

Trong đó, Nghệ An sẽ không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với người đến từ địa bàn cấp 4 hoặc vùng phong tỏa... Người đã tiêm đủ liều vaccine và F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.

"Chúng tôi đề xuất theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, song quyết định cuối cùng do lãnh đạo tỉnh đưa ra", đại diện Sở Y tế Nghệ An nói.

Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế, cho biết, tỉnh này đã tạm thời chuyển sang sử dụng bản đồ nguy cơ Covid-19 do Bộ Y tế xây dựng để tra cứu, áp dụng các biện pháp quản lý người đến từ vùng dịch và các địa phương khác.

Người đến từ vùng xanh (cấp 1) khai báo y tế khi đến các chốt và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú; xét nghiệm sàng lọc theo thông báo của cơ quan y tế địa phương; đến từ vùng màu vàng, cam, đỏ thì áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát y tế theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay tỉnh này hiện tương ứng màu vàng (cấp 2); tuy nhiên chưa có thông báo chính thức.

PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự cố khẩn cấp y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế có hướng dẫn, các địa phương cần sớm áp dụng trên thực tế, chuyển trạng thái để đáp ứng tình hình mới.

"Các địa phương không được tự ban hành quy định riêng có tính chất ngăn sông cấm chợ, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế", ông Phu nói.

Nhóm phóng viên

Nguồn tin: vnexpress.net


CSGT   Chính phủ   Covid   Covid-19   Công an   Hà Nội   Lãnh đạo   sáng tạo   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...