22/08/2021 23:25  
Ba F0 điều trị tại nhà được bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Kiến An, khám online với biểu hiện ngộ độc, tổn thương gan do uống paracetamol quá liều.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, đang chăm sóc qua điện thoại cho các bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM, cho biết khi liên hệ với ông hôm 18/8, các bệnh nhân này đã ở trong tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, vàng da, vàng mắt, đau bụng nhiều... Người nhà hai bệnh nhân cho biết, cha mẹ họ là F0, sốt nên đã tự dùng thuốc paracetamol. Hàng ngày người bệnh uống 4-6 viên loại 500 mg, uống liên tục 14 ngày. Một bệnh nhân không có triệu chứng sốt vẫn dùng 3-4 viên mỗi ngày, liên tục 10-14 ngày. Trong khi đó, liều paracetamol tối đa khuyến cáo với người lớn chỉ là 4 viên loại 500 mg mỗi ngày, và không được uống quá 10 ngày.

Nhận định người bệnh dùng thuốc quá liều, bác sĩ Dũng đã yêu cầu dừng ngay việc uống paracetamol, đồng thời uống các thuốc giải độc. Hiện, sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định hơn, các triệu chứng ngộ độc thuốc đã giảm.

Theo bác sĩ Dũng, thỉnh thoảng có trường hợp ngộ độc thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol phải nhập viện cấp cứu. Những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn, khi nhiều bệnh nhân Covid-19 tự điều trị tại nhà.

Triệu chứng chung của người ngộ độc thuốc paracetamol là mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn nhiều; đau bụng hạ sườn bên phải; da vàng, mắt vàng; tê bì, xuất hiện đám mảng bầm tụ máu (xuất huyết) dưới da dù không có tiền sử chấn thương... Nặng hơn là có dấu hiệu rối loạn ý thức như chậm chạp, li bì, hôn mê... (triệu chứng não gan).

Khi xem đơn thuốc hoặc các thuốc mà bệnh nhân tự tìm hiểu và sử dụng, bác sĩ phát hiện ra có hai lý do dẫn đến ngộ độc thuốc. Đó là bệnh nhân uống cùng lúc hai thuốc có cùng hoạt chất paracetamol, dẫn đến quá liều; hoặc uống cùng lúc hai loại thuốc giảm đau hạ sốt khác hoạt chất, như paracetamol và ibuprofen.

"Bệnh nhân đã test nhanh âm tính, gần vượt qua dịch bệnh nhưng lại có thể mất mạng vì những viên thuốc tưởng chừng vô hại", bác sĩ Dũng nói.

Hiện nay, nhiều bệnh nhân Covid-19 mới được phát hiện dương tính được hỗ trợ điều trị và dự phòng sớm tại nhà. Thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol rất quan trọng để kiểm soát nhiệt độ và hạn chế biến chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi hướng dẫn điều trị, hoặc chia sẻ các đơn thuốc (sau khi điều trị thành công) mà thiếu đi sự hướng dẫn đơn lẻ cho từng trường hợp, bước đầu gây ra những hệ lụy nguy hiểm, đặc biệt là các biến chứng tổn thương gan, thận cấp.

Trong trường hợp bệnh nhân sốt cao do nhiễm Covid-19, bác sĩ hướng dẫn chỉ sử dụng paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C. Với người lớn, không được dùng thuốc liên tiếp quá 10 ngày, trẻ em không được quá 5 ngày. Cụ thể:

Với người lớn: Uống một liều 10-15mg/kg cân nặng. Ví dụ người 50 kg, có thể uống một viên đến 1,5 viên 500mg. Tốt nhất chỉ nên dùng liều 10mg/kg, vì F0 sốt do Covid-19 thường sốt kéo dài 5-7 ngày, uống liều thấp để hạn chế độc tính của thuốc.

Nếu đã uống thuốc mà vẫn sốt cao trên 38,5 độ C, phải tìm mọi cách để hạ nhiệt độ, cùng với thuốc, như dán miếng dán hạ sốt, lau - chườm trán, ngực, nách, tay, chân... bằng khăn ấm. Bác sĩ lưu ý không được dùng khăn lạnh để chườm vì sẽ làm co mạch, làm nhiệt độ cơ thể khó thoát, khó hạ hơn.

Sau ít nhất 6 giờ nếu nhiệt độ vẫn trên 38,5 độ C mới được uống tiếp liều thứ hai. Một ngày tốt nhất không nên uống quá 2.000 mg (tương đương 4 viên 500 mg), đối với bệnh nhân trung bình nặng 50 kg.

Trường hợp sốt quá cao (trên 39,5 độ C) đã uống liều 10 mg/kg cân nặng, kèm lau chườm... mà không hạ được nhiệt độ, người bệnh có thể dùng đến liều tối đa 15 mg/kg cân nặng. Khoảng cách giữa hai liều này bắt buộc phải là 8 giờ.

Với trẻ em: Cũng tính liều như người lớn, 10-15 mg/kg cân nặng. Thuốc của trẻ thường là loại bột pha với nước, đóng gói 80 mg, 150 mg, 250 mg. Phụ huynh tính cân nặng của trẻ rồi pha thuốc với khoảng 30 ml nước ấm cho trẻ uống.

Nếu trẻ không thể uống được, có thể dùng viên thuốc đặt hậu môn. Mỗi lần dùng thuốc cho trẻ cũng phải cách nhau tối thiểu 5-6 giờ. Lưu ý, chỉ đặt hậu môn khi trẻ không thể uống được, bị nôn trớ... vì đặt hậu môn nhiều có thể gây rối loạn bài tiết phân. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Khi trẻ sốt dưới 38,5 độ C, phụ huynh chỉ chườm, lau cơ thể bé bằng khăn ấm, không dùng thuốc hạ sốt.

Ngoài thuốc, khi bị sốt, người bệnh nên uống bù nước, bổ sung vitamin 3B, C, kẽm... ăn uống đủ chất, nhiều rau củ quả; nghỉ ngơi điều độ, tập luyện nhẹ nhàng, hạn chế vận động quá sức...

Không được dùng thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol trong các trường hợp như tiền sử dị ứng với paracetamol; bệnh lý cấp tính về gan, ví dụ ung thư gan, viêm gan virus đang giai đoạn cấp tính, đang điều trị tổn thương gan cấp tính do mọi nguyên nhân... Bệnh nhân có bệnh lý về gan nhưng không trong giai đoạn cấp tính, phải giảm liều và giảm cả thời gian dùng thuốc.

Tình huống chống chỉ định với paracetamol, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc khác thay thế, như ibuprofen 400 mg, aspirin 100 mg hay nhóm thuốc giảm đau non steroids... Mặc dù vậy, bác sĩ Dũng nhấn mạnh, các loại thuốc này đều có nhiều tác dụng phụ, hoặc có thể hạ sốt nhưng hiệu quả không cao, chỉ sử dụng khi không còn cách nào khác. Do đó, với bất cứ loại thuốc nào, người bệnh luôn cần tham khảo ý kiến trực tiếp từ bác sĩ trước khi sử dụng.

"Nhiễm Covid-19 đa số sẽ ổn, vì 80% thể nhẹ và không có triệu chứng, nhưng quá liều thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol hoặc các thuốc khác do không tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ thì nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều lần", bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Thư Anh

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Covid   Covid-19   HCM   thuốc giảm đau   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...