07/02/2022 20:58  
Năm 2022, báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt mức 6,6%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia… Ngân hàng Standard Chartered cũng kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7% vào năm tới.

Trải qua một năm đầy khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với những nghị quyết kịp thời, đúng đắn của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và toàn thể người dân, kinh tế nước nhà đang dần khởi sắc.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tính chung năm 2021, tổng GDP tăng 2,58%. Đa phần trang báo của Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh... đều nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì được đà tăng trưởng dương ổn định trong năm 2020 và 2021 - hai năm đại dịch bùng phát.

Tính đến ngày 20/12/2021, Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã có 31,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 9,2% so với năm 2020. Báo cáo "Đầu tư thế giới năm 2021" của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất trên thế giới. Kết quả tích cực như thế cho thấy, dù trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có niềm tin vững chắc vào nền kinh tế Việt Nam. 

Tờ KBS của Hàn Quốc cũng cho biết, cuối tháng 12 vừa qua, hãng điện tử Samsung đã quyết định đầu tư 850 triệu USD vào nhà máy sản xuất tại Việt Nam để xây dựng thiết bị sản xuất mạng lưới bóng chip lật (Flip-chip Ball Grid Array) của chip bán dẫn. Samsung lên kế hoạch triển khai vốn đầu tư theo từng giai đoạn từ nay cho đến năm 2023. Trong đó, nhà máy tại Việt Nam là cơ sở sản xuất chính, còn hai nhà máy sản xuất tại thành phố Suwon (tỉnh Gyeonggi) và thành phố Busan ở Hàn Quốc sẽ tập trung chuyên sâu vào phát triển công nghệ.  

Triển vọng từ các hiệp định thương mại tự do

Không chỉ các nhà đầu tư ở khu vực châu Á, theo thông tin từ truyền thông Úc, Việt Nam cũng là nơi có sự hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp nước này. Bởi hai nước đã chia sẻ ba hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có Hiệp định FTA thế hệ mới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ba hiệp định này cùng 12 hiệp định khác mà nước ta tham gia ký kết sẽ mở ra cơ hội thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Theo phân tích của chuyên trang Vietnam Briefing của Tập đoàn Dezan Shira & Associates, Việt Nam đã và đang xem việc tham gia các FTA như một công cụ để đảm bảo tăng cường sức mạnh kinh tế và an ninh tài chính. Do đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển từ xuất khẩu các sản phẩm sản xuất công nghệ thấp và hàng hóa sơ cấp sang các mặt hàng công nghệ cao phức tạp hơn như điện tử, máy móc, phương tiện va thiết bị y tế. 

Từ ngày 1/1/2022, Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực. RCEP sẽ giảm thuế quan và đặt ra các quy tắc thương mại mới, giúp liên kết chuỗi cung ứng trong bối cảnh các chính phủ phải đối mặt với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiệp định này dự kiến sẽ bao gồm tất cả khía cạnh kinh doanh như thương mại, dịch vụ, thương mại điện tử, viễn thông... 

Khi Việt Nam trở thành nhà sản xuất công nghệ cao, RCEP có thể giúp các doanh nghiệp trong nước tăng cường xuất khẩu, thu hút thêm nhiều hàng hóa chất lượng cao cho người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ RCEP khi có các mặt hàng thế mạnh như nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu của hầu hết thành viên ký kết hiệp định. Tất cả đang mở ra một triển vọng bứt phá cho năm 2022.

Hướng đến một năm khởi sắc và bứt phá

Nhìn về năm 2022, các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty CP Chứng khoán VNDirect cùng các chuyên gia và nhiều nhà đầu tư trên thế giới đều lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bởi nước ta đang có những động lực thúc đẩy GDP phục hồi mạnh mẽ như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút FDI, các chính sách kịp thời hiệu quả của Chính phủ...

Cuối tháng 12/2021, WB và Chính phủ Việt Nam đã ký một hiệp định tín dụng trị giá 221,5 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế, thúc đẩy chính sách thương mại xanh, chính phủ điện tử và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. 

Những thách thức, khó khăn tồn động trong năm 2021 vẫn còn đó với cả nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Một số vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt trong năm vừa qua có thể sẽ tiếp diễn vào năm 2022. Tuy nhiên, chính sự phát triển có mục tiêu và tập trung hơn vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho sự tăng trưởng, đặc biệt là trong các lĩnh vực giúp thúc đẩy điểm mấu chốt của sự ổn định kinh tế và sinh kế của người dân.

Chuyên trang Vietnam Briefing nhận định, nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào năm 2022. Với các chính sách thân thiện nhà đầu tư, sự ổn định kinh tế và chính trị tương đối, chi phí hiệu quả và triển vọng nhu cầu tiêu dùng, Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng ở châu Á. Từ đó, có thể thu hút một loạt nhà đầu tư mới. Trong năm 2022, Việt Nam vẫn là một ứng cử viên sáng giá cho các nhà đầu tư từ ASEAN và nhiều nước trên thế giới.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Ngân hàng   Nhật Bản   Tập đoàn   Tổng cục   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...