10/11/2021 0:25  
Chỉ vài tiếng sau khi mỉm cười qua màn hình điện thoại với con cháu, ba tôi ra khỏi nhà và rồi trở về trong chiếc hũ sành lạnh lẽo màu xanh lá mạ.

Hôm đó, 14/9/2021, số ca tử vong vì Covid tại Sài Gòn lần đầu tiên giảm sâu xuống dưới 150 trong vòng 24 giờ, là chỉ dấu tích cực cho thấy thành phố sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường. Trong bệnh viện ở Thủ Đức, ba tôi ra đi vì Covid, không người thân và cũng không một nghi thức, dù tối giản, để tiễn đưa.

Tôi không thể quên được cái đêm ba và anh trai tôi phải vào viện cấp cứu. Cả nhà đều nhiễm Covid-19, trừ mẹ tôi. Cố sức siết mãi, chiếc điện thoại trên tay tôi mới không rơi xuống theo nhịp tim trong lồng ngực. Từng giây, tôi và người nhà chờ chuyến xe cấp cứu thiện nguyện mãi mới có thể đến được vì phải "thông chốt".

Cả nhà năm người cần thuốc men và dinh dưỡng đầy đủ cũng như bảo vệ an toàn cho mẹ tôi, nhưng không thể mua đủ. Từ châu Âu, tôi phải giữ liên lạc liên tục với những người thân quen tại Việt Nam để cầu cứu. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mọi chuyện hoàn toàn vượt ngoài khả năng của mình và chỉ trông chờ vào sự thương yêu của những tấm lòng mà không tiền nào có thể trả ơn nổi.

Ba tuần ba tôi nằm ở Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Thủ Đức là ba tuần tôi luôn phải để ý điện thoại gần như từng phút giây. Điện thoại của tôi bật chế độ roaming quốc tế 24 giờ để không bỏ lỡ cuộc gọi nào từ Việt Nam. Những giấc ngủ ngắn, chập chờn, đầy lo sợ.

Hai tuần sau ngày ba tôi ra đi, đêm nào tôi cũng giật mình thức giấc và luôn vơ vội lấy điện thoại trong cơn mê ngủ. Đã hơn hai tháng trôi qua từ ngày gia đình tôi nhiễm Covid-19, tâm trạng tôi rất kém, sinh hoạt chưa thể quay về như trước.

Dù đã rời khỏi bệnh viện, mỗi khi đêm xuống, anh trai tôi, người nhập viện cùng lúc với ba tôi, vẫn thấy văng vẳng bên tai những tiếng "bíp" của máy theo dõi trong phòng cấp cứu. Ở nơi mà nhất cử nhất động của bệnh nhân có thể tiêu hao oxy ghê gớm, người bệnh được yêu cầu ở yên trên giường với bỉm tã đóng chặt. Anh tôi vẫn toát mồ hôi mỗi khi có điều gì gợi nhớ đến việc đóng bỉm tã, oxy và những tiếng "bíp" ở nơi đi hai chỉ về được một.

Đây chỉ là câu chuyện của gia đình tôi. Gần 900 nghìn ca bệnh cũng như thân nhân của khoảng 22.500 người tử vong vì Covid-19 tại nước ta có lẽ cũng chưa nguôi ngoai di chứng hậu nhiễm Covid.

Chỉ riêng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Thủ Đức, cuộc khảo sát của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia trị liệu tâm lý từ Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM công bố, 20% bệnh nhân bị trầm cảm, 53% bị rối loạn âu lo. Quá trình chăm sóc sức khỏe tinh thần phía trước cho những bệnh nhân may mắn khỏi bệnh cũng như những người bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp sẽ còn khó khăn gấp bội.

Thế nên, tại Quốc hội hôm qua, khi đại biểu Nguyễn Anh Trí - một bác sĩ, đề nghị ngày quốc tang cho các nạn nhân Covid-19, tôi như được chạm vào trái tim. Với tôi, nghi thức này không chỉ vì người đã ra đi mà vì những người đang tiếp tục sống.

Là một người bị tổn thương bởi đại dịch, tôi tin những gia đình của các nạn nhân khác phần nào được an ủi vì người thân của họ cuối cùng cũng có được một nghi thức tang lễ, dù chỉ là nghi thức chung.

Việc chọn một ngày quốc tang cho thấy sự nhân văn của chính quyền, sự thừa nhận những mất mát không ai muốn, cũng là tiếng chuông gõ mạnh vào sự cảnh giác của mỗi người trước mối đe dọa dịch bệnh. Hôm nay, cuộc sống của chúng ta phần nào hồi phục, ngày lễ chung để nhắc rằng: bình thường mới không phải là bình thường, mà cần ý thức cao độ để bảo vệ sự sống.

Điều quan trọng nhất của ngày quốc tang cho đồng bào chính là siết chặt mối đồng cảm toàn dân, xoa dịu lẫn nhau bằng sự chia sẻ, là dịp để mỗi người cảm thấy trân quý những người xung quanh và vì mình được sống, thấu cảm với mất mát chung của con dân nước Việt.

Đó cũng có thể là dịp để mỗi cơ quan chức năng nỗ lực hơn trong hành động của mình, từ bỏ hoàn toàn tư duy ngăn sông cấm chợ dưới mọi hình thức, hợp pháp hóa các giấy tờ quá hạn trong thời gian dịch bệnh thêm ba đến sáu tháng, thực hiện tiêm chủng cho dân khoa học và chu đáo hơn. Đó là những việc trong tầm tay mỗi người điều hành ở mọi cấp nhưng lại thể hiện đạo lý khi "nhà có chuyện".

Đó là ngày để mỗi người chúng ta có thể chỉ dạy cho thế hệ sau về văn hóa và tinh thần dân tộc. Chúng ta có thể chọn quốc tang là ngày diễn ra đỉnh dịch lần thứ tư, đặt tên là Ngày Đồng bào, bổ sung vào danh sách các ngày lễ trong năm.

Những gia đình như chúng tôi đều hiểu, cả nước, từ hệ thống y tế cho đến các lực lượng hỗ trợ, đã gồng mình để điều trị cho nhiều nhất số ca bệnh Covid. Đó là điều đáng ghi nhận. Dẫu vậy, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 vượt qua lưỡi hái tử thần mới chỉ là bước đầu của toàn bộ quá trình điều trị căn bệnh.

Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, xã hội phải tiếp tục vận động và mỗi con người cần khỏe mạnh để tiếp tục đóng góp vào sự vận động đó. Điều trị Covid không chỉ duy trì sự sống cho bệnh nhân mà còn giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống hàng ngày một cách khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều trị Covid không chỉ là giúp những người không may mắn bị nhiễm virus mà bao gồm cả sự chăm sóc tâm lý cho người thân của họ bị ảnh hưởng bởi di chứng Covid một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Tôi vẫn phải gặp bác sĩ tâm lý vì chưa thể vượt qua cú sốc với cha mình. Tôi mong các đường dây tư vấn online về sức khỏe tinh thần cho người nhà và người nhiễm Covid-19 được mở ra trên khắp Việt Nam và miễn phí, để hàng nghìn người như tôi tìm được một địa chỉ khi cảm thấy khó khăn quay về với bình thường. Tôi cũng tin có nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý tình nguyện tham gia mạng lưới tư vấn cộng đồng này.

Kênh "điều trị" từ xa cho những người bị sang chấn tâm lý trong đại dịch là hành động cụ thể, trong tầm tay nhà nước. Một việc có thể làm ngay, giúp xoa dịu tổn thương tinh thần cho không ít người dân lúc này.

Võ Nhật Vinh

Nguồn tin: vnexpress.net


Bệnh viện   Covid   Covid-19   Cuộc sống   HCM   Việt Nam   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...