24/11/2021 13:25  
Indonesia, Nhật và Ấn Độ từng hứng chịu sóng Covid-19 tồi tệ, nhưng các ca nhiễm gần đây giảm thẳng đứng, có thể do miễn dịch cộng đồng hoặc virus "tự hủy".

Indonesia hôm qua báo cáo 394 ca nhiễm mới và 9 ca tử vong. Trong tháng 11, nước này chỉ ghi nhận trung bình 360 ca nCoV mỗi ngày, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm, khi Indonesia báo cáo gần 57.000 ca vào ngày 15/7.

Nước này hiện ghi nhận hơn 4,25 triệu ca nhiễm và gần 144.000 ca tử vong, nhưng ca nhiễm mới đã duy trì đà giảm liên tục trong 4 tháng qua. Xu hướng này trái ngược với tình hình dịch ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, khiến nhiều chuyên gia dịch tễ bối rối.

Indonesia không phải là nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới. Theo Bộ Y tế Indonesia, nước này đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho hơn 135,4 triệu người, chiếm khoảng 50% dân số, trong đó hơn 90 triệu người tiêm đủ hai mũi.

Quốc gia đông dân thứ tư thế giới tụt hậu so với các nước láng giềng Đông Nam Á trong nỗ lực tiêm chủng, dù là một trong những quốc gia bắt đầu sớm nhất. Chính phủ đã phải vật lộn để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu tiêm khoảng 2 triệu liều mỗi ngày do các vấn đề về nhân lực và hậu cần.

Citra Indriani, nhà dịch tễ học tại Đại học Gadjah Mada (UGM), nêu ra một giả thuyết để giải thích cho xu hướng này, đó là đa số dân số Indonesia đã từng nhiễm biến chủng Delta, giúp tạo miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên.

"Hơn 50% ca Covid-19 hiện nay không có triệu chứng, có thể 80% dân số (tương đương 216 triệu người) của chúng tôi đã từng nhiễm virus", Citra nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo ngay cả khi đa số người dân đã có kháng thể tự nhiên, Indonesia vẫn có thể hứng chịu sóng Covid-19 thứ ba. Theo ông, nếu Indonesia bị một chủng hoặc biến thể Covid-19 mới tấn công, rất có thể ca nhiễm sẽ tăng đột biến bởi kháng thể người dân hiện có không hiệu quả trước một số biến chủng virus nhất định.

Chính vì thế, chính phủ Indonesia vẫn luôn duy trì cảnh giác. Giới chức chuẩn bị thực hiện một loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn dịch bệnh lây lan vào cuối năm, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội.

Bộ trưởng Điều phối Văn hóa và Phát triển Con người Muhadjir Effendy hôm 17/11 cho biết các hạn chế cấp độ ba sẽ được áp dụng trên toàn quốc nhằm kiểm soát đi lại của người dân. Những hoạt động gắn liền với lễ hội Năm mới, như bắn pháo hoa, diễu hành hay các sự kiện thu hút đám đông lớn, sẽ bị cấm hoàn toàn, ông nhấn mạnh.

Chính phủ cũng yêu cầu các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng và siêu thị chỉ hoạt động với 50% công suất, trong khi công viên và cơ sở công cộng, cũng như các địa điểm thu hút đông dân cư khác, được yêu cầu đóng cửa.

Ấn Độ, tâm dịch "nóng" nhất của châu Á hồi tháng 4-5, ngày 23/11 báo cáo 7.579 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong một năm rưỡi qua, bất chấp các lễ hội lớn diễn ra những tuần gần đây.

Đất nước 1,35 tỷ dân này vừa mừng lễ Durga Puja hồi tháng 10 và mới đây là lễ Diwali, hay còn gọi là lễ hội ánh sáng, trong đó hàng triệu người dân đổ tới các khu chợ để mua sắm, đi du lịch hay gặp gỡ gia đình, hầu hết không đeo khẩu trang. Khẩu trang gần như không tồn tại bên ngoài các thành phố lớn.

"Ngay cả sau lễ hội Diwali, chúng tôi cũng không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu gia tăng ca nhiễm nào", M.D. Gupte, cựu giám đốc Viện Dịch tễ Quốc gia Ấn Độ, cho hay. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn người dân Ấn Độ đã có kháng thể thông qua lây nhiễm tự nhiên.

"Tôi nghĩ bây giờ chúng tôi đã an toàn hơn nhiều", ông cho hay. Các cuộc điều tra của chính phủ ước tính gần 70% người dân Ấn Độ đã nhiễm virus theo con đường tự nhiên hồi tháng 7, sau đợt gia tăng kỷ lục số ca nhiễm và tử vong hồi tháng 4 và tháng 5.

Đến nay, 81% trong 944 triệu người trưởng thành của Ấn Độ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và 43% đã tiêm đủ hai liều. Chương trình tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi vẫn chưa được triển khai.

Nhật Bản, quốc gia từng đứng trên bờ vực Covid-19 hồi tháng 7, giờ đây cũng chứng kiến đà giảm số ca nhiễm ấn tượng, đến nỗi các chuyên gia hồi tháng 10 còn "không thể hiểu nổi" nguyên nhân.

Sau Olympic Tokyo, số ca nhiễm nCoV tại Nhật Bản vẫn cao chóng mặt, đẩy hệ thống y tế đến nguy cơ sụp đổ. Cuối tháng 8, số bệnh nhân theo ngày thường chạm ngưỡng hơn 26.000, buộc chính phủ phải áp đặt một số biện pháp hạn chế để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Song những tuần gần đây, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản giảm xuống dưới 200. Ngày 7/11, lần đầu tiên trong 15 tháng, nước này không ghi nhận ca tử vong nào.

Hôm 22/11, Nhật Bản ghi nhận 50 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong năm 2021 và là lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm ngoái.

Giới chuyên gia lần này đặt giả thuyết virus có thể đã "tự hủy".

Theo các chuyên gia tại Viện Di truyền Quốc gia, biến thể Delta ở Nhật Bản dễ lây lan, song khi đột biến chồng chất lên nhau, virus cuối cùng bị lỗi, không thể tự sao chép. Đối chiếu thực tế rằng số ca nhiễm nước này không tăng, các nhà khoa học phỏng đoán nCoV đã "tuyệt chủng tự nhiên" sau một thời gian đột biến.

"Chúng tôi thực sự bị sốc khi phát hiện ra điều này", Ituro Inoue, giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, cho hay.

Mặt khác, ngoài những yếu tố như đeo khẩu trang và giãn cách, vốn đã trở thành thói quen ăn sâu trong xã hội Nhật Bản, nhiều học giả nhận định thành tựu tiêm chủng là một trong những nguyên nhân giúp ca nhiễm tại Nhật giảm thẳng đứng.

Không chỉ vượt qua thời kỳ hỗn loạn ban đầu trong chiến dịch tiêm chủng, Nhật giờ đây còn đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao hàng đầu thế giới, với khoảng 76% dân số đã được tiêm đầy đủ.

Khác với Mỹ và châu Âu, chương trình tiêm chủng tại Nhật không chịu ảnh hưởng từ chính trị. "Ở đây không có tình trạng chính trị hóa. Tiêm chủng không bị liên hệ với quyền tự do cá nhân. Công chúng không quan tâm đến bất kỳ thuyết âm mưu nào", giáo sư Kenji Shibuya, chuyên gia cấp cao tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo, lưu ý.

Vũ Hoàng (Theo Japan Times, Reuters, Bloomberg, Straits Times)

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Khẩu trang   Nhật Bản   Reuters   Xu hướng   chuyên gia   du lịch   thói quen   trung tâm thương mại  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...