20/11/2021 7:10  
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lễ tri ân thầy cô trong ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức chủ yếu qua hình thức trực tuyến ở nhiều tỉnh thành.

Ngày Nhà giáo Việt Nam "chưa từng có"

Gắn bó với nghề giáo đã gần 15 năm, cô Nguyễn Thị Phúc - giáo viên mầm non tại K'Bang, Gia Lai tỏ ra vô cùng phấn khởi bởi chẳng còn mấy ngày nữa, cô và đồng nghiệp sẽ được đón chào cái tết của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, theo cô Phúc, so với những năm trước, ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay sẽ đặc biệt hơn bởi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tại địa phương có diễn biến phức tạp.

"Ngay từ đầu tháng 11, các ban ngành đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện ngày 20/11 với phương châm an toàn, đảm bảo thực hiện nghiêm phòng chống dịch bệnh. 

Do đó, dựa theo điều kiện thực tế của địa phương vừa chịu ảnh hưởng của dịch, đồng thời mưa lớn kéo dài; đơn vị, hiệu trưởng nhà trường đã phối hợp với công đoàn cơ sở lựa chọn tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam theo hình thức trực tuyến để thầy cô tham gia và cùng ôn lại truyền thống, động viên, chia sẻ và giao lưu".

Giáo viên này cho hay, do tổ chức online nên các hoạt động trong ngày kỷ niệm như: văn nghệ chào mừng, trao thưởng giáo viên… cũng sẽ cắt giảm. Đây là điều đáng tiếc cho cả học sinh lẫn thầy cô.

Tại Hà Nội, nhiều trường cũng tổ chức lễ tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giảng dạy môn Ngữ Văn tại THPT Thường Tín, thầy Trần Văn Vinh chia sẻ, năm nay nhà trường dự định tổ chức kỷ niệm ngày hiến chương nhà giáo qua phần mềm Zoom. Theo đó, chỉ một số ít thầy cô bao gồm ban giám hiệu, giáo viên được tuyên dương có mặt trực tiếp. Học sinh cùng các giáo viên còn lại sẽ "ai ở nhà nấy" và theo dõi lễ kỷ niệm qua màn hình.

"Nhìn chung năm nay, lễ tri ân nhà giáo sẽ được tổ chức một cách giản tiện, không còn chuyên mục văn nghệ hay nội dung các bài phát biểu cũng được rút ngắn. Mấy hôm trước, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày 20/11 chung như hôm khai giảng".

Mặc dù học sinh đến trường học trực tiếp ngay từ đầu năm học mới, song theo nhà giáo Khổng Hà (giáo viên Ngữ Văn trường THCS Hòa Bình, Hải Phòng), mới đây, dịch bệnh tại địa phương diễn biến căng thẳng trở lại; do đó, thay vì tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam quy mô như mọi năm, nhà trường "chuyển hướng" bằng việc phát động cuộc thi báo tường, tập san giữa các khối, lớp.

"Mặc dù có chút nuối tiếc, nhưng với tôi, đây là kế hoạch phù hợp, vừa mang tinh thần của ngày 20/11, đồng thời đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò trong bối cảnh hiện tại. Để hưởng ứng hoạt động mà nhà trường đề ra, nhiều ngày trở lại đây, tôi cùng học sinh lên ý tưởng và bắt tay vào hoàn thành những tập san, tờ báo tường.

Các em tự tay vẽ hình trang vở, hay bông hoa, và ghi vào trang báo tường lời tâm sự để gửi tới các thầy cô giáo. Tôi không quá quan trọng vào giải thưởng. Điều tôi hy vọng là thông qua hoạt động này, các em sẽ có cơ hội để bày tỏ tình cảm với giáo viên" - cô Hà bày tỏ. 

Chia sẻ về kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy Nguyễn Thế Thắng - Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, do dịch Covid và nhà trường đang trong quá trình sửa chữa, xây dựng; nên lễ tri ân năm nay được tổ chức hết sức đơn giản, thận trọng và phù hợp.

Theo đó, buổi lễ chào mừng ngày 20/11 tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ diễn ra trực tiếp nhưng với quy mô nhỏ, chỉ có đại diện các lớp và thầy cô tham dự, không tổ chức đón tiếp đại biểu, cựu giáo chức và cựu học sinh như những năm vừa qua.

Sức khỏe, bình an… là món quà tri ân quý nhất

Thầy Nguyễn Thế Thắng cho hay, việc không thể tổ chức ngày lễ kỷ niệm 20/11 theo quy mô trang trọng và đón tiếp các đại biểu như mọi năm là điều đáng tiếc, đặc biệt đối với cựu học sinh - những học trò năm nào nay đã trưởng thành, luôn mong muốn trở lại trường xưa, gặp gỡ gương mặt thầy cô mà họ đã hết lòng tôn trọng. 

"Khi tôi đăng tin thông báo ngày 20/11 năm nay nhà trường không tổ chức đón cựu học sinh do dịch bệnh, nhiều học trò đã ra trường nhắn với tôi là buồn và tiếc.

Tuy nhiên, theo tôi, các em có thể bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn với thầy cô thông qua Zalo, Facebook, hay gửi lời tri ân và thiệp trực tuyến… Trực tiếp hay trực tuyến không quan trọng, quan trọng là tấm lòng và thái độ biết ơn của trò tới thầy cô" - thầy Thắng nhắn nhủ.

Công tác tại một trường cấp 2 ở Hà Nội, cô Trần Minh Thùy cho hay, dịp 20/11 năm nay trở nên thật đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, việc tổ chức phải chuyển sang hình thức trực tuyến, cô trò gặp gỡ nhau qua màn hình máy tính, điện thoại…

"Tôi có chút tiếc nuối khi ngày tri ân Nhà giáo năm nay sẽ không được gặp trực tiếp đồng nghiệp, không được nghe các tiết mục văn nghệ vinh danh, hay những bông hoa tươi thắm và cái ôm nồng ấm từ học trò. 

Mấy ngày gần đây, câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất khi tham gia dạy trực tuyến là "cô ơi, năm nay 20/11 không tổ chức ở trường đúng không ạ?". Tôi đáp lời của các em mà lòng buồn man mác. Chưa bao giờ, tôi lại "thèm" cảm giác được xúng xính áo dài, gặp gỡ đồng nghiệp, học sinh trong ngày 20/11 như hiện tại". 

Tuy nhiên, cô Thùy cho rằng, trong bối cảnh cả nước phải gồng mình chống dịch, nhưng các đơn vị, nhà trường, phụ huynh, học sinh… vẫn quan tâm, tìm hướng tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam sao cho phù hợp là điều vô cùng đáng quý. 

"Điều này đã giúp tôi cũng như đồng nghiệp củng cố niềm tin, rằng "tôn sư trọng đạo" vẫn luôn là truyền thống đạo lý đậm giá trị nhân văn, không bao giờ mất đi hay bị quên lãng. 

Dịp 20/11 năm nay, chẳng phải hoa hay các vật phẩm đắt đỏ; tôi nghĩ rằng dù chỉ một câu chúc qua tin nhắn, email… hay một cuộc gọi điện thoại ngắn, cũng được xem là món quà quý nhất dành tặng cho đội ngũ nhà giáo".

Việc không thể tổ chức lễ tri ân Ngày giáo Việt Nam theo hình thức trực tiếp khiến thầy giáo Trần Văn Vinh cũng không khỏi tiếc nuối. Tuy nhiên, giáo viên này cho hay, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, thì hình thức tổ chức này vừa tiết kiệm, đồng thời đảm bảo an toàn, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 mà chính phủ đề ra.

"Chưa kể, thời buổi dịch bệnh, xã hội còn biết bao hoàn cảnh khốn cùng. Bản thân là giáo viên, được xã hội, nhà trường quan tâm như hiện tại, tôi thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn biết bao người".

Theo thầy Vinh, trong bối cảnh dịch bệnh, thầy trò không thể cùng nhau gặp gỡ, học trò các thế hệ có thể gửi những lời chúc chân thành qua tin nhắn, bưu thiếp trực tuyến hay những lá thư điện tử tới thầy cô. Một video nhỏ về trường lớp, thầy cô với biết bao kỷ niệm thiêng liêng… cũng được coi là món quà tri ân ngày 20/11 vô cùng ý nghĩa. 

"Nhưng tôi nghĩ rằng, món quà mà thầy cô mong mỏi nhất trong ngày 20/11 chính là sự bình an, khỏe mạnh cùng tinh thần thái độ cầu tiến, chăm chỉ trong học tập của các em học sinh. Món quà này không cầu kỳ, cũng chẳng đắt đỏ, nhưng nó lại cần sự cố gắng và nỗ lực vươn lên không ngừng".

Mỗi trò một cách tri ân

Học sinh Trần Ngọc Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, gần 12 năm đèn sách, năm học 2021-2022 được coi là vô cùng đặc biệt khi cả lễ khai giảng, và hiện tại là lễ kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

"Hơn nửa năm, cô trò chúng em chỉ được nhìn nhau qua màn hình máy tính. Năm cuối mà không thể trực tiếp tham dự những dịp lễ trọng đại, em và các bạn cũng rất buồn. Tuy nhiên, đây là hoàn cảnh chung, không ai có thể thay đổi.

Hai tuần trở lại đây, lớp em luôn cố gắng phát biểu, giành nhiều điểm tốt. Chúng em coi đó là một cách để tri ân thầy cô khi không thể gặp gỡ và bày tỏ với giáo viên một cách trực tiếp.

Lớp em còn dự định khi vào đúng ngày 20/11, cả lớp sẽ chuẩn bị một hình nền thật đẹp, các thành viên đặt đồng loạt và mở một phòng Zoom, tri ân cô chủ nhiệm qua màn hình máy tính. Có thể không lớn lao, nhưng chúng em hy vọng cô sẽ cảm thấy hạnh phúc" - Linh giãi bày.

Khẳng định 20/11 năm nay là ngày lễ Nhà giáo Việt Nam chưa từng có tiền lệ, song sinh viên Nguyễn Thanh Trúc (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ, tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng không vì thế mà mỗi người quên đi ý nghĩa và giá trị của ngày lễ quan trọng này.

Nữ sinh tâm sự, 20/11 là dịp để mỗi người thể hiện lòng biết ơn, sự tôn vinh tới những người thầy, người cô đã dạy dỗ nhiều thế hệ nên người. Nếu trước kia, tình cảm này được bày tỏ một cách trực tiếp, thì nay, trong bối cảnh dịch bệnh, không thể gặp gỡ, tinh thần "tôn sư trọng đạo" vẫn có thể được kế thừa và phát huy thông qua những tin nhắn chúc mừng, cuộc điện hỏi thăm hay những món quà… chuyển phát nhanh. 

"Ngày 20/11 năm nay, em sẽ không có cơ hội được lên văn phòng khoa để gặp gỡ trực tiếp, tặng hoa thầy cô trong trường; cũng như không thể trở về tri ân giáo viên ở trường cũ.

Do đó, dự định vào ngày Nhà giáo Việt Nam, em sẽ gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới từng người thầy, người cô thân yêu qua Zalo. Và đặc biệt, em sẽ làm một video, ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời để gửi tặng một cô giáo "đặc biệt" - người không chỉ dạy dỗ khi em còn là học sinh, mà họ còn là người đồng hành, định hướng em trong những năm tháng cuộc đời về sau.

Em nghĩ, món quà tri ân thầy cô ý nghĩa nhất chính là tấm lòng của học trò, và một trái tim chưa bao giờ quên đi công ơn người đã dạy dỗ mình trưởng thành như hôm nay".

Kiều Phương

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Hà Nội   Việt Nam   chuyển phát nhanh   căng thẳng   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...