17/12/2021 13:10  
Người lao động mất việc do đại dịch Covid-19 làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp đồng thời được nhận tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 116 của Chính phủ.

Tại tọa đàm "Nguồn động viên kịp thời giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" do báo điện tử Dân trí tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, chính sách đã chia sẻ nhiều câu hỏi, thắc mắc của người dân xung quanh các hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động mất việc vì đại dịch.

Một bạn đọc ở Hà Giang kể về hoàn cảnh, sau 2 năm làm ở khu công nghiệp tại Bình Dương, dịch bùng phát bị thất nghiệp và phải về quê. Được biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước, anh này làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên băn khoăn của anh là không biết anh vừa làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, liệu có được hưởng tiền hỗ trợ người lao động từ Nghị quyết 116 của Chính phủ hay không?

Giải đáp vấn đề này, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nói, người đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì có quyền được hưởng gói hỗ trợ thuộc Nghị quyết 116 của Chính phủ. Tuy nhiên có 1 số lưu ý, người lao động phải đang nộp bảo hiểm thất nghiệp, đến thời điểm 30/9/2021.

Thứ 2 là người lao động có thể dừng hợp đồng lao động từ 1/1/2020 đến 30/9/2021, trong bối cảnh này Việt Nam bị ảnh hưởng của Covid-19, đã được hưởng rồi nhưng họ vẫn có thời gian bảo lưu để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lúc này người lao động vẫn được hưởng chính sách từ gói hỗ trợ 116.

Ngoài vấn đề hỗ trợ trực tiếp tiền mặt để người lao động vượt dịch, ổn định cuộc sống, hiện chính sách của Nhà nước đặt ra ưu tiên đào tạo nghề cho lao động theo hướng nâng cao hoặc đào tạo lại.

Theo ông Thành, việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp và nhận trợ cấp từ chính sách Nghị quyết 116 là hai vấn đề khác nhau. Hưởng bảo hiểm thất nghiệp là quyền được hưởng bảo hiểm khi người lao động tham gia bảo hiểm, bị thất nghiệp. Chính sách hưởng hỗ trợ do dịch Covid-19 từ Nghị quyết 116 của Chính phủ kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, người đóng bảo hiểm thất nghiệp đều được hưởng theo cơ chế có đóng có hưởng, theo thời gian tham gia.

Về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo lại nghề, TS Phạm Xuân Khánh, Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội thông tin, hiện đã có hơn 30.000 người lao động được nhận khoản tiền này.

"Đối với trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội, trong những năm qua chúng tôi còn hỗ trợ, bố trí việc làm. Đối với người có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi hỗ trợ học phí, ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp, vừa học có lương lại miễn học phí, ra trường có việc làm. Trên 85% các em có việc làm ngay sau khi ra trường. Dịch xảy ra, chúng tôi có 95% học viên ra trường có việc làm. Đối với người thất nghiệp do Covid-19, chúng tôi có nhiều ưu tiên, khuyến khích, ra trường 100% người học ra trường có việc làm", ông Khánh nói.

Liên quan vấn đề này, ông Vũ Quang Thành cho biết, thực tế rất nhiều lao động được động viên, hỗ trợ sau một thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi lâm vào cảnh thất nghiệp, trong đó có hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp.

Tuy nhiên, một số nghề đào tạo cho nhóm lao động hưởng bảo hiểm không còn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, nên người mất việc không mặn mà lựa chọn.

Ông Thành nhấn mạnh, hiện nay các ngành nghề như cơ khí, điện tử, chế tạo máy, các ngành nghề về chăm sóc sức khỏe, dịch vụ ăn uống vẫn có tỷ suất công việc và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, lựa chọn ngành nghề nào để có công việc ổn định hay thu nhập cao tùy thuộc vào sở thích và năng lực của mỗi người.

An Linh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cao đẳng   Chính phủ   Covid   Covid-19   Công nghệ   Hà Nội   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...