17/12/2021 15:10  
"Dọc cái dòng sông ấy, em hỏi đều anh cấp dầu hết", lời khẳng định chắc nịch của người được cho là "ông trùm" đứng sau cấp dầu cho những con tàu không số.

Lộ diện "ông trùm" cấp dầu toàn tuyến sông

Qua điều tra từ các cơ sở cung cấp dầu lậu trên sông, nhóm phóng viên liên tục được nghe nhắc tới một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đứng sau cung cấp dầu cho hàng chục tàu không số và tàu dầu cố định. Tuy nhiên, mọi hoạt động mua bán xăng dầu của công ty này đều do một tay "ông trùm" điều khiển.

Để tiếp cận nhân vật mấu chốt của những cuộc mua bán kể trên, nhóm phóng viên tiếp tục theo chân một người bạn trong vai chủ doanh nghiệp vận tải đang có nhu cầu kinh doanh dầu trên sông.

Để tăng độ tin cậy với các đối tượng, chúng tôi đã thuê một chiếc xe Mercedes đời mới tới địa điểm đã hẹn trước với "ông trùm". Nơi hẹn là một quán cà phê, kết hợp với ăn uống rộng hơn 300 m2.

Đỗ xe cách điểm hẹn 20 m, tôi lấy điện thoại và gọi cho "ông trùm" để thông báo đã tới. Ngay khi vừa bước xuống từ chiếc xe cao cấp đời mới, chúng tôi đã được người này niềm nở chạy lại bắt tay. 

Sau cái nắm tay rất chặt, người đứng sau hoạt động kinh doanh xăng dầu dọc tuyến sông Đuống không ngần ngại khoe cơ ngơi mới tậu, sau một thời gian làm xăng dầu.

Đang trong thời gian giãn cách xã hội, nhà hàng cũng tạm thời đóng cửa. Chúng tôi được dẫn tới một phòng trên tầng hai của nhà hàng, khu vực này không có một bóng người. Vừa ngồi xuống, một người đàn ông lạ mặt đã bước đến và ngồi sau "ông trùm". Sau câu chào hỏi, người lạ mặt chỉ ngồi im lặng và quan sát động thái của nhóm phóng viên.

Mở đầu cuộc nói chuyện, "ông trùm" tự giới thiệu là N.Đ.N. Dù chỉ là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty, nhưng N. cho biết, N. nắm quyền quyết mọi hoạt động kinh doanh trong tay.

Giải thích cho tuyên bố này, N. cho biết, giám đốc Công ty có mối quan hệ gia đình và là em rể của N. Bởi vậy, hàng hóa đi và về N. đều có quyền quyết định.

Trước khi trao đổi về giá dầu, N. đã có những câu hỏi để kiểm tra về chúng tôi. Bằng những thông tin đã nắm được trong quá trình điều tra như giá chiết khấu, giá dầu, tên các chủ tàu trong khu vực và người cung cấp số điện thoại, chúng tôi đã nhanh chóng vượt qua bài kiểm tra của "ông trùm".

Sau màn tra xét cần thiết, N. đã xác định được đều là người trong nghề. Vì thế, người này đã thản nhiên công khai những thông tin mật về hoạt động kinh doanh. "Dọc cái dòng sông ấy, em hỏi cơ sở nào đều anh cấp dầu hết", N. nói.

Đối tượng này cũng cho biết, xăng dầu của Công ty lấy từ kho N.V, H.L, P.t. Mỗi lần lấy hàng, N. đều mua 1-2 vạn khối. "Bọn anh là thương nhân phân phối, hết 1-2 vạn bọn anh lại mua lô mới", "ông trùm" cho hay.

Để N. không hoài nghi, tôi đã dẫn dắt rất nhiều câu chuyện bên lề trước khi hỏi về việc mua dầu lậu không hóa đơn. Trong mạch nói chuyện, N. vô tình nhắc tới hóa đơn mua hàng. N. không ngại bật mí, thời điểm này, giá chiết khấu là 1.800 đồng/lít, nếu lấy hóa đơn thì mỗi lít dầu cộng thêm 500 đồng.

"Mức chiết khấu không cố định mà thay đổi theo giá dầu trên thị trường. Trước đợt điều chỉnh giá xăng dầu, chiết khấu lên tới 2.700 đồng/lít có lúc lên tới 3.000 đồng/lít", N. cho hay.

Nếu lấy dầu của N., mức chiết khấu sẽ dao động tùy theo thời điểm. Trường hợp giá dầu thô chuẩn bị lên cao thì chiết khấu sẽ hạ thấp. Giá dầu đang xuống thì chiết khấu lại đẩy lên cao.

Trao đổi về mức chiết khấu xong, "ông trùm" này trực tiếp thừa nhận: "Anh mua xăng dầu 1 lít thì hóa đơn 1 lít, anh không lấy hàng không. Em lấy dầu không lấy hóa đơn thì các đơn vị người ta cần hỗ trợ mảng đó, anh chuyển cái đó sang".

Nguyên do có nhiều nguồn hàng để bán không hóa đơn như vậy theo giải thích của N. là vì Công ty có nhiều cây bán lẻ. Khách mua xăng dầu theo đúng giá có thuế giá trị gia tăng không lấy hóa đơn thì sẽ chuyển sang cho những người mua hóa đơn.

Có thể làm như vậy, bởi Công ty của N. nhập dầu theo lô, nên được chiết khấu cao.

Theo người trong giới, cung cách hoạt động này được diễn giải như sau: Một công ty nhập một lô hàng 2 vạn khối dầu. Sau khi bán một vạn khối cho khách tại các cây bán lẻ. Nếu khách không lấy hóa đơn, đơn vị này có thể lấy số hóa đơn đó hợp thức hóa cho một vạn khối dầu còn lại theo giá đã tính thuế.

Một vạn khối dầu đã được hợp thức hóa có thể bán không hóa đơn với mức chiết khấu thấp hơn chiết khấu theo lô. Khách mua muốn lấy hóa đơn sẽ được bán lại với giá cộng thêm 500 đồng/lít. Như vậy, Công ty như trên có thể ăn lãi cả tiền hóa đơn và tiền thuế dầu đã được hợp thức hóa.

Cụ thể hơn, theo giải thích của một người trong nghề, ví dụ ngày 5/12, Công ty lấy dầu tại kho được chiết khấu 2.500 đồng/lít, bán cho tàu không số với chiết khấu 1.800 đồng/lít không có thuế VAT, thì Công ty sẽ lãi 700 đồng/lít và phần thuế VAT chưa xuất cho tàu không số.

"Bên cạnh đó, công ty này còn có thể bán hóa đơn với giá cộng thêm 500 đồng/lít dầu. Trừ tiền cước vận chuyển 200 đồng/lít, Công ty vẫn lãi thêm 300 đồng/lít dầu. Với lượng hàng 1-2 vạn khối nhập về, số tiền lãi từ hóa đơn lên tới 6 tỷ đồng", người này phân tích.

Hé lộ những mắt xích tiêu thụ dầu không hóa đơn

Để tiêu thụ hết lượng dầu đã được hợp thức hóa, N. cung cấp cho hàng loạt các tàu không số, cây dầu cố định trên sông. Thế nhưng, chính N. cũng thừa nhận trong cuộc nói chuyện rằng, dọc tuyến sông đó chỉ có một cây dầu có phép trực thuộc Công ty của N.

Theo đó, N. nói: "Hình thức hoạt động của các tàu không số, tàu dầu cố định đều dấm dúi. Các tàu dầu đều không được cấp phép, nhưng lại rất dễ hoạt động... dù mỗi năm có 4-5 đoàn kiểm tra...". Người này không ngần ngại chia sẻ các chi phí  để duy trì hoạt động mà không cần tới việc xin cấp phép.

Điểm mặt các cây dầu không phép, N. cho hay, dọc từ cầu Hồ xuống có cây dầu cố định của Q, M, D, T Núi... Ngoài ra, còn rất nhiều tàu không số hoạt động trên khúc sông này.

Kể rõ tên các cây dầu không phép và khẳng định, duy nhất cây xăng của N. được cấp phép, N. hoàn toàn có thể kiện các cây xung quanh để kinh doanh độc quyền.

***

Chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được cấp phép trên sông cho biết: "Chúng tôi mua dầu có hóa đơn sẽ được chiết khấu thấp hơn các đơn vị mua không hóa đơn. Cách đây một tuần, công ty tôi được chiết khấu 2.200 đồng/lít dầu, thì các cơ sở nhập dầu không hóa đơn được chiết khấu 3.000-3.200 đồng/lít".

Thời điểm hiện tại, mức chiết khấu cho các công ty có hóa đơn chỉ 600-700 đồng/lít. Trong khi đó, các đơn vị nhập dầu không hóa đơn sẽ được chiết khấu thêm cả nghìn đồng/lít. Nếu có xe đến tận kho lấy dầu, có thể được chiết khấu thêm 200-250 đồng/lít dầu.

Theo luật sư Nguyễn Thị Thanh Nga, Đoàn luật sư Hà Nội, Công ty Luật TNHH Linh Nga và cộng sự, trong Bộ luật hình sự 2015, điều 203 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước nếu rõ, người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Cũng theo luật sư Nga, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 100.000.000-500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Riêng với hành vi buôn bán xăng dầu không hóa đơn luật sư Vi Văn Diện, đoàn luật sư Hà Nội, Giám đốc Công ty luật Thiên Minh cho hay, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này; hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Dân trí sẽ tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc!

Nhóm Phóng viên

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hà Nội   doanh nghiệp   hành vi   Đỗ xe  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...