11/12/2021 14:40  
Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III đã được khai mạc với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”.
Lời giải cho chuyển đổi số

Được tổ chức lần đầu vào năm 2019, Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là sự kiện thường niên hàng đầu đối với cộng đồng các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ số.

Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn đàn, giải thưởng các sản phẩm Make in Viet Nam sẽ được công bố với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Đây đều là các sản phẩm được thiết kế, sáng tạo, tích hợp tại Việt Nam và quan trọng hơn là giải các bài toán của Việt Nam.

Cũng theo Ban tổ chức, Diễn đàn năm nay sẽ có 2 phiên tham luận chính bàn về “Doanh nghiệp công nghệ số giải các bài toán chuyển đổi số quốc gia”, và “Doanh nghiệp công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong và sau đại dịch Covid-19”. Tại đây, diễn giả sẽ tập trung bàn về những giải pháp chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch.

Kinh tế số Việt Nam có tiềm năng rất lớn

Đây là nhận định được CEO Cloudify Việt Nam Hoàng Minh Quân đưa ra tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III.

Theo ông Hoàng Minh Quân, kinh tế số Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhờ sự đầu tư và chương trình khuyến khích của Nhà nước. Cụ thể, báo cáo kinh tế số châu Á 2021 của Google đã nhận định từ nay đến năm 2030, Việt Nam có sự phát triển nhanh nhất khu vực. Dự báo, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ mở rộng hơn hiện tại gấp 11 lần.

CEO Cloudify Việt Nam cho biết thêm, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số. Hiện tại các doanh nghiệp này nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin. 

Do vậy cần có những dịch vụ số, từ đó thay vì mua cả một nền tảng số, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ này và chi trả theo từng tháng, dùng tới đâu trả tới đó. Như vậy, doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nền tảng công nghệ cao với chi phí hợp lý hơn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các nền tảng số với doanh nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm Make in Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group khẳng định, đây là yếu tố quan trọng quyết định đáng kể tới quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Trên thực tế, có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang Make in Việt Nam. Các sản phẩm Make in Việt Nam có sự linh động, có đội ngũ hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm có chi phí thấp hơn. Trong khi đó, nền tảng nước ngoài khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam: Rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thời gian...

Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết đơn vị đã đề ra mức tăng trưởng 8,2% một năm, với chuyển đổi số, số hoá là một trong những động lực chính.

Từ năm 2012, EVN đã thực hiện cung cấp hóa đơn điện tử, đến nay, đã áp dụng toàn bộ trên hệ thống. Từ năm 2019, EVN đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối xong với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. EVN cũng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng, đơn vị thanh toán nhằm phục vụ thanh toán ví điện tử, không tiền mặt. EVN có riêng ứng dụng chăm sóc khách hàng để người dùng có thể tự tra cứu tiền điện, sản lượng điện.

Đơn vị cũng ứng dụng AI chăm sóc khách hàng. Trong đó, các cuộc gọị đến trung tâm khách hàng có đến 1/3 được trả lời bằng chatbot. ''Đáng chú ý, với năng lượng tái tạo, ngành điện đã ứng dụng công nghệ điều khiển tự động điện mặt trời mái nhà, trang trại, ứng dụng blockchain, AI trong mua bán điện trực tiếp, phân tích độ ổn định'', ông Võ Quang Lâm chia sẻ.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


CEO   Covid   Covid-19   Công nghệ   Hà Nội   Tập đoàn   Việt Nam   diễn đàn   doanh nghiệp   dịch vụ   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...