20/04/2021 22:13  
Nguyễn Nam Sơn (1994) ở Hòa Bình khiến nhiều người thán phục bởi tài "hô biến" những tờ giấy thành tác phẩm tinh xảo mà không sử dụng kéo cắt, keo dán.

Là nhân viên của công ty bảo hiểm, nhưng Nguyễn Nam Sơn (Hòa Bình) lại có đam mê đặc biệt với nghệ thuật gấp giấy, anh bắt đầu tập gấp giấy thành các con vật từ năm học lớp 12.

"Tôi là người rất thích đọc truyện tranh, năm học lớp 12, sau khi đọc bộ truyện tranh Hiệp Sĩ Giấy, tôi đã tập gấp các nhân vật trong truyện. Lên mạng tìm hiểu về loại hình này, tôi mới biết đó là nghệ thuật gấp giấy Origami của Nhật Bản", Anh Sơn chia sẻ.

Origami là nghệ thuật xếp giấy (hay gấp giấy) có xuất xứ từ Nhật Bản. Ngày nay, nó đã trở thành một phần văn hóa và truyền thống của đất nước mặt trời mọc.

Nam Sơn chia sẻ, khi còn học phổ thông, anh thích nhất môn Toán hình. Có kiến thức nền về hình học và sự quan sát tỉ mỉ đã giúp anh tiếp thu và thực hành rất nhanh các quy tắc gấp giấy Origami.

Tác phẩm đầu tiên Sơn gấp thành công đó là 1 con cáo, ý tưởng gấp con vật này bắt nguồn từ khi anh xem phim hoạt hình Naruto: "Tôi phải mất 2 năm tập luyện mới gấp thành công con cáo đó".

Trước khi bắt tay vào gấp bất kỳ một con vật nào, anh Sơn bắt đầu bằng việc phải tính toán tỷ lệ, thiết kế trên phần mềm CorelDraw và Adobe. Để gấp đúng, chân thực, anh dành thời gian đọc, xem nhiều về thế giới động vật.

Để gấp được những mẫu khó hơn, Sơn phải lựa chọn loại giấy đặc biệt: "Tôi sử dụng giấy dó được sản xuất ở chính quê hương mình (Lương Sơn, Hòa Bình). Giấy dó rất dai nhưng chỉ có duy nhất màu trắng ngà, vì vậy tôi đã pha màu acrylic và keo sữa, quét lên giấy để tạo thành các màu khác nhau.

Giấy dó không bị phai màu sau khi nhuộm và để tác phẩm đẹp hơn, tôi sẽ phun một ít nhũ vàng lên giấy", Sơn chia sẻ.

Trước khi gấp trên giấy dó, anh sẽ gấp nháp, từng bỏ đi rất nhiều giấy nhưng chưa bao giờ Sơn có ý định bỏ cuộc. Thậm chí, anh tự đặt ra cho mình thử thách, gấp tất cả các tác phẩm từ mảnh giấy hình vuông.

Qua 8 năm đam mê môn nghệ thuật này, Sơn đúc rút: "Gấp giấy là một cách để tôi giải trí, giảm bớt stress sau ngày làm việc căng thẳng. Việc làm này còn giúp tôi rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, quan sát và sáng tạo".

Mỗi ngày anh chỉ dành 25-30 phút để gấp giấy hoặc lên ý tưởng cho các mẫu mới, từ con cáo phải mất đến 2 năm mới hoàn thành, thì giờ đây, Sơn có thể gấp được nhiều con vật khó hơn, với nhiều chi tiết, tạo hình phức tạp trong vài tháng.

Năm 2016, Sơn gửi tác phẩm "Thần rừng" tham dự cuộc thi gấp giấy "Global Creative Jongie Jupgi Contest" ở Hàn Quốc và dành giải Nhì. Hiện tác phẩm đang được trưng bày ở bảo tàng Jong Ie Nara (Hàn Quốc).

Anh cũng có 2 tác phẩm "Rồng" và "Kỳ Lân" đang được trưng bày ở bảo tàng Zaragoza (Tây Ban Nha). Trong đó, tác phẩm con Rồng được gấp từ 1 tờ giấy dài 1m x 1m. Trong đó, anh mất 2 tháng để sáng tác và gấp trong 1 tháng. Đây cũng là mẫu gấp phức tạp nhất của anh.

9X cũng tự nhận, Origami là phương tiện để anh kết nối với bạn bè trên thế giới, mở rộng mối quan hệ. Nhiều tác phẩm của anh được người nước ngoài yêu thích và mua lại, có tác phẩm được bán với giá 6 triệu đồng.

Đằng sau mỗi tác phẩm anh lựa chọn để lên ý tưởng và gấp đều chứa đựng 1 câu chuyện, đó là một nhân vật trong truyện tranh hay bộ phim mà anh yêu thích, hay cũng có thể là những con vật anh bắt gặp trong những chuyến đi du lịch…

Ngắm nhìn một số tác phẩm của Nguyễn Nam Sơn:

Hà Hiền

Nguồn tin: dantri.com.vn


Nhật Bản   căng thẳng   du lịch   sáng tạo   sản xuất   vạn người mê  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...