16/06/2021 17:05  

'Mảnh rừng mưa nhiệt đới cuối cùng của miền Nam'

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu Bảo tồn), cho biết Khu Bảo tồn được thành lập năm 2004 trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị gồm: lâm trường Hiếu Liêm, Mã Đà, Vĩnh An, Trung tâm Quản lý di tích Chiến khu Đ và Trung tâm Thủy sản Đồng Nai.
Hiện Khu Bảo tồn được tỉnh Đồng Nai giao quản lý một diện tích rộng lớn hơn 100.500 ha, trong đó 68.000 ha rừng tự nhiên thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt, hồ Trị An có khoảng 78 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích mặt nước hơn 32.500 ha, còn lại là diện tích rừng trồng.
Ông Đoàn Văn Hoàn, Trưởng phòng Bảo tồn (Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai), cho biết hệ thực vật ở đây có hơn 1.520 loài, trong đó có 900 loài là cây thuốc có giá trị. Hệ động vật có hơn 1.781 loài, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm như đàn voi châu Á khoảng 20 con, đàn bò tót trên dưới 200 con và nhiều cá thể voi, bò tót nhỏ.
Ông Nguyễn Đức Tú, chuyên gia về sinh quyển, Phó phòng Bảo tồn, cho biết thêm với những giá trị nổi bật về tính đa dạng sinh học, cùng văn hóa bản địa của các tộc người địa phương, năm 2011, Khu Bảo tồn được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5 - lưu vực sông Đồng Nai - WWF) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”.
Cũng theo ông Tú, Khu bảo tồn là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF), đây cũng là nơi còn lại mảnh rừng mưa nhiệt đới cuối cùng của miền Nam nước ta.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn, để được công nhận là Vườn di sản ASEAN, đơn vị đề cử phải xây dựng kế hoạch quản lý cho khu vực đề cử theo quy trình gồm 10 bước, ngoài các báo cáo, hội thảo khoa học, ý kiến của Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan, còn phải tổ chức khảo sát, kiểm chứng thông tin tại thực địa. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp Bộ TN-MT hoàn thiện hồ sơ đề cử trình Ban Thư ký ASEAN thông qua Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB).

Khó khăn của người giữ rừng

Theo ông Đoàn Văn Hoàn, một trong những khó khăn hiện nay là công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lòng hồ Trị An. Trong rừng thì tình trạng săn bắn trái phép động vật hoang dã, lợi dụng khai thác tài nguyên rừng của nhiều hộ dân làm rẫy. Trên hồ Trị An thì vào thời điểm nước cạn, tình trạng người dân lấn chiếm múc đất, đào ao. Tình trạng nuôi cá bè trên lòng hồ Trị An không theo quy hoạch và khuyến cáo. Khi nước cạn, do mật độ nuôi dày, cộng thêm việc người dân dự trữ cá (do xuống giá) và nhiều yếu tố khác tác động, dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt gây ô nhiễm môi trường.
Việc chồng chéo chức năng quản lý lòng hồ cũng là một trở ngại. Hiện hồ Trị An có ít nhất 4 - 5 đơn vị quản lý. Theo đó, thủy điện điều tiết nước thì Nhà máy thủy điện Trị An do Điện lực quản lý. Đất ngập nước thì địa phương (các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán), đặc biệt là các xã vùng lõi như Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) quản lý. Còn đường sông thì Cục đường thủy nội địa phía Nam quản lý. Khu Bảo tồn chỉ quản lý vùng mặt nước để bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên.
“Lực lượng giữ rừng, giữ hồ thì mỏng, chúng tôi chỉ phát hiện, lập biên bản chứ không có chức năng xử lý. Thu nhập của anh em cũng là một rào cản do mức sống không đủ nhưng chúng tôi không đề cao việc này. Điều quan trọng là các tác động từ bên ngoài vào rừng, vào mặt nước của hồ Trị An”, ông Hoàn trăn trở.
Ông Nguyễn Đức Tú cho biết thêm các loài sinh vật ngoại lai gây hại cũng đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác bảo vệ hệ sinh thái ở Khu Bảo tồn.
Ông Tú dẫn chứng, thực vật thì có cây mai dương (trinh nữ) có nguồn gốc từ Nam Mỹ, bèo Nhật Bản… rất khó diệt do phát triển rất mạnh, sống dai. Động vật thì có cá tì bà (cá dọn bể, lau kiếng), ốc bươu vàng... “Chúng tôi không thể được sử dụng hóa chất để tận diệt, mà phải sử dụng phương pháp sinh học và cơ giới thủ công. Cái khó là người ít và kinh phí cũng chẳng có mà làm”, ông Tú nói.

Cảnh báo 'toan tính triển khai các dự án liên quan đến bất động sản du lịch'

Khởi động từ năm 2017, trải qua nhiều khâu thủ tục hành chính nhiêu khê, đến nay UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt đề cương và dự toán dự án “Xây dựng hồ sơ đề cử Khu Bảo tồn thành Vườn Di sản Đông Nam Á (ASEAN)". Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã ký quyết định (số 1527/QĐ-UBND ngày 10.5.2021) phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Khu Bảo tồn với tổng kinh phí dự kiến cho cả giai đoạn hơn 1.226 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phương án cho thuê môi trường rừng, xây dựng các công trình phục vụ nghỉ dưỡng, giải trí, công viên động vật bán hoang dã (safari), công viên thể thao hàng không Đồng Nai, nuôi chim yến trên các đảo ở lòng hồ Trị An… cần cân nhắc thận trọng.
Ngoài ra, kinh phí cho kế hoạch bảo vệ vừng (85 tỉ đồng), phòng trừ sinh vật hại rừng (200 triệu đồng), nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực (19,8 tỉ đồng)… trong tổng số hơn 1.226 tỉ đồng (nói trên) là quá thấp. Trong khi đó, ngân sách dành cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng lên tới hơn 636 tỉ đồng.
Các nhà khoa học cũng lo ngại và cảnh báo những “toan tính triển khai các dự án liên quan đến bất động sản du lịch” tại khu vực này không những phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn mà còn đi ngược các mục tiêu phát triển bền vững…

Nguồn tin: thanhnien.vn


Nhật Bản   Việt Nam   chuyên gia   du lịch   quy hoạch   Đồng Nai   Động vật  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...