15/06/2021 14:45  

TOContent"> Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu gần như ở tất cả các lĩnh vực. Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi chống dịch khá hiệu quả và có mức phát triển kinh tế cao hơn so với mức bình quân của thế giới, song Đà Nẵng và ngành du lịch lại hứng chịu hậu quả hết sức nặng nề.

Bằng sự trải nghiệm của người trong ngành và trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhóm tiến hành khảo sát về mức độ gắn bó với nghề của hướng dẫn viên du lịch tại thành phố Đà Nẵng nhằm có những đề xuất, giải pháp, sự gợi ý, … giúp doanh nghiệp và chính quyền có định hướng quản lý lao động trong ngành và hỗ trợ chính quyền tốt hơn cho đội ngũ nhân lực này.

Ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, du lịch

Tính từ giai đoạn dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) vào cuối tháng 12-2020 cho đến khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào 11-3-2020, toàn thế giới có khoảng 1.700 người bị nhiễm bệnh bao gồm bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nhiên, với sự dịch chuyển giao thông toàn cầu, dịch bệnh nhanh chóng lây lan trên toàn thế giới và tính đến nay 14-6-2021 hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thống kê tổng số toàn thế giới có 176 triệu ca nhiễm nhiễm và 3,8 triệu ca tử vong.

Đại dịch này ảnh hưởng đến hầu hết mọi phương diện cuộc sống của cư dân toàn cầu, nhiều thành phố, quốc gia lock down (bị phong tỏa) đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề kinh tế, trong đó có du lịch. Ngành du lịch thế giới xoay chuyển tình hình bằng nguồn khách domestic (nội địa) để phát triển kinh tế trong nước bởi lệnh đóng của biên giới của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã được thực thi.

Tại Việt Nam, tính từ ca ghi nhận đầu tiên 23-1-2020 là công dân từ Trung Quốc trở về đã có ba làn sóng xuất hiện sau làn sóng thứ nhất vào tháng 03, đó là các làn sóng vào tháng 7-2020, tháng 1-2021 và từ 4-2021 đến nay. Tính đến 14-06-2021 Việt Nam đã có 10.630 người nhiễm, 59 người tử vong bao gồm các ca bệnh nhập cảnh, giải cứu công dân và bị lây nhiễm cộng đồng không rõ nguồn gốc.

Nhiều địa phương bị phong tỏa toàn diện như Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang và một số khu vực nhỏ khác trong các địa phương tại TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh...đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề kinh tế trong đó có du lịch. Trong đó có giai đoạn ngành du lịch gần như tê liệt hoàn toàn bởi các lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ.

Trước khi đại dịch xuất hiện, GDP bình quân chung của thế giới tăng trưởng dương và thường dao động bình quân 5-10% hoặc hơn. Đối với Việt Nam, tăng trưởng thông thường dao động từ 6-7,5%/năm. Tuy nhiên, GDP năm 2020 toàn thế giới tăng trưởng âm, đối với GDP đạt 2,91% là năm thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây là con số chứng minh sự ảnh hưởng to lớn do Covid-19 gây ra đối với tất cả các ngành kinh tế. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ngành du lịch thiệt hại khoảng 1.300 tỉ đô la Mỹ kéo theo khoảng 120 triệu lao động mất việc làm.

Tại Việt Nam, ước tính lượng khách nội địa giảm 45%, quốc tế giảm hơn 80% và kéo theo thiệt hại ngành kinh tế du lịch khoảng 23 tỉ đô la Mỹ.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, ngành du lịch được xác định là một trong ba mục tiêu kinh tế mũi nhọn có những năm đóng góp hơn 50% vào GDP toàn thành phố, song đã phải gánh chịu những ảnh hưởng hết sức nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, vào đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng vào 25/07/2020, theo báo cáo của thành phố Đà Nẵng, kinh tế trong năm 2020 tăng trưởng âm 9,77%, tổng doanh thu ngành du lịch giảm tới 56,4%.

Xu hướng chuyển dịch nghề nghiệp của hướng dẫn viên du lịch

Theo kết quả khảo sát của nhóm tác giả, trong tổng số 311 hướng dẫn viên được điều tra thì có tới 286 hướng dẫn viên cho rằng ngoài nghề chính của mình thì hướng dẫn viên cần duy trì thêm một nghề phụ để mang tính chất dự phòng, chiếm tỷ lệ lên đến 92%.

Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi như chúng ta đã biết, ngành du lịch là ngành có tính thời vụ rất cao, phần lớn người lao động trong ngành nói chung và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nói riêng chỉ hoạt động, làm việc trong thời gian cao điểm của ngành, các khoảng thời gian còn lại (mùa thấp điểm) họ cần phải duy trì và kiếm thêm một nghề khác để đảm bảo mức thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và lo cho gia đình, người thân.

Ba ngành, nghề được các hướng dẫn viên lựa chọn làm nghề phụ để duy trì tính chất dự phòng chiếm tỷ lệ lớn nhất là môi giới bất động sản, kinh doanh khác và kinh doanh online với tỷ lệ lần lượt là 23,4%, 16,4% và 15,4%. Kết quả này phản ánh rằng các hướng dẫn viên du lịch rất có đam mê và hứng thú với việc môi giới bất động sản và hoạt động kinh doanh. Nghề bán bảo hiểm cũng chiếm một tỷ lệ tương đối với tần số là 40 với tỷ lệ tương ứng là 14,0%.

Ba ngành, nghề được ít hướng dẫn viên lựa chọn làm nghề phụ nhất đó là làm kênh YouTube, blog (11,2%), các ngành, nghề khác (10,8%) và làm giáo viên, giảng viên (15,4%).

Nghề hướng dẫn viên du lịch là nghề đòi hỏi trình độ khá cao và thực tiễn cho thấy đội ngũ này có trình độ từ Cao đẳng trở lên chiếm hơn 90%, song lại có mức thu nhập bình quân từ 9 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 51,1%. Chính vì vậy, khi đại dịch lần này ảnh hưởng nghiêm trọng thì xu hướng chuyển dịch nghề nghiệp là tất yếu. Kết quả điều tra cho biết có 30,9% hướng dẫn viên cho rằng đây là lúc cần tìm kiếm công việc mới và chỉ có 58,8% hướng dẫn viên vẫn có ý định gắn bó với nghề khi dịch bệnh xảy ra.

Đối với thành phố Đà Nẵng, với nguồn nhân lực gồm 4.646 hướng dẫn viên, chiếm 9,1% trong tổng số nguồn nhân lực du lịch thì kết quả nghiên cứu này đối với doanh nghiệp du lịch lữ hành, cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự động viên, hỗ trợ thích hợp hoặc tạo công việc trong ngắn hạn phù hợp để đến giai đoạn du lịch phục hồi sẽ có nguồn lao động sẵn có, có kinh nghiệm mà không mất nhiều thời gian và chi phí đào tạo.

Thực tế kết quả khảo sát cho thấy gần như đa số hướng dẫn viên đều lựa chọn các ngành liên quan đến dịch vụ như: bán hàng online, bảo hiểm, kinh doanh môi giới bất động sản, v.v… và đó cũng chính là những ngành, nghề phù hợp với kỹ năng của hướng dẫn viên.

Qua đại dịch này, đa số hướng dẫn viên (hơn 90%) cho rằng mình cần có thêm một nghề khác để song hành với công việc hiện tại. Đó cũng chính là xu hướng chung để định hình cho người học, người mới vào nghề xem xét trước khi quyết định theo nghề.

Nghề hướng dẫn viên du lịch là nghề của những người trẻ, đam mê xê dịch nhưng cũng khá nhiều rủi ro khi gặp yếu tố ảnh hưởng ngoại cảnh, cũng là nghề ít được bảo trợ từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Chính vì vậy, đội ngũ này cần phải được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong giai đoạn dịch bệnh này.

(* ) Viện Đào tạo và Nghiên cứu Du lịch, Đại học Duy Tân

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Cao đẳng   Covid   Covid-19   HCM   TPHCM   Trung Quốc   Việt Nam   Xu hướng   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   kinh tế mũi nhọn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...