22/08/2021 11:10  
Sinh ra và lớn lên tại Nga, sau một chuyến gap year trở về thăm quê hương, Hotboy Nguyễn Tuấn Thanh quyết định từ bỏ ngành học Hàng không tại Nga và học đại học tại Việt Nam.

Nguyễn Tuấn Thanh (sinh năm 2000) là một nam sinh vô cùng điển trai và năng động. Hiện tại, Tuấn Thanh đang là sinh viên trường đại học RMIT - Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuấn Thanh sở hữu một gương mặt vô cùng điển trai, thư sinh với sống mũi cao, đôi mắt sâu và nụ cười tỏa nắng. Không những thế Tuấn Thanh còn sở hữu một thân hình cao ráo, săn chắc chuẩn mẫu nên luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đối diện.

Nam sinh cho biết cậu bạn được sinh ra và lớn lên tại Nga, và sau một chuyến gap year trở về thăm quê hương, Thanh quyết định từ bỏ ngành học Hàng không tại Nga và theo học chuyên ngành Quản trị Du lịch Nhà hàng Khách sạn tại trường ĐH RMIT.

"Mặc dù quốc tịch của em là công dân Nga nhưng em thuần Việt. Bố mẹ, bà và họ hàng cũng thường dạy em nói tiếng Việt, nên em rành tiếng Việt nhất trong 3 anh em. Năm 18 tuổi, biết tin em đậu vào ngành Hàng không, vì quá vui mừng nên bố mẹ đã thưởng một chuyến du lịch vài tháng về Việt Nam.

Nhưng sau chuyến đi đó, em mê Việt Nam lắm, đặc biệt là Sài Gòn và con người trong này, thích cảm giác cháy hết mình, và tính hài hước của em cũng hợp người Việt,... nên đã quyết định bỏ cơ hội đại học bên Nga, đấu tranh với gia đình để ở lại Việt Nam.

Tất nhiên em và bố mẹ đã tranh cãi với nhau rất nhiều, tới nỗi bố nói đã hối hận vì đưa em về quê hương. Cũng rất nhiều người nói "sao em ngu vậy", nhưng do em quá quyết liệt nên bố mẹ đành chấp nhận và cả gia đình về lại Nga, mình ở Việt Nam một mình." - Tuấn Thanh cho biết.

Như nhiều người bạn Việt kiều khác, Tuấn Thanh cũng không tránh khỏi rào cản ngôn ngữ khi mới trở về Việt Nam. Cậu tự nhận mình từng "ngây thơ" đến mức bị gọi là "Nga ngố", ai nói gì cũng tin, nghe theo những trò quậy phá, nghịch ngợm của bạn bè, hay một mực tin vào ý nghĩa tâm linh của từ "trộm vía".

Tuy vậy, đến nay nam sinh không chỉ đã thành thạo tiếng Anh - Nga - Việt, mà còn nghe, nói sõi với những người bạn miền Trung như Huế, Nghệ An... với phương ngữ đặc thù, cũng như hiểu tiếng lóng, thoải mái chơi chữ với "ngôn ngữ genZ" mà không gặp phải khó khăn nào.

Nam sinh chinh phục tiếng Việt chỉ trong thời gian ngắn, thoải mái dùng từ lóng, từ địa phương và cả "ngôn ngữ genZ". Đến nay, Tuấn Thanh sử dụng thành thạo 3 ngôn ngữ Anh - Nga - Việt.

 Tuấn Thanh tâm sự: "Cũng may mắn một điều là hầu như tất cả những người em gặp gỡ và kết giao từ khi về nước tới giờ đều rất tốt và chân thành. Sau 1 năm gap year, trải nghiệm văn hóa Việt, em cũng suy nghĩ rất nhiều về việc nên đi làm luôn hay tiếp tục sự nghiệp học hành, thì vô tình em có cơ hội tới ĐH RMIT qua 1 người bạn.

Sau khi tìm hiểu, thì em biết đây là nơi mà mình thuộc về. Đây là môi trường chuyên nghiệp, nhưng lớp em quậy lắm, nghịch khắp trường như mấy đứa con nít, không có sự căng thẳng, nặng nề hay áp lực "trường nhà giàu" như mọi người vẫn nghĩ."

Với sự cởi mở và chân thành của mình, Tuấn Thanh cũng dần bắt nhịp, hòa mình với cộng đồng. Tuy vậy, nam sinh cũng bày tỏ mong muốn các bạn bè cùng trường đối xử với mình như một sinh viên bình thường, không quá đặt những áp lực vô hình lên cậu bạn vì là Việt kiều, hay vì vô tình được nhiều cư dân mạng biết đến bởi ngoại hình thu hút.

 Chia sẻ thêm đôi chút về sở thích cá nhân, Tuấn Thanh cho biết cậu bạn rất thích nhảy, đàn hát, nấu ăn, pha chế và đi du lịch. "Bà ngoại em từng là đầu bếp, nên em được bà dạy nấu rất nhiều, rồi sau này cũng tự tìm tòi rồi nấu đa dạng món hơn. Em thích nấu các món ăn thuần Việt, truyền thống như thịt kho tộ, rau muống luộc, cà pháo muối... Nhìn em, ai cũng nghĩ em rất "công tử", nhưng thực sự em khá giỏi nội trợ, thích việc nấu ăn ở nhà hơn là đi ăn hàng quán.

Về thể thao, vì lớn lên ở Nga nên em rành trượt băng và trượt tuyết, tiếc là ở Việt Nam không có nhiều nơi để tập thêm. Sắp tới nếu có thể, em sẽ tham gia CLB bóng chuyền của trường."

 Có dịp được trải nghiệm 2 nền văn hóa, giáo dục khác biệt, nam sinh cũng có những góc nhìn độc đáo về giới trẻ 2 nước: "Điều khác biệt đầu tiên là bên Nga không mất học phí dù bạn là học sinh ngoại quốc. Các trường học gộp chung từ cấp 1 đến cấp 3 chứ không chia ra như ở Việt Nam.

Thứ hai, em thấy chương trình học bên Nga không áp lực nhiều khi cha mẹ không quá đặt kỳ vọng con cái phải học giỏi hay vào lớp chọn. Hồi đó, em học rất nhàn, các bạn cùng học có thể lựa chọn học thêm hội họa như vẽ, đánh đàn, nhảy múa hát để phát triển kỹ năng mềm chứ không cực như học sinh Việt Nam.

Nhưng điều đặc biệt là học sinh, hay genZ ở Nga hay ở Việt Nam thì đều "quái" như nhau!"

Hotboy RMIT tự nhận mình là người tự lập, sống tình cảm, trọng tình nghĩa nên đôi khi bị cảm xúc chi phối. Đó cũng là nhược điểm lớn nhất của cậu bạn, vì đôi khi cần có những quyết định lý trí hơn, đặc biệt là đối với một người có ước mơ kinh doanh trong ngành dịch vụ.

 Hiện nay, Tuấn Thanh dành thời gian trau dồi tiếng Anh, tìm hiểu tài chính và nâng cao khả năng nấu ăn của bản thân. Cậu bạn muốn tìm hiểu quê hương Việt Nam "nơi mình thuộc về", và từng bước xây dựng sự nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng, khách sạn của mình trong tương lai.

Dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng nam sinh vẫn giữ tinh thần lạc quan, tích cực vì không muốn người thân của mình phải lo lắng thêm.

"Có 1 câu nói trong phim  Kungfu panda mà em rất thích từ bé đến giờ, đó là "Yesterday is history. Tomorrow is a mystery. Today is a gift. That's why we call it 'The Present' " (Tạm dịch: Ngày hôm qua là dĩ vãng, ngày mai là một bí ẩn, còn hôm nay là một món quà. Đó là lý do vì sao chúng ta gọi nó là "Hiện tại" - PV). Bởi vậy, em luôn tận hưởng ngày hôm nay như thể nó là món quà của cuộc sống.

Trộm vía, hiện tại em cũng như tất cả mọi người đều mong có thể hết dịch, để có thể quay lại trường học, làm thêm các công việc như dạy tiếng Anh, làm người mẫu ảnh để có thu nhập, đi du lịch, và quay về Nga thăm gia đình." - Tuấn Thanh bộc bạch.

Hồng Minh (Ảnh: NVCC)

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Hotboy   Việt Nam   bí ẩn   chinh phục   căng thẳng   du lịch   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...