27/08/2021 9:10  
Đích đến của tình yêu là kết hôn, nên nhiều bạn nghĩ kết hôn là điều tuyệt vời nhất và hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Nhưng sự thật về đời sống vợ chồng theo quy định của pháp luật thì lại khác...

Chia sẻ những kiến thức pháp lý để mọi người hiểu và nắm rõ trước khi tiến tới hôn nhân, Luật sư Vũ Văn Tiến (Công ty luật TNHH Olympic) mong muốn không bao giờ phải tư vấn cho những cuộc ly hôn.

Hơn nữa, chuỗi bài viết này cũng là kiến thức pháp lý rất cơ bản, quan trọng và thực tế mà các bạn trước khi kết hôn cần phải trang bị, hiểu biết và vận dụng khéo léo nhằm đưa ra quyết định cuối cùng của đời mình, đặc biệt là các bạn nữ (phái yếu).

Trải qua quá trình tư vấn và tham gia tranh tụng trong các vụ án về hôn nhân và gia đình (ly hôn), Luật sư Vũ Văn Tiến cho biết, ông thấy rất nhiều khách hàng khi ly hôn mới hối tiếc và nhận ra sai lầm của mình về người bạn đời, về đời sống hôn nhân, đặc biệt phải chịu đựng sau khi sinh con, nuôi con rất cực khổ nên đã phải trả một giá đắt bằng cả cuộc đời mình và làm ảnh hưởng đến con cái lâu dài về sau.

Bên cạnh các kiến thức pháp luật thực tế về hôn nhân và gia đình mà bạn cần biết, như đã chia sẻ ở kỳ trước gồm: Ranh giới là một tờ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và Luật chỉ quy định về "tình nghĩa vợ chồng", không quy định về "tình yêu lãng mạn". Bạn cần phải biết thêm rằng:

Hôn nhân chịu sự ràng buộc và phải thực hiện nghĩa vụ nhiều hơn là quyền

Đích đến của tình yêu là kết hôn, nên nhiều bạn nghĩ kết hôn là điều tuyệt vời nhất và hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Nhưng sự thật về đời sống vợ chồng theo quy định của pháp luật thì chủ yếu và chiếm chỗ phần lớn là sự ràng buộc về "nghĩa vụ của vợ, của chồng". Ngược lại quyền lợi của vợ, chồng sau khi kết hôn có rất ít hoặc phải rất vất vả thì mới có được. Sự thật là như vậy.

Theo đó, vì có quá nhiều nghĩa vụ nên không thể trích ra hết từng điều luật cụ thể mà tạm nêu ra bên dưới một số nghĩa vụ cơ bản để các bạn tham khảo theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam (Gọi tắt "Luật HNGĐ") và Bộ luật dân sự của Việt Nam gồm:

1) Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện đúng và đủ quy định về tình nghĩa vợ chồng tại Điều 19 của Luật HNGĐ như đã trích dẫn ở mục trên;

2) Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau;

3) Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau;

4) Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng sự riêng tư/bí mật, quyền đối với hình ảnh và các quyền nhân thân khác của nhau;

5) Một bên vợ chồng không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của nhau, và không được đánh đập, xâm phạm sức khỏe của nhau;

6) Vợ, chồng có nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội;

7) Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện và thực hiện các giao dịch để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

8) Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ chung về tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng đã đồng ý nhập vào tài sản chung của vợ chồng;

9) Vợ chồng có nghĩa vụ ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên và con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

10) Vợ chồng có nghĩa vụ giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập;

11) Trường hợp vợ chồng sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau như con đối với cha mẹ theo quy định của pháp luật;

12) Vợ, chồng có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con cái, người khác trong gia đình và cho người còn lại sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật;

13) Vợ, chồng có nghĩa vụ và trách nhiệm phải trả nợ chung của hai vợ chồng (nếu có);

Chưa hết đâu, vì còn nhiều nghĩa vụ khác nữa mà theo Luật sư Vũ Văn Tiến thì... không nên kể hết. Bởi nếu kể hết làm cho các bạn sợ không kết hôn làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội của Nhà nước. Vì là nghĩa vụ nên bạn phải đồng ý vô điều kiện và phải thực hiện đúng và đầy đủ. Nếu bạn làm tốt thì bạn và người bạn đời của bạn sẽ sống được với nhau trọn đời, còn nếu bạn vi phạm, thì một bên sẽ nói "ok mình chia tay" và chào tạm biệt.

Thực tế như vậy, bởi vì xã hội hiện đại bây giờ rất hiếm có bà vợ, ông chồng nào chịu đựng được tư tưởng phong kiến nho giáo ngày xưa về người phụ nữ phải "tam tòng, tứ đức" hay thời của các cụ phải chịu đựng và trải qua trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ hoặc theo một tục lệ nào đó.

Còn về quyền của bạn sau khi kết hôn thì sao? Sau khi kết hôn các bạn có quyền: (1) Quyền bình đẳng như nhau trong mọi vấn đề của vợ chồng; (2) Quyền lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính; (3) Quyền đại diện lẫn nhau theo pháp luật; (4) Quyền chung đối với việc đặt tên, đại diện và nuôi dạy con cái sau khi có con chung; (5) Quyền chiếm hữu, sử dụng, thỏa thuận và định đoạt tài sản chung của vợ chồng; (6) Quyền ly hôn và được chia tài sản chung khi ly hôn; và một số ít quyền khác nữa nhưng ít quan trọng hơn.

Tuy nhiên, có hai quyền quan trọng nhất là "quyền đối với con cái chung và quyền đối với tài sản chung" thì không tự nhiên mà có, mà bạn phải khổ cực, hi sinh, đánh đổi sức khỏe và thậm chí vất vả cả đời lao lực theo thời gian mới có được.

Do vậy, Luật sư Vũ Văn Tiến khuyên khi các bạn đã thực sự trưởng thành, độc lập, chín chắn, tự tin và sẵn sàng chấp nhận và thực hiện đúng, đầy đủ tất cả các nghĩa vụ nêu trên, thì mới nên đi đến quyết định kết hôn, chậm mà chắc còn hơn chạy theo thời gian và tuổi xuân để sữa chữa hôn nhân cả đời.

(Còn nữa)

Khả Vân

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hôn nhân   Việt Nam   hành vi   kết hôn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...