29/10/2021 21:40  
Với tôn chỉ “Gắn kết – Tiên phong”, doanh nghiệp tham gia Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đạt được 6 giá trị tiên phong, đó là: Tài chính, trí tuệ, tinh thần, con người, cảm xúc và xã hội. Đồng thời dẫn dắt cho nền sản xuất công nghiệp Thủ đô... - Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Đại hội thành lập HAMI nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra chiều ngày 29/10.
Tới dự Đại hội có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo T.Ư, các bộ, ban ngành. Về phía Hà Nội, có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các doanh nghiệp hội viên.
Với mong muốn tập hợp, đoàn kết các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, ngày 4/6/2021 HAMI được thành lập.
Phát biểu khai mạc Chủ tịch HAMI Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà nhấn mạnh, Đại hội thành lập HAMI được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều thách thức bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và nhân công của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn.
Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19.
Đây là những thách thức đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội cần có sự gắn kết hơn nữa, tích cực tìm kiếm giải pháp, biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm phục hồi nền sản xuất và góp phần chung vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước.
Đại hội thành lập HAMI là sự kiện ra mắt có tính quyết định với nhiệm vụ tập trung trí tuệ, thảo luận, thống nhất về Điều lệ Hội, những mục tiêu chính trong phương hướng hoạt động Hội nhiệm kỳ 2021 – 2026 và hiệp thương Ban chấp hành, Thường trực Hội, Ban kiểm tra Hội nhiệm kỳ 2021 – 2016.
HAMI sẽ là diễn đàn hợp tác, cầu nối giao thương, để cùng phát triển giữa các doanh nghiệp trong và ngoài Hội. Từ đó, tạo lập nên sức mạnh to lớn để HAMI trở thành lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ chính trị và kinh tế quan trọng của TP, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa và phát triển vững mạnh của Thủ đô trong tương lai.
Kế hoạch phát triển của HAMI đặt ra cho giai đoạn 2021- 2026 và tầm nhìn đến năm 2035 như sau: Phát triển 200 - 300 hội viên; giới thiệu từ 20-30 doanh nghiệp sản phẩm chủ lực tham gia xét chọn sản phẩm doanh nghiệp chủ lực do TP Hà Nội tổ chức mỗi năm; tổ chức từ 10 - 15 hoạt động xúc tiến thương mại trong mỗi nhiệm kỳ; thực hiện ký kết xúc tiến thương mại quốc tế từ 5 - 10 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và quốc tế; tổ chức từ 3 - 5 diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực mỗi năm…
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền  cho biết, HAMI là tổ chức xã hội; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được UBND TP phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Công Thương và các sở, ban, ngành có liên quan đến lĩnh vực vực hoạt động của Hội. Hội hoạt động với tôn chỉ “Gắn kết – Tiên phong”; Gắn kết cộng đồng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, là cầu nối với cơ quan quản lý nhà nước và TP Hà Nội nhằm biến thách thức thành cơ hội đầu tư, kinh doanh. 
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02 về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025”, đã định hướng: Cơ cấu lại các ngành kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 40 - 45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn TP, phát triển 8 - 10 nhóm ngành sản phẩm chủ lực, phấn đấu có khoảng 10% số doanh nghiệp công nghiệp lọt vào Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Hà Nội tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp. Thứ nhất, tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chủ động đổi mới trang thiết bị hiện đại, phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ mới có lợi thế, từng bước hình thành các sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực TP, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài; Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực khai thác và tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh từ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
TP Hà Nội đã phát triển sản phẩm công nghiệp, hình thành 8 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, gồm: Điện, điện tử; Công nghệ thông tin, kinh tế số; Hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; Cơ khí, chế tạo; Chế biến nông sản, thực phẩm; Dệt may, da giầy cao cấp; Vật liệu xây dựng; Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, công nghiệp nông thôn.
“Doanh nghiệp tham gia Hội phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đạt được 6 giá trị tiên phong, đó là: Tài chính, trí tuệ, tinh thần, con người, cảm xúc và xã hội; khẳng định được là những doanh nghiệp đầu tầu dẫn dắt cho nền sản xuất công nghiệp Thủ đô” – Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Công nghệ   Hà Nội   Top 50   Tài chính   Tập đoàn   Việt Nam   công nghệ tiên tiến   diễn đàn   doanh nghiệp   hợp tác   sáng tạo   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...