01/07/2022 16:15  
Từ cuối năm 2021 đến nay giá xăng dầu liên tục tăng khiến cho giá thành sản xuất cũng biến động theo, tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp (DN). Bộ Tài chính vừa có đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT cho xăng dầu nhằm kéo giảm giá cho mặt hàng này. 

Giá xăng tác động dây chuyền 

Ngày 30/6, Bộ Tài chính đã trình đề xuất Thủ tướng giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với mặt hàng xăng dầu, sau đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường, nhằm "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong nước sau nhiều tháng liên tục tăng cao. 

Hiện chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30-40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không, khoảng 35-40% giá thành vận tải đối với các dịch vụ xe container, xe tải nặng và khoảng 25% đối với các loại xe khác. Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm ngành giao thông vận tải, điện…

Thế nhưng, hiện giá xăng dầu bán lẻ đã tăng 65-70% so với cuối năm ngoái. Mặt hàng xăng dầu đang gánh 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 8-10%, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng 10%. Tính chung, mỗi lít xăng bán ra đang gánh khoảng 34-35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu bán lẻ.

Giá xăng dầu, nhiên liệu và năng lượng là nguồn gốc tác động đến chuỗi giá các mặt hàng trên thị trường, tác động trực tiếp đến đời sống người lao động và sản xuất của DN. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết, để giữ lao động, DN phải điều chỉnh tăng lương, thưởng khiến chi phí đầu vào cho sản xuất vốn đã tăng lại càng tăng cao hơn. 

Nhưng không chỉ vậy, chi phí đầu vào (trong đó có xăng dầu) tác động dây chuyền đến nhiều khâu, nhiều công đoạn sản xuất và nhiều mặt hàng khác nhau trên thị trường. Theo tính toán của ông Quang Anh, một đồng tiền tăng ở nơi này sẽ dẫn đến 10 đồng tăng ở chỗ khác. Trong bối cảnh mọi thứ đều tăng cao như hiện nay, chắc chắn sẽ có một đợt điều chỉnh lớn của DN về giá sản phẩm và thu nhập của người lao động. 

Trong bối cảnh đó, việc kiềm chế giá xăng dầu không chỉ giúp DN ổn định sản xuất mà còn là yếu tố quan trọng giữ vững kinh tế vĩ mô. Việc giảm thuế tiêu đặc biệt, thuế VAT với xăng dầu, các bên đều được hưởng lợi, bởi khi giảm hoặc xóa các sắc thuế này sẽ kéo giảm chi phí của DN, chi phí logistics, chi phí vận chuyển, hàng hóa cũng sẽ giảm theo. Điều đó giúp DN có điều kiện giữ giá hàng hóa, giúp thị trường ổn định. 

Cần một chính sách ổn định hơn cho giá xăng dầu

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh đồng tình với Bộ Tài chính khi cho rằng giá xăng dầu hiện nay bao gồm giá nhập khẩu và các loại thuế phí, vì thế, khi giảm thuế phí thì giá xăng dầu sẽ giảm, như vậy sẽ có hiệu ứng giảm đà tăng của hàng hóa. 

“Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu là đúng. Lâu nay đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu là sai lầm vì đây là loại hàng tiêu thụ phổ biến, ai cũng phải mua, khác với rượu, bia, thuốc lá, xe hơi, du thuyền... - những sản phẩm có thuế tiêu thụ đặc biệt. Còn việc giảm thuế VAT đối với xăng dầu có ý nghĩa hỗ trợ người tiêu dùng”, ông Tống phân tích.

Mặc dù việc điều chỉnh giảm thuế đối với xăng dầu sẽ tác động nhất định đến giá bán mặt hàng này, nhưng nhiều DN sản xuất cho biết điều họ trông chờ chính là giá xăng dầu ổn định.  

Tổng giám đốc Dony Phạm Quang Anh bộc bạch: “Chúng tôi không chỉ cần sự ổn định của giá xăng dầu mà còn cần sự ổn định của chính sách nhà nước và nhiều thứ khác. Khi mọi thứ ổn định, DN mới có thể yên tâm sản xuất. Chính sách mà cứ nay ban hành mai thay đổi thì sẽ gây ra nhiều khó khăn cho DN”.

Đồng quan điểm, ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thuế xăng dầu hay quỹ bình ổn không tác động nhiều đến việc giảm giá xăng dầu trong nước mà quan trọng là do giá dầu thế giới. Hiện giá xăng dầu thế giới đang giảm và DN kỳ vọng vào sự điều tiết của nhà nước giúp giá xăng dầu trong nước ổn định.  

“Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục tăng và cùng với giá các nguyên liệu đầu vào khác (đặc biệt là thức ăn chăn nuôi) tăng cao khiến giá thành sản phẩm của DN đội lên rất nhiều. Chỉ khi giá xăng dầu thực sự giảm mới hy vọng đà tăng giá các nguyên liệu khác dừng lại”, ông Trương Chí Thiện nhận định.

Bên cạnh việc giảm thuế và phí cho xăng dầu, các DN mong Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hơn. Trong đó, nâng mức dự trữ xăng dầu để ổn định nguồn cung, tăng các biện pháp chống buộn lậu xăng dầu để gián tiếp hạ nhiệt giá mặt hàng này. Ngoài ra, “Nền kinh tế Việt Nam xuất khẩu là chủ yếu nên chúng tôi rất lo lắng trong việc cạnh tranh với thế giới. Nếu Chính phủ có những chương trình hỗ trợ về thuế, chính sách đãi ngộ… sẽ giúp cho DN có được lợi thế nhất định về giá cả so với các nước khác”, ông Quang Anh đề nghị. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Tài chính   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   logistics   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...