15/12/2021 6:10  
Dù sợ hãi khi công ty liên tục xuất hiện F0, nhiều công nhân vẫn cố gắng tìm cách sống chung an toàn với Covid-19 để bám chuyền. Bởi nếu họ bỏ việc đồng nghĩa với việc cả gia đình sẽ mất Tết.

Nỗi sợ hãi mang tên... nghèo

Tháng 10-11, ở TPHCM, gần 5.000 công nhân đã mắc Covid-19 tại các KCN, KCX, khu công nghệ cao. Mỗi ngày có khoảng 100 F0 mới và các F0 đều đã được tiêm vắc xin và tuân thủ 5K tại công ty. Dù đã chấp nhận "làm việc chung cùng F0" nhưng không ít công nhân vẫn tỏ ra bất an vì liên tục có nhiều ca trở nặng, tử vong.

Than thở sau một ngày dài tăng ca, nữ công nhân may Trần Thị Mỹ Trinh (29 tuổi, quê Vĩnh Long, ngụ quận Bình Tân) nói: "Người mới ngồi đối diện tôi trong công ty lúc sáng, chiều đã thành F0. Đang giờ làm mà có người đột ngột ra về thì ai cũng tự hiểu khả năng cao là đã nhiễm bệnh. Sợ nhưng không dám nghỉ làm vì nghỉ làm sẽ bị trừ lương. Ráng làm để gửi tiền về quê cho mẹ già ăn Tết".

Những tháng giãn cách, dù vẫn được công ty hỗ trợ nhưng chị Trinh vẫn phải vay nợ khắp nơi để xoay sở cuộc sống. Cuộc sống làm công nhân 8 năm qua của chị chưa khi nào là dễ thở bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Hàng tháng lĩnh lương xong chỉ 2 tuần sau là "sạch trơn".

"Đời công nhân mà, phải cố gắng thôi. Nếu giờ mình nghỉ khi có khi cả nhà mất Tết. Giờ sợ đủ thứ, sợ bị F0 nhưng cũng sợ không có tiền. Vừa đi làm vừa trấn an bản thân và cầu mong công việc sẽ thuận lợi từ giờ đến Tết", chị Trinh tâm sự.

Tương tự, chị Phạm Hồng Thủy (29 tuổi, quê Trà Vinh, ngụ quận Bình Tân) cho biết, mỗi tuần công ty đều xuất hiện ca nhiễm mới. Mỗi ngày chị đều phải cố "dối lòng", vượt qua sợ hãi để đến công ty làm việc.

"Ở quê tôi còn cha mẹ già và đứa con 4 tuổi. Mấy tháng nghỉ dịch đã mượn nợ mười mấy triệu, không đi làm thì tiền đâu trả nợ và trang trải cuộc sống. Nếu không đi làm, tiền đâu lo sắm Tết cho gia đình".

Không chỉ chị Thủy và chị Trinh, nhiều công nhân ở TPHCM cũng "tiến thoái lưỡng nan" khi dịch ngày càng phức tạp. Họ không có điều kiện để ở nhà "tránh dịch", cũng chẳng có khoản tiết kiệm nào để phòng khi ốm đau, dịch bệnh. Họ chấp nhận "bám chuyền" vì nếu không bám chuyền chắc chắn sẽ "đói".

Tiêm "doping" trước khi vào ca

Mỗi ngày đến công ty, chị Trinh đều tuân thủ nghiêm quy định 5K. Chị bỏ hẳn thói quen "tám chuyện" với đồng nghiệp để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh. Bữa trưa, bữa tối chị cũng tranh thủ ăn thật nhanh rồi trở lại công việc.

"Đeo kính bảo hộ sẽ bị mờ mắt và khó làm việc nên tôi tự mang thêm nhiều khẩu trang để thay liên tục. Cồn sát khuẩn cũng tự mang theo vì không thể đi tới đi lui ra đầu chuyền để xịt cả ngày. Ngoài ra, tôi còn mua sẵn thuốc trị các triệu chứng thường gặp của Covid-19 như sốt, ho, nhức đầu… vì chuyện nhiễm bệnh chỉ là sớm hay muộn", nữ công nhân chia sẻ.

Trước mỗi ngày làm việc, chị Trinh đều trấn an tâm lý để tập trung tối đa vào công việc. Nếu không vững vàng, công việc sẽ không hiệu quả và rất có thể xảy ra tại nạn lao động.

Còn theo nữ công nhân Trần Thị Vẽ (32 tuổi, quê An Giang, ngụ quận Bình Tân), mỗi công nhân đều đã ý thức hơn nhiều so với trước dịch. Với chị, ý thức và tâm lý vững vàng sẽ là liều "doping" giúp công nhân vui vẻ trước khi vào ca.

"Lúc trước chị em công nhân chúng tôi ăn chung, uống chung, ngủ chung. Giờ đồ của ai nấy ăn, nước của ai nấy uống, ngủ thì mỗi người nằm một góc. Tết này tôi cũng không dám về quê vì sợ mình đang mang mầm bệnh trong người", nữ công nhân tâm sự.

 Xuân Hinh - Phương Nhi

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Cuộc sống   HCM   TPHCM   Vĩnh Long   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...