21/06/2021 20:10  
Chứng khoán dường như là kênh đầu tư không dành cho những người yếu tim. FLC hôm nay bị bán mạnh, có lúc giảm sàn khiến nhiều nhà đầu tư "sốc" nặng do lỡ đu đỉnh.

Dầu khí "bật xanh", ngân hàng tiếp tục bị xả

Phiên giao dịch đầu tuần (21/6) diễn ra trong trạng thái giằng co căng thẳng. VN-Index chùn chân trước ngưỡng 1.380 điểm, dao động quanh vùng tham chiếu trong suốt phiên sáng trước khi rơi vào trạng thái giảm ở phiên chiều.

Đóng cửa, chỉ số chính đánh mất 5,14 điểm tương ứng 0,37% còn 1.372,63 điểm; VN30-Index cũng đánh mất 3,01 điểm tương ứng 0,2% còn 1.478,29 điểm. HNX-Index giảm 2,49 điểm tương ứng 0,78% còn 316,24 điểm; UPCoM-Index giảm 0,51 điểm tương ứng 0,56% còn 89,71 điểm.

Tuy nhiên, điểm tích cực là độ rộng thị trường vẫn nghiêng nhẹ về phía các mã tăng giá. Đây là hiện tượng "đỏ vỏ xanh lòng", với 490 mã tăng giá, 68 mã tăng trần so với 445 mã giảm, 15 mã giảm sàn.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn bị xả mạnh. Trong đó, VCB, BID, CTG là những mã gây áp lực lớn nhất lên VN-Index, lần lượt khiến chỉ số bị giảm 1,93 điểm; 1,26 điểm và 0,92 điểm.

Cụ thể, VCB giảm 1,8%; CTG giảm 1,8%; BID giảm 2,5%; BVB giảm 3,5%; LPB giảm 2,7%; SHB giảm 2,2%, VBB giảm 2,1%; OCB giảm 2%...

Thanh khoản trên thị trường vẫn đang cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư trong quyết định giải ngân. Tổng giá trị giao dịch toàn phiên trên sàn HSX ở mức 22.660,24 tỷ đồng với khối lượng giao dịch đạt 768,18 triệu đơn vị.

HNX có 136,49 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.980,05 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 75,71 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.509 tỷ đồng.

Dòng cổ phiếu dầu khí hôm nay hầu hết bật "xanh" nhờ diễn biến giá dầu thế giới hồi phục. PLC tăng 4%; PLX tăng 3,7%; PVP tăng 3%; PXL tăng 2%; BSR tăng 1,9%; PVC tăng 1,7%; PVS tăng 1,7%; PVB tăng 1,2%...

Một số mã cổ phiếu ngành sản xuất đang thu hút dòng tiền và tăng giá mạnh: VGT tăng 7,3%; DQC tăng trần lên 21.700 đồng; QHD tăng trần lên 41.400 đồng; HNG tăng trần.

HVN của Vietnam Airlines sau thông tin được 3 ngân hàng cung ứng vốn đã tăng 2,2% lên 27.700 đồng. Cổ phiếu ngành hàng không cũng có diễn biến tích cực: SAS tăng 2,7%; SGN tăng 0,3%; NCT tăng 0,6%; MAS tăng 0,3%.

FLC giảm sàn đột ngột, nhà đầu tư "sốc tận óc"

Nếu như các phiên trước, FLC tăng giá mạnh, mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư thì tại phiên này, mã này bị chốt lời mạnh, có lúc giảm sàn xuống 14.100 đồng trước khi đóng cửa tại 14.400 đồng tương ứng giảm 5%.

Với những nhà đầu tư mua vào FLC ở vùng giá 13.000 đồng (hoặc rẻ hơn) thì tại mức giá này, họ vẫn có lãi lớn. Tuy vậy, với những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu này ở vùng đỉnh thì trước diễn biến giảm sàn của FLC trong phiên hôm nay đã không tránh khỏi có lúc "đau tim" do cổ phiếu mua vào cuối tuần trước đến nay chưa về tới tài khoản.

Khối lượng giao dịch tại FLC phiên này vẫn lớn, lên tới 44,85 triệu đơn vị. Trong đó, khối ngoại đã có động thái bán ròng ở mã này, khối lượng bán ròng ở mức 612,5 nghìn cổ phiếu.

Trong "họ" FLC, ngoại trừ GAB, hầu hết các mã khác đều giảm. ROS giảm 2,9% còn 6.800 đồng; AMD giảm 2,7% còn 5.430 đồng; HAI giảm 2,4% còn 4.550 đồng; KLF giảm 1,9% còn 5.300 đồng; ART giảm 1% còn 10.300 đồng.

Cổ phiếu dòng penny và midcap phiên này bị chốt lời tương đối mạnh. VNMID-Index giảm 10,21 điểm tương ứng 0,6% còn VNSML-Index giảm 1,76 điểm tương ứng 0,12%.

Ngoài FLC bị chốt lời thì ANV cũng điều chỉnh giảm 4,9%; VHC giảm 3,1%; HBC giảm 3,1%; FRT giảm 2,1%; GEX giảm 2%; FIT giảm 2%; KBC giảm 1,9%; HSG giảm 1,9%; GMD giảm 1,9%.

Trong phiên này, khối ngoại bất ngờ bán ròng mạnh với giá trị bán ròng trên toàn thị trường lên tới 1.114 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng bán ròng trên sàn HSX là 26 triệu cổ phiếu với giá trị bán ròng gần 1.100 tỷ đồng.

Hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tập trung tại NVL; HPG; VNM; GEX; SSI; CTG; VPB, SBT. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng VHM, VCB, MSN, STB, HSG, KDH, HNG…

Thị trường tuy có sự điều chỉnh trong phiên hôm nay, tuy vậy, nhìn chung giới phân tích vẫn đang có cái nhìn khá lạc quan trong trung hạn. Trao đổi với báo chí, ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank cho rằng, mục tiêu trước mắt của chỉ số VN-Index nằm ở mức 1.400 điểm. 

"Cùng với việc dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào kênh chứng khoán, tôi nghĩ việc thị trường chinh phục được mức 1.500 điểm vào cuối năm nay là hoàn toàn khả thi" - ông Trung đánh giá.

Mai Chi

Nguồn tin: dantri.com.vn


Airlines   FLC   ROS   chinh phục   căng thẳng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...