07/10/2021 12:20  
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã mạnh dạn gửi một lá thư lên hẳn FIFA và AFC, tiếng là để cảm ơn nhưng mục đích chính là khiếu kiện về công tác trọng tài trong hai trận đấu gần đây của Việt Nam ở vòng loại World Cup thứ ba khu vực châu Á.
Sự kiện: World Cup 2022 Nóng cùng Phạm Tấn Đội tuyển Việt Nam

  

Video thẻ đỏ Duy Mạnh và penalty cho Saudi Arabia (Nguồn: FPT)

Việc chưa từng có tiền lệ với chính VFF xuất phát từ việc nền bóng đá Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại và phát triển của mình có đội tuyển đi tới vòng loại thứ ba của World Cup.

Cả hai quyết định của trọng tài tạo nên sự tranh cãi toàn quốc, rằng trọng tài có đè Việt Nam 2 trận gần đây, có thiên vị chủ nhà Saudi Arabia và ông lớn của bóng đá châu lục Australia?

Quyết định đầu tiên là quả penalty và tấm thẻ vàng thứ hai dành cho Duy Mạnh đã để tay chạm bóng trong trận đấu với Saudi Arabia khi đội tuyển Việt Nam đang dẫn 1-0. Sau quyết định đó, Việt Nam bị gỡ hoà 1-1 và chỉ còn chơi với 10 người, và thua ngược 3-1.

Quyết định thứ hai, trong một trận đấu cân bằng hơn, lại trên sân nhà Mỹ Đình. Trước khi chúng ta bị thủng lưới và là bàn duy nhất của trận đấu, Hồng Duy đã sút trúng tay của cầu thủ Australia ở trong vòng cấm, nhưng Việt Nam không được hưởng phạt đền.

Cả hai trận đấu, hai quyết định của hai trọng tài đều được hỗ trợ bởi trọng tài VAR, rồi tự trọng tài chính ra khu vực xem lại hình ảnh (VAR Area). Cả hai nhận định cuối cùng đều vẫn không đứng về phía Việt Nam, hoàn toàn không giống như sự chờ đợi của đông đảo người hâm mộ.

Nghiệt ngã là trận với Úc lại đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như là lần đầu tiên trên sân Mỹ Đình có VAR, thứ chúng ta thường chỉ thấy trên truyền hình và chính thức được bóng đá thế giới sử dụng từ World Cup 2018 trên đất Nga sau nhiều năm thử nghiệm.

Khi số đông người hâm mộ phẫn nộ, khi bóng đá dân tuý lên ngôi, khi bóng đá đã được các lãnh đạo quan tâm, thì một lá thư mang tính “cảnh cáo” tưởng bất ngờ lại là điều có thể lý giải.

Nhưng chúng ta phản đối có đúng nếu dựa trên Luật bóng đá hiện hành? FIFA có lắng nghe Việt Nam hay không, có can thiệp với các trọng tài hay không, và cao hơn là xem nó như một thực tiễn để căn cứ tiếp tục điều chỉnh Luật sau này?

* Có phải bóng đá Việt Nam muốn “cải lùi” luật bóng đá?

Những phản đối của Việt Nam với các quyết định của trọng tài gói gọn lại là “tay của Duy Mạnh thì tự nhiên”, còn “tay của cầu thủ Australia thì không tự nhiên”.

Tự nhiên hay không tự nhiên cũng chính là trọng tâm của những điều chỉnh trong Luật bóng đá thực hiện suốt 3 năm qua để giải quyết những tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ.

Như cú chích bóng của Roberto Baggio của tuyển Ý nhằm vào tay của Ronald Fuentes của tuyển Chile ở World Cup 1998 mang về quả penalty gỡ hoà 2-2.

Như cái tay chạm bóng của Ivan Perisic trong trận chung kết World Cup 2018 khiến Croatia phải nhận quả penalty và Pháp từ đó vươn lên dẫn 2-1.

Như bàn thắng của Llorente của CLB Tottenham vào lưới Man City ở Cúp C1 mùa 2018/19 sau khi bóng chạm tay có xứng đáng được công nhận.

Tháng 3/2021, IFAB (viết tắt của Cơ quan Liên đoàn bóng đá Quốc tế) thông qua những thay đổi về điều luật quy định chơi bóng bằng tay chủ yếu xoay quanh hai chữ mà họ cho là quan trọng nhất: TỰ NHIÊN. Ở đó, tính tự nhiên được xác định dựa trên những chuyển động cơ thể để xác định vị trí của tay.

Chẳng hạn, chuyển động tự nhiên khi bật nhảy tay không giơ cao lên trên vai là tự nhiên; khi chuồi bóng hay ngã ra thì tay chống xuống đất để đỡ cơ thể là tự nhiên, khi be bóng mà cơ thể từ góc trực diện xoay đi 90 độ thì tay vung theo cơ thể mà không mở rộng ra là tự nhiên…

Đó là năm thứ ba liên tiếp IFAB điều chỉnh về luật. Tất nhiên, tìm kiếm sự rõ ràng trong bóng đá là nhiệm vụ bất khả. IFAB qua 3 năm ra các quyết định trái ngược lẫn nhau cũng có, như vô tình chạm tay rồi ghi bàn trước 2019 thì được, nhưng giờ thì không.

IFAB cũng muốn luật chi tiết hoá tới mức tối đa để các trọng tài áp dụng chính xác và nhất quán hơn như trước 2021, nhưng bây giờ lại thu hẹp các quy định để quyền nhận định của trọng tài trở lại như trong quá khứ.

VFF gửi thư có hàm ý “cảnh báo” công tác trọng tài với FIFA xét trong hoàn cảnh như trên rõ ràng đi ngược lại với tinh thần của IFAB, phản đối quyết định của các trọng tài AFC là không đúng với cách định nghĩa về tính tự nhiên mà Luật bóng đá quy định.

Còn nếu FIFA thừa nhận các khiếu nại của Việt Nam có nghĩa là FIFA muốn bỏ luật mới để dùng luật cũ.

Việt Nam cho tới lúc này là một trong những nền bóng đá ít ỏi trên thế giới chưa áp dụng Luật bóng đá sửa đổi 2021. Điều lệ của V-League 2021 trước khi giải bị tuyên huỷ quy định vẫn áp dụng luật cũ, Luật 2020.

* Bóng đá Việt Nam ở đâu so với IFAB, FIFA?

Mối quan hệ mà Việt Nam xây dựng với FIFA suốt 20 năm qua đang trong lúc tốt đẹp nhất.

Vị thế của Bóng đá Việt Nam trở nên ấn tượng hơn sau những thành của các đội tuyển kể từ 2018.

Các lá phiếu Việt Nam dành cho những ứng viên mỗi lần FIFA bầu chọn Chủ tịch đều trúng cũng là yếu tố quan trọng khác.

Nhưng nếu lá phiếu của Việt Nam có giá trị như lá phiếu của bất cứ ông lớn bóng đá nào (Brazil, Đức, Anh hay Italy) trong thể chế của FIFA thì chúng ta hầu như không có giá trị với IFAB.

IFAB là một tổ chức độc lập với một chức năng duy nhất: Xây dựng và điều chỉnh luật chơi cho môn thể thao Vua (mà chúng ta hay nôm na gọi là Luật bóng đá) để theo đó tất cả các Liên đoàn bóng đá trên toàn thế giới áp dụng, kể cả FIFA. Ở một góc độ nào đó, IFAB giống như một cơ quan lập pháp của bóng đá thế giới vậy.

IFAB ra đời cách nay 135 năm, từ năm 1886 với 4 thành viên là Liên đoàn bóng đá Anh, Scotland, Xứ Wales và Ireland.

FIFA gia nhập IFAB từ năm 1913, sau nhiều lần thay đổi đã tăng quyền bỏ phiếu của mình lên 50%. Tức là Anh, Scotland, Xứ Wales và Ireland mỗi liên đoàn 1 phiếu, còn FIFA (với 207 Liên đoàn quốc gia thành viên) có 4 phiếu.  

Cơ chế này không phải để cho vương quốc Anh (nơi soạn luật đầu tiên cho môn thể thao Vua) làm lũng đoạn bóng đá thế giới, nhưng nó dẫn tới một thực tế là hầu hết các tình huống tranh cãi của bóng đá Anh sau đó đều dẫn tới những thay đổi về luật.

Ngoài những ví dụ về các tình huống chạm tay đã nói ở phần trên, luật 2021 thay đổi còn bởi HLV Mourinho ngày còn dẫn dắt Tottenham đã phản đối kịch liệt quả penalty khi hậu vệ của ông Eric Dier chạm tay vào bóng, hay Fulham tranh cãi về bàn thắng của họ không được công nhận khi bóng vô tình chạm tay một cầu thủ khác trước đó (theo luật 2021 sẽ hợp lệ)…

Vì thế, nếu lá thư của bóng đá Việt Nam gửi tới FIFA, AFC khiến IFAB phải thay đổi luật vào tháng 3 năm 2022 thì đây sẽ là một cơn địa chấn không khác gì việc chúng ta giành vé đi World Cup 2022!

Theo Phạm Tấn (Tạp chí Du lịch TP.HCM)

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Bóng đá   FIFA   HCM   HLV   Man City   V-League   VFF   Việt Nam   World Cup   hành vi   Đội tuyển  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...