18/12/2021 20:10  
Không chỉ tạo hứng thú cho học sinh khi học môn Lịch sử địa phương, mô hình "công viên thắng tích xứ Thanh" còn khơi gợi trong học sinh niềm tự hào về mảnh đất nơi mình sinh ra.

Không gian giáo dục đặc biệt

Xuất phát từ sự trăn trở làm thế nào để học sinh yêu thích môn học Lịch sử, nhất là Lịch sử địa phương. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh không thể đi thực tế được, Ban giám hiệu Trường THCS Trần Mai Ninh (thành phố Thanh Hóa) đã lên ý tưởng xây dựng "Công viên thắng tích xứ Thanh" ngay trong khuôn viên nhà trường.

Với diện tích khoảng 2.000 m2, một không gian thu nhỏ bao gồm nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của xứ Thanh được hình thành.

Cụ thể công viên được thiết kế, lắp đặt 15 mô hình, trong đó có 2 làng nghề truyền thống. Mỗi một địa danh sẽ được thuyết minh cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Các mô hình được mô phỏng lại như: Địa danh lịch sử Ba Đình (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Ba Đình; Ngàn Nưa - được cho là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa chống quân Đông Ngô; Cầu Hàm Rồng - nơi diễn ra trận chiến ác liệt giữa quân và dân ta với không quân Mỹ năm 1965; Thành nhà Hồ - Di sản thế giới được UNESCO công nhận…

Di tích lịch sử cũng được bố trí theo trình tự thời gian như: Từ làng cổ Đông Sơn sang đến Triều đại Nhà Lê là Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn; thời Hồ Quý Ly là Động Hồ Công; sau đó đến lịch sử đương đại là Cầu Hàm Rồng về đến khởi nghĩa Ba Đình, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập…

Cô giáo Lê Thị Ánh Tuyết, giáo viên môn Lịch sử cho biết: "Trong hoàn cảnh Covid-19 mà học sinh vẫn có thể được tận mắt chứng kiến một Thành Nhà Hồ hay một đền thờ Lê Hoàn... từ mô hình mô phỏng. Không chỉ giúp học sinh thì được hiểu rõ hơn, nắm sâu hơn mà còn giúp cô giáo giảng giải, giới thiệu cho các con được cụ thể, dễ dàng hơn.

Ở độ tuổi các con, trí tưởng tượng rất phong phú vì thế thay vì sử dụng máy chiếu, gò bó tiết học trong lớp, các con được xuống sân trường, được khám phá, được tìm hiểu. Từ đó, giờ học lịch sử trở nên lý thú hơn".

Em Nguyễn Hà Thảo Lâm (học sinh lớp 7B, Trường THCS Trần Mai Ninh) chia sẻ: "Được tận mắt chứng kiến mô hình được mô phỏng lại chân thực, sinh động các di tích lịch sử, chúng em cảm thấy rất hứng thú mỗi khi có giờ học môn Lịch sử địa phương".

Khơi gợi niềm tự hào dân tộc

Theo cô Trần Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có điểm mới là từ năm học 2021-2022 sẽ đưa môn giáo dục địa phương vào giảng dạy. Ý tưởng xây dựng mô hình "Công viên thắng tích xứ Thanh" xuất phát từ thời điểm đó.

"Tuy mới triển khai được một thời gian nhưng mô hình đã mang lại nhiều điều bổ ích cho học sinh. Với học sinh chưa nắm được lịch sử địa phương, các em sẽ biết những dấu mốc quan trọng của lịch sử Thanh Hóa.

Sau khi biết, các em sẽ có động lực chủ động tìm hiểu và thêm tự hào lịch sử, con người Thanh Hóa - một đất hai vua. Tự hào Thành nhà Hồ được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, cầu Hàm Rồng - cây cầu sắt bình thường nhưng đi vào huyền thoại, góp phần vào thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ… Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương và các giá trị văn hóa của dân tộc…", cô Lan chia sẻ.

Còn theo cô Lê Thị Ánh Tuyết, qua ghi nhận thấy rằng học sinh học trên các mô hình thực tế nhớ và hiểu sâu hơn. Đặc biệt, khơi gợi niềm tự hào về truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước của học sinh, giúp các em có ý thức gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.

Điều đặc biệt là sau mỗi giờ học, cô giáo thường dành ra 10 phút để giao nhiệm vụ cho học sinh tìm hiểu thông tin về di tích, thắng cảnh buổi học hôm sau. Toàn bộ nội dung học sinh chuẩn bị trước sẽ được viết bằng tiếng Việt sau đó phải dịch sang tiếng Anh để thuyết minh song song vào buổi tiếp theo.

Những bài thuyết trình bằng tiếng Việt và tiếng Anh góp phần đẩy mạnh phong trào học tiếng Anh, hình thành kỹ năng thuyết minh, thuyết trình cho học sinh.

Bình Minh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Không gian   huyền thoại  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...