03/12/2021 22:10  
Ngoài nghề truyền thống như mộc, mây tre đan… nghề may công nghiệp, nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn với thu nhập ổn định.

Nông dân được tiếp cận với nghề

Với đặc thù là huyện đồng bằng, ven biển, phần lớn là hộ nông nghiệp, có nhiều nhà máy may, huyện Hoằng Hóa đã lựa chọn tổ chức các lớp đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương như: May mặc, mây tre đan, áp dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản…

Việc đưa nghề về với lao động nông thôn trong những năm qua đã giúp cho hàng nghìn nông dân được tiếp cận với nghề, được tuyển dụng vào các công ty may mặc, xưởng mộc hay xưởng mây tre đan trên địa bàn.

Cụ thể, nghề may công nghiệp được thực hiện tại nhiều xã của huyện Hoằng Hóa như: Hoằng Đồng và Hoằng Thành. Người lao động sau khi học xong được doanh nghiệp tuyển vào lao động tại công ty, với mức thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng. 

Nghề mộc xã Hoằng Lương (cũ), Hoằng Đạt, mây tre đan Hoằng Thịnh... đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động ngay tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ  4-6  triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng được thực hiện tại xã Hoằng Phụ, mang lại thu nhập cao và ổn định. Hiện nay, mô hình này được rất nhiều người dân xã Hoằng Phụ đón nhận và nhân rộng. 

Theo bà Lê Thị Mão, cán bộ văn phòng xã Hoằng Phụ, nhờ học được mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, hiện nay toàn xã có khoảng 30 hộ nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao này. Hộ nhiều nhất có khoảng 2 ha nuôi tôm công nghệ cao.

"Nhờ đề án đào tạo nghề, người nông dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định. Nuôi tôm công nghệ cao có ưu điểm tăng vụ, thu nhập gần như gấp đôi, mùa đông vẫn nuôi bình thường trong khi tôm tự nhiên mùa đông không nuôi được. Mô hình này đang được bà con trong xã học hỏi nhau và nhân rộng rất hiệu quả", bà Mão cho biết. 

Được biết, thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến 2020, huyện Hoằng Hóa có 2.259 lao động được đào tạo nghề. Hầu hết trong số này đã có việc làm ngay sau khi được cấp chứng chỉ.

Người lao động sống được với nghề

Được tiếp cận và học nghề may, chị Hoàng Thị Minh, ở thôn 7, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa cho biết: "Trước đây tôi ở nhà làm ruộng, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2018, qua lớp đào tạo 3 tháng về cắt, may, tôi đã được Công ty may mặc Bảo Phong nhận vào làm việc. Nhiều chị em cùng đi học nghề như tôi cũng đều có việc làm và thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/tháng".

Còn anh Nguyễn Văn Chiến (xã Hoằng Phụ) thì được học mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ cao. Anh Chiến cho biết, nuôi tôm ao một năm 2 vụ nhưng thu nhập không được là bao vì mất nhiều chi phí cho khâu xử lý dịch bệnh. Từ khi chuyển qua mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn trong nhà lưới, gia đình anh tiết kiệm được công chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho tôm, tôm phát triển tốt, đạt năng suất cao, trong khi chi phí lại giảm.

Gia đình anh Nguyễn Phú Thọ (xã Hoằng Phụ) năm nay cũng bắt đầu nuôi hơn 1000 m2 tôm công nghệ cao. "Nhiều gia đình ở đây đang bắt đầu học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng do thấy được nhiều ưu điểm từ mô hình này. Không những tăng vụ mà còn cho thu nhập cao, mỗi ha nếu thuận lợi, trừ hết chi phí cũng lãi hàng trăm triệu đồng", anh Thọ nói.

Ông Lê Văn Lộc, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hoằng Hóa cho biết: "Hiện nay, ngoài việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngay tại địa phương, ngành chức năng của huyện còn phối hợp với các công ty, đơn vị có chức năng triển khai tuyển dụng lao động ở các xã, thị trấn tham gia xuất khẩu. Một số xã có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều như: Hoằng Phụ, Hoằng Thắng, Hoằng Châu, Hoằng Đạt...

Đặc biệt, huyện thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng công nhân đi làm việc mới tại các khu công nghiệp trong và ngoài huyện, thu nhập trung bình 4-6 triệu đồng/tháng".

Cũng theo ông Lộc, thời gian qua, các hộ nuôi tôm trên địa bàn phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Thiên tai, dịch bệnh, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm. Việc cải tiến quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập của người dân trở thành nhu cầu cấp thiết.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng được đưa vào thí điểm bước đầu đã cho hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất, giảm rủi ro, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Bình Minh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Xã hội   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...